Niềm tin bị đánh cắp

(ANTĐ) - Những tưởng chuyện lùm xùm liên quan đến sữa sẽ chấm dứt sau vụ việc đình đám sữa nhiễm melamine gây bệnh sỏi thận cho trẻ em hồi cuối năm 2008, câu chuyện về sữa không đảm bảo chất lượng lại chưa dừng lại. Sữa có hàm lượng đạm thấp hơn 30 lần so với quảng cáo đang gây bức xúc trong dư luận, một lần nữa lại đánh cắp niềm tin của người tiêu dùng vào các sản phẩm “có lợi cho sức khỏe” có mặt trên thị trường. Trong đợt kiểm tra tại thành phố Hồ Chí Minh, gần 30 mẫu sữa được công bố có hàm lượng đạm thấp hơn nhiều lần so với số liệu thành phần dinh dưỡng ghi trên bao bì đăng ký với cơ quan chức năng, trong đó có 4 mẫu sữa có hàm lượng đạm cực thấp, dưới 2%.

Niềm tin bị đánh cắp

(ANTĐ) - Những tưởng chuyện lùm xùm liên quan đến sữa sẽ chấm dứt sau vụ việc đình đám sữa nhiễm melamine gây bệnh sỏi thận cho trẻ em hồi cuối năm 2008, câu chuyện về sữa không đảm bảo chất lượng lại chưa dừng lại. Sữa có hàm lượng đạm thấp hơn 30 lần so với quảng cáo đang gây bức xúc trong dư luận, một lần nữa lại đánh cắp niềm tin của người tiêu dùng vào các sản phẩm “có lợi cho sức khỏe” có mặt trên thị trường. Trong đợt kiểm tra tại thành phố Hồ Chí Minh, gần 30 mẫu sữa được công bố có hàm lượng đạm thấp hơn nhiều lần so với số liệu thành phần dinh dưỡng ghi trên bao bì đăng ký với cơ quan chức năng, trong đó có 4 mẫu sữa có hàm lượng đạm cực thấp, dưới 2%.

Người Việt Nam có câu “tiền mất tật mang”, câu này đúng cho trường hợp sữa không đảm bảo chất lượng mà người tiêu dùng bị đánh lừa, vẫn mua về làm thức uống hằng ngày. Không những không giúp tăng cường sức khỏe mà trái lại, sữa kém chất lượng còn có thể là nguyên nhân dẫn đến những căn bệnh nguy hiểm khác cho người sử dụng như: Sỏi thận, còi xương, suy dinh dưỡng... Mất tiền mua sữa, người tiêu dùng tốn kém khoản tiền khám chữa bệnh do sữa gây ra. Thêm 1 lần nữa, lợi nhuận đã đánh mất lương tâm của một bộ phận người kinh doanh gây nên hậu quả xã hội nặng nề. Có người còn coi hành động này là một tội ác không thể dung thứ.

Còn nhớ cách đây 3 năm (năm 2006), vụ việc sữa tươi tiệt trùng có 78% là sữa bột đã gây bất bình đối với người sử dụng. Nhưng rất lâu sau khi có kết quả kiểm tra, người tiêu dùng mới nhận được câu trả lời không đầy đủ từ phía cơ quan chức năng và hình thức xử phạt đơn vị vi phạm duy nhất (được nêu tên) là thay đổi nhãn mác. Đó là cách để đơn vị này thoát tội lừa dối khách hàng.

Tại Hà Nội, cơ quan chức năng bắt đầu bắt tay vào đợt kiểm tra sữa, người dân cũng đang nóng lòng chờ đợi những kết quả công bố công khai, đáng tin cậy và hình phạt nghiêm minh cho những người phạm tội. Tuy nhiên, vẫn còn những câu hỏi của người dân được đặt ra. Liệu đây đã phải là vụ việc bê bối cuối cùng liên quan đến sữa nói riêng và các sản phẩm tiêu dùng khác nói chung? Phải chăng, cơ quan chức năng đã “giơ cao đánh khẽ” đối với những đơn vị vi phạm trước đây để sự việc tương tự tái diễn, hay họ đã buông lỏng quản lý, dẫn đến “việc đã rồi” mà không ai khác chính người tiêu dùng là chịu thiệt hại nặng nề nhất? Những nghi ngờ đó nói lên một điều, lòng tin của người dân vào doanh nghiệp, vào cơ quan chức năng đang dần bị xói mòn. Mọi hình thức xử phạt nghiêm minh, đúng người đúng tội trong vụ việc này có thể coi là cơ hội để doanh nghiệp và cơ quan chức năng tạo dựng lại niềm tin trong lòng người tiêu dùng cả nước.

Vân Hằng