Ngây ngất ẩm thực ở "Ngã tư quốc tế"

ANTĐ - Người Hà Nội từ xa xưa, khi viết thư gửi đi thường biên câu đầu là “Hà thành cát bụi” khác với Sài Gòn là “Sài thành nắng gió”. Hà Nội dù có đẹp mấy thì cái thời tiết ban ngày cũng đầy bụi bặm và vào mùa  hè thì nóng nực vô cùng. Hãy thử đến Hà Nội rồi tận hưởng cái không khí ban đêm ở ngã tư Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến - “Ngã tư  quốc tế”  và tận hưởng từng món ăn thức uống đặc trưng của Hà thành.

Ngây ngất ẩm thực ở "Ngã tư quốc tế" ảnh 1Ngã tư Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến trở thành “ngã tư quốc tế”
thu hút rất đông khách du lịch

“Đệ nhất”  bia hơi Hà Nội

Hơn một trăm năm đã trôi qua kể từ khi người Pháp xây dựng một nhà máy bia trên đường Hoàng Hoa Thám. Từ đó, người Hà Nội có bia hơi, bia chai để uống và gọi chung là bia Hà Nội. Bia hơi Hà Nội giá không quá đắt, vị ngon, dễ uống, đậm miệng. Cũng từ đó đến nay, nhiều nhà máy bia khác mọc lên nhưng bia hơi Hà Nội vẫn được coi là “đệ nhất thiên hạ” vì nhiều yếu tố. Nhiều người cứ truyền miệng rằng do người Pháp đã tìm ra được mạch nước ngầm ngon nhất Hà Nội nên đặt nhà máy bia tại đó. Nghe cũng có lý vì phố Hoàng Hoa Thám trước kia là tường thành cổ, giờ lại nằm giữa hồ Tây và sông Hồng. Cứ chiều về tắt nắng, xâm xẩm tối là “giờ vàng” cho bia hơi Hà Nội. Tây “ba lô” nhiều năm nay đã rỉ tai nhau, nếu đến Hà Nội mà chưa uống bia hơi thì cái thú mất đi một nửa. Trong khi, khoảng 20 năm trước, câu họ rỉ tai nhau là đến Hà Nội phải hút thuốc lào, nói chuyện tiếng Pháp với các cụ già.

“Ngã tư quốc tế” cứ chiều đến là nơi tụ họp của những bước chân khách nước ngoài và cả dân ta thích la cà. Bia hơi, bia chai ở nơi đây với đồ nhậu đơn giản nhưng thu hút vô cùng. Con phố nhỏ  Tạ Hiện với hàng nghìn chiếc ghế đẩu gỗ nhỏ xíu nhưng đủ để ngồi và gọi vài vại bia cùng đĩa nem chua nướng. Thế là đã đủ để cuốn hút. Con phố cổ  này từ cả mấy chục năm nay đã nổi tiếng là phố có nhiều món ăn đặc sản mà nổi tiếng nhất là các món quay như chim quay, lợn quay. Cái ồn ào náo nhiệt góc phố này đã thành bản sắc. Tây và ta tất cả đều yêu thích một thứ đồ uống ngon mỹ mãn: Bia hơi Hà Nội.

Độc đáo BBQ kiểu Hà Nội

Hà Nội nổi tiếng với các món quay nướng dù đông hay hè, nem nướng, thịt nướng, vịt quay, chim quay, lợn sữa quay. Nói đến lợn sữa quay, khoảng hơn 20 năm nay, món lợn sữa quay Lạng Sơn thâm nhập về Hà Nội với lá và quả mắc mật nhồi trong bụng lợn sữa, lòng được nhồi giả dồi chó. Thứ lợn sữa quay Lạng Sơn cũng có cái vị béo của thịt lợn non, giòn tan của bì lợn nướng, đỏ au và mùi thơm của lá mắc mật. Nhưng chính gốc Hà Nội phải là lợn sữa quay trên phố Hàng Buồm. Lợn cũng vẫn là lợn sữa nhưng sẽ chế biến theo đặt hàng của khách. Với khách là người châu Âu, lợn sữa chỉ cần  tẩm khoảng 2 đến 3 loại gia vị. Khách châu Á thì phải tẩm ướp nhiều loại gia vị hơn. Đặc biệt với khách quen lâu năm, lợn sữa không được cắt tiết, trước khi đem quay phải tẩm ướp đủ 9 thứ gia vị theo thứ tự hoặc trộn lẫn với bí quyết gia truyền mà không bao giờ được tiết lộ. 

