Nguy cơ bùng phát dịch cúm mới

(ANTĐ) - Các chuyên gia dịch tễ cho biết, virus cúm A/H5N1 ở nước ta đang biến đổi quá nhanh và ngày càng nguy hiểm. Trong khi đó, nguy cơ dịch bệnh này bùng phát trở lại trên người ở nước ta cũng hiển hiện, khi ý thức phòng bệnh của người dân vẫn còn yếu kém.

Nguy cơ bùng phát dịch cúm mới

(ANTĐ) - Các chuyên gia dịch tễ cho biết, virus cúm A/H5N1 ở nước ta đang biến đổi quá nhanh và ngày càng nguy hiểm. Trong khi đó, nguy cơ dịch bệnh này bùng phát trở lại trên người ở nước ta cũng hiển hiện, khi ý thức phòng bệnh của người dân vẫn còn yếu kém.

Hà Nội có bệnh nhân đầu tiên

Sau 4 trường hợp được xác định dương tính với cúm A/H5N1 tại các tỉnh phía Nam, trong đó 1 bệnh nhân đã tử vong, đến lượt Hà Nội ghi nhận bệnh nhân đầu tiên mắc cúm A/H5N1 trong năm 2010. Theo thông báo từ Cục Y tế dự phòng và môi trường - Bộ Y tế ngày 12-3, bệnh nhân mới nhất vừa được khẳng định dương tính với cúm A/H5N1 là nữ, 25 tuổi, ở xã Phù Ninh (huyện Sóc Sơn, Hà Nội).

Bệnh nhân này khởi phát bệnh ngày 5-3 với triệu chứng sốt cao 38 độ C, kèm ho, đau họng, đau đầu, khó thở. Ngày 7-3, bệnh nhân đến khám tại BV Bắc Thăng Long và được chẩn đoán viêm phổi do virus, được điều trị bằng thuốc kháng virus, kháng sinh hỗ trợ nhưng không đỡ. Ngày 10-3, bệnh tiến triển nặng hơn và bệnh nhân được đưa đến BV Bạch Mai, hiện vẫn đang được thở máy, điều trị tích cực tại BV này.

Sau khi nhận được báo cáo về ca bệnh này, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã tổ chức phun hóa chất khử khuẩn xung quanh khu vực nhà bệnh nhân, đồng thời tiến hành điều tra dịch tễ, lấy mẫu và cho 7 người có tiếp xúc gần với bệnh nhân uống thuốc dự phòng. Khu vực nhà bệnh nhân là một xóm độc lập nằm giữa đồng, gần đó có 2 trại gà nhỏ, các hộ gia đình trong xóm cũng đều chăn nuôi gà vịt. Từ đầu tháng 3 đến nay, khu vực xung quanh nhà bệnh nhân có gia cầm ốm, chết rải rác. Tại nhà bệnh nhân cũng có nuôi 7 con gà, trước đó 1 tuần có 1 con bị chết đã phân hủy...

Khoảng 1 tháng nay, nhiều nước trên thế giới cũng ghi nhận người mắc và tử vong do cúm A/H5N1 ở một số nước như Indonesia và Ai Cập. Do đó, người dân cần nghiêm túc tuân thủ các khuyến cáo phòng bệnh của Bộ Y tế: thực hiện ăn chín uống sôi; không sử dụng, tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh; rửa tay sạch sẽ sau khi tiếp xúc với gia cầm...

PGS.TS. Nguyễn Huy Nga - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường nhận định, dịch cúm A/H5N1 trên người có nguy cơ bùng phát trở lại do ý thức phòng bệnh của người dân chưa cao, đặc biệt ở một số địa phương vùng sâu, vùng xa, vẫn còn tình trạng giết mổ và ăn thịt gia cầm bệnh. Qua điều tra dịch tễ, phần lớn bệnh nhân mắc bệnh (khoảng 95%) có tiền sử phơi nhiễm với gia cầm bị bệnh.

Virus có dấu hiệu “nhờn” thuốc

Trong ngày 12-3, tại hội nghị quốc gia về hoạt động phòng chống đại dịch cúm ở người năm 2009, triển khai kế hoạch năm 2010 diễn ra ở Hà Nội, TS Lê Quỳnh Mai - Trưởng khoa Virus, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, virus cúm A/H5N1 tại nước ta đang tiến hóa quá nhanh và đều thuộc chủng độc lực cao.

Từ năm 2001-2007, đã có 9 kiểu hình gen của loại virus này lưu hành tại nước ta, trong đó 5 kiểu hình gen mới được phát hiện trong năm 2007 và có biểu hiện của sự trao đổi, tích hợp giữa các kháng nguyên của từng loại gen. TS Mai cũng bày tỏ sự lo ngại vì virus H5N1 đã có những sự thay đổi của kháng nguyên làm giảm độ nhạy của thuốc điều trị cúm.

Đây là vấn đề hết sức nguy hiểm đối với sức khỏe cộng đồng bởi theo dự đoán của các nhà chuyên môn, không sớm thì muộn, một loại virus mới có thể xuất hiện từ sự tái tổ hợp của các chủng virus cũ và gây nên một đại dịch với mức độ khó lường.

Cũng tại hội nghị này, nhiều chuyên gia cho rằng, với sự tồn tại cùng thời điểm cúm A/H1N1, cúm A/H5N1 ở người và cúm gia cầm, cùng với thời tiết mùa đông - xuân là điều kiện thuận lợi cho virus cúm phát triển và dịch lan rộng ra nhiều địa phương.

TS Nguyễn Huy Nga cảnh báo, với sự tồn tại cùng lúc virus H1N1 và H5N1, đòi hỏi phải có sự theo dõi chặt chẽ về tình hình dịch tễ và tiến hành các nghiên cứu vì nguy cơ kết hợp giữa 2 loại virus này tạo thành virus khác có độc lực nguy hiểm hơn là rất cao.

Nguyễn Phan