Rơi nước mắt cuộc sống cô độc của cụ bà 90 trong căn chòi rách

ANTĐ - Men theo con đường làng quanh co, chúng tôi tìm đến túp lều tranh của cụ Lê Thị Nha, cụ bà đã 90 tuổi, trú tại thôn 7 xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, thành phố Quảng Ngãi, không có họ hàng thân thích, chồng con thì mất khi cụ còn trẻ, giờ cụ đang sống cảnh ốm đau, cô độc trong căn lều xập xệ, tồi tàn.

Rơi nước mắt cuộc sống cô độc của cụ bà 90 trong căn chòi rách ảnh 1

Nói là nhà cho “oai” chứ thật ra đó chỉ là một túp lều rách nát được dựng tạm bợ bằng vài tấm mành tre và lợp bằng tấm bạt cũng không được lành lặn. Mới nhìn vào không ai nghĩ đó là 1 ngôi nhà cũng không có được cái cửa đường hoàng. Cụ Nha bảo cửa ngõ để mà làm gì khi trong túp lều ấy không có nổi một thứ gì đáng giá. Một cái chõng tre đã gãy, một cái thùng sơn đựng nước mưa, hai cái xoong, một cái ấm đun nước cũ kỹ trong túp lều tranh rách nát là tất cả những gì cụ Nha đang có.

Đang nằm co ro trên chiếc giường ọp ẹp, thấy có khách vào nhà, cụ Nha cố gắng gượng ngồi dậy, rồi cụ ngậm ngùi kể về cuộc đời khốn khổ của mình trong những dòng nước mắt lăn dài trên khuôn mặt hốc hác, nhăn nheo đầy những vết chân chim. Sinh ra trong một gia đình nghèo, năm 21 tuổi cụ lấy chồng cùng quê rồi sinh được người con trai. Thế nhưng số phận thật trớ trêu khi chồng và con cụ mất sớm để lại gánh nặng tinh thần của cụ.

Năm nay đã gần bước sang tuổi 90, ở cái tuổi này lẽ ra phải được nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già bên con cháu. Thế nhưng ngày qua ngày vẫn chỉ có mình cụ cô độc trong túp lều rách bươm nằm giữa bãi đất trống không một bóng người qua lại. Giữa những ngày mùa đông của tháng cuối năm này, căn lều bé nhỏ xiêu vẹo, mục nát khoảng chừng 6m vuông tối om, xung quanh rách thủng lỗ chỗ, hư hỏng xập xệ, cụ Nha phải dùng bạt, chăn che chắn những khe thủng để chắn mưa gió. Chỗ cụ nằm cũng giăng một tấm bạt nhỏ để ngăn nước mưa. Căn lều vá chằng vá đụp ấy không đủ cho 2 người vào đứng. 

Vừa trò chuyện với chúng tôi cụ vừa gạt những giọt mưa nhỏ xuống từ trên mái nhà. Đêm đến, cụ Nha ngả lưng trên chiếc giường tre mục nát. Dù ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng cụ vẫn giữ được cho mình sự minh mẫn. Cụ Nha bảo: “Có những hôm nửa đêm mưa gió, tôi phải lọ mọ tự mò đường gần 200m để trú nhờ nhà hàng xóm, ở tạm đó đến sáng rồi mới về. Trời nắng thì còn cố chịu được chứ trời mưa thì thân già chịu sao thấu!”.

Mỗi tháng, cụ Nha được trợ cấp 120.000 đồng, ngoài ra cụ chỉ biết trông chờ vào tấm lòng của mọi người xung quanh để sống qua ngày. Những ngày vừa qua, trong căn chòi của cụ chỉ còn duy nhất một nhúm gạo nhỏ, không có một chút muối để ăn cơm. Hàng ngày cụ Nha đi kiếm rau dại ăn qua bữa, lúc lại được ai cho cái gì thì ăn cái nấy không thì nhịn đói. Một người hàng xóm của cụ Nha tâm sự: “Bà ấy khổ lắm! Một đời làm lụng vất vả để kiếm cái ăn nhưng cuối đời lại càng khổ hơn. Cũng chính vì bà con xóm làng cũng thương cho cảnh ngộ của bà lắm nhưng khổ nỗi ở đây cũng chẳng có ai khấm khá gì nên lâu lâu người ta mới đem cho bà được lon gạo cầm đói hoặc vài ngàn lẻ để mua thuốc giảm đau thôi, chứ về giúp đỡ lâu dài thì làm răng được”.

Khi chúng tôi ra về, cụ tiễn một đoạn đường, cụ tiếc mãi vì cuộc nói chuyện ngắn ngủi quá. Cụ bảo: “Người già mà, chỉ thích có con cháu mà bầu bạn, còn tôi chẳng có ai!”. Không biết, ở cái nơi đường làng quanh co này, phải bao lâu nữa mới có người tới thăm cụ. Và không biết rằng, năm hết tết đến cụ phải sống như thế nào trong dưới những tấm bạt thủng che mưa ấy.