Quỹ Bồi thường tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp

(ANTĐ) - Hiện tại, Bộ LĐ-TB&XH và BHXH Việt Nam đã cùng nhau thành lập một tổ công tác để thúc đẩy việc xây dựng quỹ này. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với  ông Vũ Như Văn - quyền Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) xung quanh vấn đề này.

Quỹ Bồi thường tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp

(ANTĐ) - Hiện tại, Bộ LĐ-TB&XH và BHXH Việt Nam đã cùng nhau thành lập một tổ công tác để thúc đẩy việc xây dựng quỹ này. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với  ông Vũ Như Văn - quyền Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) xung quanh vấn đề này.

- PV: Hiện Bộ LĐ-TB&XH và BHXH Việt Nam đang xúc tiến việc thành lập Quỹ Bồi thường tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, ông có thể cho biết về quỹ này?

- Ông Vũ Như Văn: Hiện chúng tôi đang trong thời gian lấy ý kiến của nhiều Bộ, ngành và doanh nghiệp, nhưng đa phần là ủng hộ. Có một số ý kiến cho rằng hiện nay đang có Quỹ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp do BHXH Việt Nam quản lý. Nhưng thực tế Quỹ này chỉ có thể trả trợ cấp cho người lao động có tham gia BHXH. Chính vì vậy vừa qua chúng tôi nghiên cứu về Quỹ Bồi thường tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp ở nhiều nước cho thấy quỹ đó hướng vào việc tập trung về một mối việc chi trả bồi thường, chi phí điều trị cho những lao động rơi vào hoàn cảnh như vậy, không rải rác như hiện nay. Khi xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chủ sử dụng chỉ cần thông báo đến cơ quan quản lý quỹ, cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm chi trả cho người lao động tất cả những gì mà hiện nay chủ sử dụng đang phải chi trả theo quy định: chi phí khám chữa bệnh, bồi thường, trợ cấp, phục hồi chức năng… Nếu doanh nghiệp không báo thì người lao động cũng báo để được hưởng. Như vậy tất cả các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp xảy ra cơ quan quản lý đều nắm được, giúp cho việc quản lý tốt hơn.

- PV: Nguồn hoạt động của quỹ này sẽ được lấy từ đâu, cơ quan nào quản lý?

- Ông Vũ Như Văn: Dự kiến, quỹ này có hướng đóng bắt buộc đối với chủ sử dụng lao động. Chỉ cần doanh nghiệp đăng ký hoạt động kinh doanh là phải đóng tiền vào quỹ. Cơ quan nào có nhiều yếu tố nguy hiểm rủi ro thì đóng nhiều, ít yếu tố nguy hiểm thì đóng ít, ít nhất là 0,01%, cao nhất là 2% tổng quỹ lương. Ngoài ra quỹ đó sẽ còn để chi phòng ngừa tai nạn lao động.

Về quản lý, hiện nay, ở nước ngoài thường do Bộ Lao động quản lý, nhưng ở nước ta đã có hệ thống BHXH, tôi nghĩ nên để cơ quan này quản lý vì họ có người, có nghiệp vụ sẽ thuận tiện hơn.

- PV: Hiện nay nhiều trường hợp người lao động bị bệnh nghề nghiệp chủ sử dụng đã tìm cách sa thải hoặc chối bỏ trách nhiệm bằng cách ép họ viết đơn xin thôi việc. Ông đánh giá về những sự việc này như thế nào?

- Ông Vũ Như Văn: Hiện nay cơ cấu thu chi đã được xây dựng, chế tài xử phạt sẽ rất nghiêm. Nếu doanh nghiệp không tham gia sẽ bị xử phạt nặng. Nếu không tham gia thì chủ sử dụng vẫn phải chi trả tất cả những khoản phí đó theo Luật Lao động.

Theo Bộ luật Lao động, chủ sử dụng không được sa thải người lao động khi họ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì họ phải có trách nhiệm và nghĩa vụ cho đi điều trị, khám phát hiện, thực hiện khai báo và phải bồi thường. Nếu lao động đang trong thời kỳ điều trị thì không được phép sa thải. Trường hợp có nguyện vọng chuyển việc khác, lúc đó, chủ sử dụng mới chuyển công việc cho họ và phải bồi thường theo khả năng suy giảm lao động. Bảo hiểm y tế chi trả trợ cấp một phần, còn toàn bộ chi phí chữa trị chủ sử dụng phải chi trả. Bản thân người lao động sau khi bị sa thải do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có quyền khiếu nại tới cơ quan lao động địa phương để chủ sử dụng phải bồi thường theo quy định.  

Huệ Chi (Ghi)