Tàu cổ dưới đáy sông Hồng

(ANTĐ) - Hơn một tuần nay, cả xã Đại Tập - Khoái Châu - Hưng Yên xôn xao vì  chuyện một con tàu nằm sâu dưới 10m nước sông Hồng vừa được những người làm nghề tìm phế liệu dưới lòng sông trục vớt. Dân trong làng, người thì bảo trên con tàu đó toàn là vật dụng bằng đồng. Người lại cho rằng, tàu mới, không có gì.

Tàu cổ dưới đáy sông Hồng

(ANTĐ) - Hơn một tuần nay, cả xã Đại Tập - Khoái Châu - Hưng Yên xôn xao vì  chuyện một con tàu nằm sâu dưới 10m nước sông Hồng vừa được những người làm nghề tìm phế liệu dưới lòng sông trục vớt. Dân trong làng, người thì bảo trên con tàu đó toàn là vật dụng bằng đồng. Người lại cho rằng, tàu mới, không có gì.

Phần mũi tàu và đuôi tàu bị gãy làm 2 trong quá trình trục vớt
Phần mũi tàu và đuôi tàu bị gãy làm 2 trong quá trình trục vớt

Đoạn trường trục vớt

Anh Hà Đăng Chuôm (xã Tân Lễ - huyện Hưng Hà - Thái Bình) người đầu tiên tìm thấy con tàu dưới lòng sông và cũng là người trực tiếp trục vớt con tàu cho biết, hơn 10 năm nay, anh gắn bó với nghề mò tìm phế liệu dưới lòng sông. Tháng 10-2008, trong một lần lặn, đoạn giáp ranh giữa xã Đại Tập - Khoái Châu, Hưng Yên và Thụy Phú - Phú Xuyên - Hà Nội, anh tình cờ phát hiện một con tàu nằm sâu dưới đáy sông, theo hướng mũi tàu chúc xuống. Đến cuối tháng 1-2009, sau khi đã gửi đơn xin trục vớt tàu tới Ban Quản lý đường sông Vạn Điểm, anh bắt đầu tiến hành trục vớt.

Với kinh nghiệm của một người có tới 10 năm trong nghề lặn mò gỗ sắt dưới sông, anh Chuôm ước chừng với 3 đoàn cẩu cùng các thiết bị thổi cát và hút cát thì chỉ mất 1 tuần là có thể đưa được con tàu lên bờ. Nhưng mọi dự đoán đã không chính xác, trong khoang tàu chứa toàn củi, cùng nhựa củ nâu và đất “gan gà” cứng nên mọi thiết bị hút cát và thổi cát đều bó tay. Vậy là lại phải thuê 9 thợ lặn nữa, vừa lặn xuống vớt củi trong khoang, vừa kết hợp máy thổi và máy hút. Ròng rã như vậy cho đến ngày 6-3 vừa qua, con tàu mới chính thức đưa lên khỏi mặt nước.

Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Hà Đăng Chuôm cho biết: “Tôi là dân lao động, chữ nghĩa cũng hạn chế, nên có biết cổ vật là thế nào. Thấy con thuyền dưới lòng sông thì vớt lên, kiếm đồng ra đồng vào nuôi vợ con”. Anh Chuôm kể thêm, cũng chính vì con tàu này mà nhà anh đang mang công mắc nợ. Anh đã chi một khoản kha khá cho việc trục vớt, chỉ riêng tiền thuê 2 đoàn cẩu thôi cũng đã mất tới 87 triệu đồng.

Bức tượng Quan âm bằng sứ trắng vẫn chưa xác định được niên đại
Bức tượng Quan âm bằng sứ trắng vẫn chưa xác định được niên đại

Có thực là tàu cổ?

Trong quá trình trục vớt, con tàu đã bị gẫy làm 2 đoạn, tuy nhiên mọi chi tiết của con tàu vẫn còn nguyên vẹn. Tàu rộng chừng 5m dài 30m, các mớn nước đều được bọc bằng đồng lá. Vì máy móc trên tàu không có nhiều thay đổi nên có thể dễ dàng nhận ra, tàu chạy bằng hơi nước và được đốt bằng củi. Nhiều người dân địa phương cho rằng, một số bát đĩa bằng sứ cũng đã được tìm thấy trên tàu. Tuy nhiên, theo người vớt được con tàu Hà Đăng Chuôm thì chỉ tìm thấy có 3 chiếc đĩa sứ, một đã vỡ, một cho người dân trong làng, và cái còn lại Bảo tàng Hưng Yên tạm giữ. Hiện trên tàu còn lưu giữ duy nhất một bức tượng Phật bà Quan âm bằng sứ trắng. Niên đại bức tượng này giờ vẫn chưa được chính thức xác nhận.

Ông Đỗ Mạnh  Hùng - Phó GĐ Sở VH-TT&DL Hưng Yên cho biết, theo nhận định ban đầu, con tàu này có niên đại vào khoảng thế kỷ 19. Việc trong khoang tàu có chứa củ nâu cho thấy vị trí của phố Hiến trên “Con đường tơ lụa” bởi củ nâu là sản phẩm gắn liền với việc sản xuất các mặt hàng tơ lụa. Được biết, ngay sau khi sự việc này diễn ra, UBND tỉnh Hưng Yên đã có văn bản xin ý kiến chỉ đạo của Cục Di sản Văn hóa - Bộ VH-TT&DL. Hiện tại, Cục Di sản Văn hóa cũng đã có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Hưng Yên ra quyết định thu hồi. Ngay sau khi được thu hồi, con tàu này sẽ được di chuyển về Bảo tàng tỉnh Hưng Yên dưới hình thức bảo tồn hiện vật cổ. Ông Đỗ Mạnh Hùng cũng cho biết thêm, con tàu còn gần như nguyên vẹn, nên việc phục chế và bảo tồn không khó. “Đối với việc anh Hà Đăng Chuôm - người đã có công trục vớt con tàu nói trên, chúng tôi sẽ có những ứng xử hợp tình, hợp lý trên tinh thần ích nước lợi dân” - ông Đỗ Mạnh Hùng khẳng định.

Có một thực tế là, khi chính quyền địa phương biết chuyện, ra tới hiện trường thì lớp ván sàn của tàu đã bị bóc đi khá nhiều, nhiều lá đồng bên mớn nước cũng đã bị “bốc hơi”. Chính vì thế, chính quyền xã đã phải yêu cầu chủ tàu giữ nguyên hiện trạng, đồng thời anh Hà Đăng Chuôm cũng được yêu cầu không rời khỏi xã Đại Tập. Và để đảm bảo an ninh, đã một tuần nay chính quyền xã đã cắt cử 4 công an viên cùng lực lượng dân quân thường trực, bất kể mưa nắng thay nhau trông tàu 24/24h. Vì thế, việc khẳng định giá trị của con tàu, đồng thời có quyết định di dời về Bảo tàng Hưng Yên sớm ngày nào tốt ngày ấy.

Quỳnh Vân