Nhận mặt thương nhân Trung Quốc mua nông sản lạ

ANTĐ - Hiện tượng thương nhân Trung Quốc (TQ) lại tiếp tục thu mua nông sản lạ tại Việt Nam với số lượng lớn lại đang làm dấy lên những hồ nghi trong dư luận. Thậm chí nhiều nơi còn hốt hoảng. Không hiểu cái nhóm người lạ kia đang xua lũ thương lái đi mua những thứ quái quỷ, những thứ từ trước tới nay chưa ai nghĩ là bán được kia, để làm gì? 
Nhận mặt thương nhân Trung Quốc mua nông sản lạ ảnh 1

Này thì lá khoai lang, lá mãng cầu, đỉa, chanh non, cau non, hoa thanh long, dừa non… Lại có những đám đánh đùng kéo về mua nông sản với giá cao bất thường, mỗi ngày tăng vài giá, số lượng không hạn chế. Đang mua bán hí hửng, vài ngày sau mất tiệt dạng. Nông dân tiếc hùi hụi, còn các thương lái của ta đau đớn ôm một kho hàng không biết bán cho ai. 

 Cái sự cay đắng đến độ, nhiều khi nghe nói thương nhân Trung Quốc thu mua hàng nông sản lạ là như một lệnh báo động. Thật ra đến nay, sau một thời gian “chiến đấu” với thương nhân TQ, chúng ta đã gần như biết hết mánh lới  của họ. Không có điều gì đáng sợ cả. Mọi thương nhân nước ngoài chân chính hoạt động ở Việt Nam đều chỉ để tìm kiếm lợi nhuận.

Hoặc lợi nhuận từ kinh doanh, mua nông sản ở nước ta với giá thấp, mang về nước chế biến bán giá cao, hoặc lợi nhuận từ lừa đảo, lừa nông dân, lừa thương lái để kiếm siêu lợi nhuận. 

Nhưng trước hết, chúng ta cần nói tới những thương lái TQ sang Việt Nam không để tìm kiếm lợi nhuận mà để phá hoại nền kinh tế.

Nhận mặt thương nhân Trung Quốc mua nông sản lạ ảnh 2

Những kẻ phá hoại nền kinh tế

Đầu năm 2015, thương lái TQ đặt mua hàng trăm tấn lá mãng cầu. Cây mãng cầu vào mùa xuân nếu trụi lá sẽ làm mất mùa quả và dĩ nhiên mất mùa chúng ta sẽ phải nhập của TQ với giá cao. Phát hiện được hiện tượng phá hoại này, chính quyền địa phương đã ngăn chặn kịp thời, các thương lái chỉ kịp mua được vài bao lá. Trước đó, đầu năm 2014, thương lái TQ kéo sang Hà Giang thu mua mầm thảo quả với giá gần 50.000 đồng/kg, trong khi giá bán cao nhất vào dịp giáp Tết chỉ từ 16.000 đến 18.000 đồng/kg.

Tình trạng thương lái TQ thu mua mầm thảo quả đúng vào thời kỳ sinh trưởng cao gấp nhiều lần so với giá bình thường là xúi giục các chủ vườn lại chặt mầm ồ ạt gây thiệt hại cho các vườn thảo quả, làm giảm năng suất, nhiều khi gây chết cây. Hành vi thu mua mầm thảo quả vào vụ sinh trưởng được xác định gây thiệt hại kinh tế rất lớn cho địa phương.

Nhận mặt thương nhân Trung Quốc mua nông sản lạ ảnh 3

Những đòn hiểm dùng để đánh vào nền kinh tế Việt Nam chủ yếu nhắm vào người nông dân và nền nông nghiệp nước ta. Chắc hẳn, nhiều người chưa quên đại dịch chuột hoành hành phá hoại mùa màng ở miền Bắc nước ta vào năm 1997, mà nguyên nhân bắt đầu từ việc người TQ đổ xô sang Việt Nam mua mèo.

Thời điểm đó, người dân ra sức lùng sục từ hang cùng ngõ hẻm để tìm bắt mèo bán cho người TQ với giá ngất ngưởng. Hết mua mèo, người TQ chuyển qua mua móng trâu tàn phá sức kéo của nông dân, mua chè vàng khiến doanh nghiệp trong nước không còn nguyên liệu sản xuất, mua phế liệu, đẩy nhiều đối tượng hám lợi thực hiện hành vi cắt cáp quang... Và gần đây, thương buôn nước ngoài lại đổ xô mua đỉa, lá khô, ốc bươu vàng... với giá cao mà chẳng ai biết để làm gì.

