Nỗi buồn... xả rác nơi công cộng dịp đầu năm

ANTĐ - Trong chuỗi 4 ngày nghỉ đầu năm mới, các tụ điểm vui chơi, giải trí tấp nập đón khách. Đông đảo khách ghé thăm cũng đồng nghĩa với việc các nhân viên dọn vệ sinh phải làm việc “mệt nghỉ”. Điều đáng nói là những nhân viên này vất vả vì một lượng rác không nhỏ nằm ngồn ngộn rải khắp ở nhiều nơi công cộng.

Xả rác... không ghê tay

Sáng thứ Bảy (3/1), chị Hiền dẫn hai bé đi chơi ở công viên Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội). Khu sân chơi đá bóng là nơi hai bé thích thú nhất với thảm cỏ xanh êm mượt.

Thế nhưng, bên cạnh niềm vui đầu năm dẫn con nhỏ và cháu trai đi chơi, chị Hiền cũng cảm thấy rất khó chịu trước sự vô ý thức của không ít người lớn tại đây.

Xen lẫn trong thảm cỏ xanh rì mà các bé lăn lê chơi là những đồ rác thải mất vệ sinh như bim bim thừa, vỏ bánh, kẹo bị vứt lăn lóc. Đây không chỉ là rác do các bé “vô tình” đánh rơi mà còn do không ít phụ huynh thản nhiên xả ra.

Cách đó một đoạn, một người phụ nữ dẫn con đi chơi tiện tay cho que xiên xúc xích rán vào chiếc hộp rỗng đựng bỏng ngô đã ăn hết rồi lẳng luôn xuống vệ cỏ.

“Sân chơi chung của trẻ nhỏ mà cũng không thoát khỏi sự vô ý thức của người lớn. Mà họ vứt rác ra nơi công cộng ngay trước mắt con em mình, nên có lẽ các bé sẽ lại “tiếp thu” thói quen này khi lớn lên mất thôi. Có những bé đánh rơi bim bim ra sân chơi, bố mẹ không nhắc nhở mà coi như đó là việc rất bình thường”, chị Hiền thở dài khi chứng kiến cảnh chướng mắt.
Nỗi buồn... xả rác nơi công cộng dịp đầu năm ảnh 1Hình ảnh "quen thuộc" của đường phố Hà Nội sau mỗi dịp tập trung đông người

Tình trạng xả rác bừa bãi nơi công cộng kể trên cũng trở nên rất quen thuộc ở trung tâm Hà Nội, là khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm mỗi khi có sự kiện đặc biệt như giao thừa hay bắn pháo hoa chào mừng ngày Giải phóng Thủ đô, gần đây nhất là giao thừa chia tay năm 2014 và đón năm mới 2015.

Khi thời khắc quan trọng qua đi, dòng người dần tản ra, người ta mới thấy rác rưởi la liệt khắp nơi, từ phố Tràng Tiền tới Đinh Lễ, kéo dài qua hàng kem Thủy Tạ. Que kem, giấy ăn đã qua sử dụng, xiên xúc xích, vỏ chai nước, vỏ bim bim, túi nilon đựng hoa quả dầm, bánh kẹo… nằm ngổn ngang, ngáng chân mọi người bước qua và khiến một số người nhíu mày khó chịu, nhưng tất cả vẫn lặp đi lặp lại qua từng sự kiện.

Trong chuỗi ngày nghỉ kéo dài đầu năm này, không khó để bắt gặp những hình ảnh vô tư xả rác ở các trung tâm vui chơi, giải trí như các công viên, vườn hoa, rạp phim…

Khi phóng viên đặt câu hỏi tại sao không bỏ rác vào thùng mà lại xả ngay dưới tấm biển ghi “Không xả rác bừa bãi”, những người vừa thản nhiên vứt rác xuống đường chỉ ngại ngùng quay đi, thậm chí có người còn buông lời thách thức chứ không ai có ý định khắc phục hình ảnh xấu xí mà mình vừa gây ra.

Giải pháp nào để xây dựng ý thức văn minh?

Không thể phủ nhận có những lý do khách quan khiến tình trạng xả rác bừa bãi thêm trầm trọng, như việc bố trí các thùng rác công cộng không hợp lý, hay việc thu dọn thiếu khẩn trương khiến các thùng rác bị đầy, tràn ra ngoài…

Vậy nhưng, một thực tế rõ ràng là hiện còn rất nhiều người dân sống tại Thủ đô vẫn thiếu ý thức và sẵn sàng xả rác ở bất kỳ đâu cho “rảnh tay”, khiến đường phố thêm phần nhếch nhác, mất vệ sinh.

Nguyễn Thảo – một biên tập viên sinh sống tại Hà Nội – chia sẻ: “Bố mẹ mình chưa từng dạy về việc giữ vệ sinh nơi công cộng. Song qua các chương trình tuyên truyền trên báo, đài, dần dần tự bản thân mình có ý thức xã hội, nên mình sẵn sàng cầm túi rác đi một đoạn đường dài để tìm thùng rác bỏ vào chứ không tiện tay vứt ngay xuống đường. Bỏ rác bừa bãi khiến mình cảm thấy… ghê tay”.

Với tình trạng xả rác bừa bãi còn phổ biến như hiện nay, có lẽ những chương trình tuyên truyền, kêu gọi giữ gìn vệ sinh chung là chưa đủ để khơi gợi ý thức xã hội của một bộ phận người dân “bảo thủ” với thói quen kém văn minh của mình.

Do vậy, nên chăng các cơ quan chức năng cần triển khai chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn, như lắp camera nơi công cộng và giao cho lực lượng chuyên trách (công an phường, thanh tra trật tự công cộng…) xử phạt mạnh tay đối với những người vi phạm với bằng chứng "rành rành". Trong khi đó, thông tin xử phạt có thể được đưa công khai lên các kênh thông tin xã hội.

Có như vậy, những người xả rác bừa bãi nơi công cộng mới bắt đầu cảm thấy… ghê tay?