Phía Bắc im ắng, phía Nam tăng “nóng”

ANTĐ - Nếu tàu hỏa và hàng không rơi vào tình trạng “sốt” vé dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, thì đường bộ cũng đã lên kế hoạch tăng cường hàng nghìn xe. Trong khi phía Nam tăng vé ô tô dịp nghỉ lễ  tới 30-40% thì phía Bắc vẫn án binh. Liệu tình trạng tăng giá vé ở phía Bắc có diễn ra không?

Tàu xe đều căng thẳng

Ngay từ đầu tháng 4-2015, đường sắt đã thông báo về tình trạng “cháy” vé giường nằm trên những chặng cao điểm như Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Đà Nẵng, Hà Nội - Quảng Bình… Tương tự, nhiều chuyến bay trong ngày cao điểm như 27-4, 28-4 cũng đã kín chỗ. Tình hình “khan” vé máy bay không chỉ ở các chuyến nội địa mà vé đi các nước như Singapore, Thái Lan, Malaysia… dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 cũng gần như “cháy”. Nhiều công ty lữ hành đã phải đóng tour từ khá sớm. 

Trong khi đường sắt và hàng không hứa hẹn một mùa bội thu trong dịp nghỉ lễ kéo dài thì vận tải ô tô khách đường bộ cũng đã lên kế hoạch tăng tải. Trên địa bàn Hà Nội, Công ty CP Bến xe Hà Nội cho biết, đã lên kế hoạch tăng cường khoảng 750 lượt xe để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc bến xe Mỹ Đình cho hay, dự kiến lượng khách đi/đến bến trong dịp nghỉ lễ  30-4 tăng khoảng 30-50% so với ngày thường. Bến đã lên kế hoạch dự phòng 400 xe để tăng cường trong ngày cao điểm 27 và 28-4 tới đây. 

Phía Bắc im ắng,  phía Nam tăng “nóng” ảnh 1

Lượng khách đi lại bằng ô tô dịp nghỉ lễ 30-4 được dự báo khá đông (Ảnh: NGỌC TUẤN)

                                                

Tương tự, tại bến xe Giáp Bát, ông Nguyễn Tất Thành - Giám đốc bến xe cho hay, dự kiến lượng khách đi/đến bến trong những ngày cao điểm khoảng hơn 3 vạn lượt người/ngày. Bến xe đã lên kế hoạch tăng cường 150 lượt xe, tập trung ở các tuyến như Hà Nội - Thanh Hóa, Hà Nội - Nam Định, Hà Nội - Thái Bình…

Để đảm bảo ATGT, an toàn cho hành khách đi/đến bến xe trong dịp nghỉ lễ, đại diện bến xe Mỹ Đình và Giáp Bát cho biết, đã có kế hoạch phối hợp với các lực lượng chức năng như Cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, thanh tra GTVT và lực lượng giữ gìn trật tự của bến xe. “Lực lượng ở vòng ngoài sẽ đảm bảo phân luồng, trật tự giao thông khu vực cổng ra/vào bến xe, chống bến “cóc”, xe “dù” chạy lòng vòng đón, trả khách.

Lực lượng vòng trong sẽ điều tiết việc xe dừng đỗ, “cò mồi” chèo kéo, đảm bảo an toàn, an ninh cho hành khách”, ông Nguyễn Anh Toàn cho hay.

Muôn kiểu tăng vé né quy định

Đáng nói, trong khi bến xe miền Đông và bến xe miền Tây đã có kế hoạch tăng giá vé dịp nghỉ lễ 30-4 từ 30-40% thì các doanh nghiệp vận tải phía Bắc lại im ắng. Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe Giáp Bát thông tin, mặc dù từ đầu tháng 4-2015, bến xe đã thông báo tới các doanh nghiệp đang hoạt động tại đây, nếu có thay đổi về giá vé thì phải thông báo về bến xe trước 1 tuần của dịp nghỉ lễ. Bến không chấp nhận những trường hợp thông báo tăng giá vé sát ngày nghỉ. Nhưng đến nay, dù đã là hạn chót nhưng vẫn chưa có doanh nghiệp nào thông báo tăng giá vé. 

Tại bến xe Mỹ Đình đến thời điểm này cũng chưa có đơn vị nào tăng giá vé. Giám đốc bến xe Mỹ Đình cho biết, hàng năm, vào dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, các doanh nghiệp thường thông báo khá sớm, giữa tháng 4 đã có quyết định điều chỉnh, nhưng năm nay vẫn chưa thấy thông tin. 

Mặc dù các doanh nghiệp vận tải phía Bắc không thông báo điều chỉnh giá vé trong đợt nghỉ lễ này, nhưng thực tế liệu hành khách có phải trả thêm tiền? Theo một chuyên gia vận tải, không tăng vé chính thức, nhưng rất nhiều nhà xe sẽ tăng vé “miệng” hoặc áp vé đồng hạng trên cùng một tuyến. Và thực tế này năm nào cũng xảy ra vào các dịp nghỉ lễ, tết dài ngày.