 Tuy nhiên, đến bây giờ, mục đích, cách thức nhắm vào nền kinh tế nước ta ngày càng lộ rõ. Thu gom lá điều khô khiến vụ điều giảm năng suất. Giết trâu bán móng, khiến những người nông dân mất đi kế sinh nhai, mất sức kéo. Đỉa, ốc bươu vàng mà nông dân Việt Nam thu gom, sau khi thương lái TQ biến mất, sẽ không bán được cho ai, đổ đầy đồng gây ô nhiễm môi trường. Lá khoai lang mà cắt đi thì củ còn bao nhiêu hay chỉ còn rễ? Hậu quả là nền nông nghiệp và cả nền kinh tế bị thiệt hại nặng.

Hoạt động của người nước ngoài, đặc biệt là của người TQ trong các trường hợp đã nêu không nhằm mục đích kinh doanh thuần túy, mà là hướng đến việc phá hoại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Việt Nam. Các hoạt động này đều tiềm ẩn nguy cơ làm mất cân bằng, gây thiệt hại đến nền kinh tế, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và tạo ảnh hưởng xấu đến các thương hiệu thương mại của Việt Nam. Nếu chúng ta không sớm có biện pháp đối phó, kiểm soát, xử lý thì tương lai nền kinh tế Việt Nam, sức khỏe của người Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Những ảnh hưởng này không chỉ trên lĩnh vực kinh tế mà còn nguy hại tiềm tàng đến ổn định trật tự xã hội, thậm chí an ninh quốc gia. 

Dễ bị lừa  đảo

Hàng loạt các vụ lừa đảo tín dụng khi thị trường bất động sản vỡ đã làm rung động dư luận trong nước những năm 2011-2013. Nhưng so với các vụ lừa của thương lái TQ, các vụ việc lừa tín dụng đen chỉ là trò trẻ con. Thương lái TQ đã từng cho cả một vùng, một miền ăn những quả lừa đắng cay. 

Đối tượng lừa đảo chính của các thương lái TQ là các thương lái Việt. Với thói quen làm ăn không có hợp đồng, không có những ràng buộc theo các quy định pháp luật cộng với lòng tham, các thương lái Việt Nam rất dễ bị thương lái TQ lừa đảo. Có những vụ lừa lớn, có những vụ lừa nhỏ kiểu quỵt tiền nợ… nhưng tất cả sẽ tránh được thất thoát tài sản nếu tuân thủ những quy định pháp luật về kinh doanh buôn bán, có hợp đồng, có công chứng và chỉ buôn bán với những đối tác có tư cách pháp nhân.

Trong những ngày đầu năm 2015, có hai hiện tượng bất thường tại các tỉnh miền Tây Nam bộ. Đó là hiện tượng các thương lái tập trung thu mua cau non và chanh non bán cho thương lái TQ. 

Hiện tượng thương nhân TQ trực tiếp sang Việt Nam thu mua nông sản với số lượng lớn ngày càng nhiều. Những động thái trái ngược nhau khá rõ, người nông dân thì tỏ ra vui mừng vì bán được sản phẩm với giá cao. Nhưng không ít chuyên gia và các cơ quan quản lý lại tỏ ra lo ngại. Nếu chạy theo nhu cầu bất thường của các thương nhân TQ sẽ dễ dẫn đến việc phá vỡ quy hoạch sản xuất, gây ra sự mất cân đối cung cầu cục bộ đối với một số sản phẩm trong nước. Cũng có ý kiến cho rằng thương nhân TQ đang thu mua nông sản khiến chúng ta mất thương hiệu.

Nhìn từ phía các thương nhân TQ, đã là hoạt động kinh doanh thì yếu tố lợi nhuận phải được đặt lên hàng đầu. Họ vừa kiếm được lợi nhuận lại vừa “góp phần” không nhỏ phá hoại nền kinh tế của ta vậy thì ai được lợi?

Xét về quan hệ thương mại thì mối quan hệ giao thương mua bán giữa các thương lái là hoạt động bình thường, thuận mua vừa bán. Nhưng lại bất thường ở chỗ các thương lái TQ  lại thường xuyên thu mua những sản phẩm lạ, sẽ dẫn đến phá vỡ quy hoạch sản xuất. Bài học đã có quá nhiều. Những quả lừa đã quá nhiều. Tại sao những người nông dẫn vẫn chạy theo “nhu cầu bất thường đó?” Câu hỏi  không phải đặt ra cho những người nông dân mà câu hỏi đặt ra cho các nhà quản lý. Thực tế, chúng ta đang bộc lộ những hạn chế vẫn chưa được khắc phục - đó là những hạn chế trong quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp của nước ta.