Tháng 6-2015: Đồng loạt cấp, đổi giấy phép lái xe qua mạng

ANTĐ - Dự kiến, tháng 6-2015, các tỉnh, thành phố trên cả nước sẽ áp dụng hình thức cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) từ thẻ giấy sang thẻ nhựa PET qua mạng. Đối với việc cấp GPLX quốc tế, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, tháng 8-2015 mới bắt đầu có hiệu lực.

Tháng 6-2015: Đồng loạt cấp, đổi giấy phép lái xe qua mạng  ảnh 120-8-2015 GPLX quốc tế mới có hiệu lực

Tháng 8 GPLX quốc tế mới có hiệu lực

Chậm hơn dự kiến ban đầu, việc cấp GPLX quốc tế cho công dân Việt Nam có nhu cầu phải đến 20-8-2015 mới có hiệu lực. Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, Tổng cục đã trình và Bộ GTVT đã phê duyệt đề cương thông tư quy định về cấp, sử dụng GPLX quốc tế. Hiện nay, Tổng cục đang dự thảo thông tư, dự kiến trình Bộ GTVT trong tháng 3. “Tháng 5 hoặc tháng 6  tới đây mới có thể ban hành thông tư hướng dẫn về việc này. Tiến độ này cũng phù hợp với quy định của Công ước Vienna mà Việt Nam tham gia. Theo quy định của Công ước, từ 20-8-2015, GPLX quốc tế mà Việt Nam cấp mới có thể sử dụng ở những quốc gia, lãnh thổ đã tham gia và chấp thuận Công ước Vienna”, ông Nguyễn Văn Quyền thông tin.

Theo đó, đối với mọi công dân Việt Nam sinh sống, làm việc, học tập ở nước ngoài, muốn điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ ở nước sở tại, nếu chưa có GPLX quốc tế do cơ quan chức năng Việt Nam cấp thì phải đến cơ quan chức năng nước sở tại xin cấp. Trường hợp đã có GPLX quốc tế do Việt Nam cấp thì có thể sử dụng bình thường. 

Ông Nguyễn Văn Quyền cũng cho biết, GPXL quốc tế sẽ có hình dạng như một cuốn hộ chiếu, có đánh số trang, thông tin trên GPXL sẽ được dịch ra 5 thứ tiếng. Tuy vậy, loại GPLX quốc tế này chỉ có hiệu lực khi sử dụng ở các quốc gia nằm trong Công ước Vienna. “GPLX quốc tế sẽ cấp thêm cho mọi công dân Việt Nam đã có GPLX ô tô có nhu cầu mà không phải thi tuyển”, ông Nguyễn Văn Quyền khẳng định.

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết thêm, Tổng cục cũng đang chuẩn bị nhân lực, vật lực để có thể phục vụ nhu cầu của người dân ngay khi thông tư được ban hành. Giai đoạn đầu, việc cấp GPLX quốc tế sẽ được triển khai ở Tổng cục Đường bộ Việt Nam và 5 Sở GTVT: Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ. Tổng cục Đường bộ lý giải: “Do ban đầu chưa nắm được nhu cầu cấp GPLX quốc tế của người dân như thế nào, nên Tổng cục chỉ triển khai thí điểm. Căn cứ vào thực tế, sẽ tính toán đến việc chuyển giao công nghệ tới tất cả các tỉnh, thành phố”. Tổng cục Đường bộ cũng đang nghiên cứu việc cấp đổi GPLX quốc tế qua mạng.

Cấp đổi GPLX qua mạng trên toàn quốc

Về việc cấp đổi GPLX từ thẻ giấy sang thẻ nhựa PET, Tổng cục Đường bộ cho hay, sau 3 tháng thí điểm cấp, đổi GPXL qua mạng, đã có khoảng 1.000 GPLX được cấp đổi thành công. Trung bình một ngày có khoảng 50 người đăng ký cấp, đổi GPLX qua mạng, chiếm 50% số người có nhu cầu. Theo lộ trình, công nghệ này sẽ được nhân rộng ra toàn quốc trong thời gian tới. Để chuẩn bị, Tổng cục Đường bộ sẽ thực hiện thí điểm tại một số địa phương có lưu lượng đổi GPLX lớn như: Hà Nội và TP.HCM trước khi áp dụng đại trà. Hiện nay, các công việc chuẩn bị hệ thống trang thiết bị, đường truyền, nhân lực, tập huấn, chuyển giao cho các địa phương đang được gấp rút triển khai. Trong tháng 3, Tổng cục sẽ tập huấn, chuyển giao công nghệ cho 2 địa phương này, tiến tới thực hiện đại trà tất cả các địa phương trước tháng 6-2015.

Tại Hà Nội, trung bình một ngày có khoảng 1.000 GPXL được cấp, đổi. Theo tính toán, việc cấp, đổi GPLX qua mạng sẽ khó đáp ứng được số lượng lớn, vì vậy, việc cấp đổi theo cách truyền thống vẫn diễn ra bình thường.

Số liệu thống kê từ Tổng cục Đường bộ cho thấy, đến nay, toàn quốc đã cấp, đổi được khoảng 2/3 triệu GPLX ô tô từ thẻ giấy sang thẻ nhựa PET. Dự kiến, hết năm 2015, việc cấp đổi có thể hoàn tất. Với xe máy, hiện đã cấp, đổi được 4/31 triệu GPLX, chiếm 12%. Lộ trình cấp, đổi GPLX với xe máy sẽ kéo dài đến hết năm 2020. Tuy vậy, một số Sở GTVT cho rằng, để phát huy tối ưu công năng của GPLX vật liệu PET, cần đầu tư thêm công nghệ để tích hợp các lỗi vi phạm giao thông vào GPLX. “Tất cả dữ liệu về người được cấp GPLX đã đưa lên mạng. Việc tích hợp các lỗi vi phạm của người điều khiển phương tiện vào GPLX vừa tạo điều kiện cho cơ quan quản lý Nhà nước, vừa siết chặt việc cấp, đổi  GPLX đối với người vi phạm Luật Giao thông”, đại diện một Sở GTVT nêu ý kiến.