Các món nướng ở Hà Nội thì vô cùng phong phú nhưng đặc trưng về độ đơn giản mà lại hấp dẫn lại chính là bún chả. Thịt lợn băm và thịt miếng kẹp que tre nướng trên than hoa, chín thả vào bát nước mắm pha cầu kỳ, ăn với bún và rau sống. Rau sống gồm xà lách, rau diếp, tía tô, kinh giới, thơm, mùi và cầu kỳ nhất là rau muống vặt bỏ hết lá, chẻ thật nhỏ rồi ngâm nước cho xoăn tít lại. Khi ăn, miếng thịt nướng thơm lừng ngấm nước mắm và rau sống giòn tan. Đơn giản vậy thôi mà nhiều người đến Hà Nội nhất định phải thưởng thức bún chả.

Nhộn nhịp những phố ăn đêm

Phố đêm Hà Nội không chỉ quyến rũ bởi sự u tịch thâm trầm mà còn bởi các món ăn đêm. Khoảng gần 30 năm nay, người Hà Nội và dân du lịch biết đến các hàng quán rất ngược với phong cách Hà thành. Vốn có câu “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài - Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” để nói về lời ăn tiếng nói của người Hà Nội. Thế mà lại có quán phở “quát” và cháo “chửi”. Phở thì chỉ có buổi chiều nhưng cháo là ban đêm. Nguyên xưa kia quãng 30 năm rồi, có hàng cháo gà trên phố Lương Văn Can rồi khoảng năm 1994 hàng chuyển về bán gần phố Nhà Thờ. Khách đến ăn cháo đêm có đủ thành phần công nhân tan ca, dân đi chơi đêm và cả nghệ sỹ rời sân khấu muộn. Đến ăn ai cũng u u con con với bà chủ quán ngọt như mía lùi. Rồi chả biết từ bao giờ mấy cô con gái xuống hỗ trợ mẹ bán hàng, bà quát con gái rồi quen miệng chửi “yêu” khách. Ban đầu, cậu trẻ nào đi cùng bạn đến mà được bà “chửi yêu” cũng oai lắm, vì như thế có nghĩa là khách quen thân. Thế rồi bà xoay sang chửi hết, cứ hỏi một câu là đệm một câu.

Ngoài cháo ra thì ăn đêm ở Hà Nội hấp dẫn là bò nướng và lẩu riêu cua bắp bò. Chả biết từ bao giờ mà người ta nghĩ ra ăn bắp bò với riêu cua nữa. Trước kia, chỉ có quán bún riêu cua trên phố Phan Bội Châu, vào gọi một bát đầy đủ là bát bún riêu cua có đủ cả thịt bò, giò nạc và giò bì ăn với rau sống thái nhỏ và hoa chuối. Rồi sau đó mới thấy xuất hiện lẩu riêu cua bắp bò. Cho dù thế nào thì món lẩu này cũng được đón nhận nhiệt tình. Cái vị cũng khá ngon, bắp bò mềm ngọt, riêu cua bùi béo, rau cải nhúng lẩu giòn đắng nhẹ. Ăn với bánh đa đỏ hoặc mì Chũ.  Đồ nướng thì nầm dê, thịt lợn ba chỉ, gầu bò nướng cùng với đậu bắp, đỗ khế, cà tím rồi chấm với tương hoặc chao. Khói cứ bốc nghi ngút, mỡ bắn kêu xèo xèo, thịt nướng thơm phức. Lại được nhắm với bia Hà Nội nữa, nhưng đêm rồi thì chỉ có bia chai uống với nước đá mát lạnh thôi.

Ăn đêm Hà Nội phong phú nhất vẫn là phố cổ thôi. Từ Mã Mây với đủ món nướng, cơm rang, gà tần, đến cả cánh gà rán. Món đêm Hà Nội ít đặc sản đặc sắc, quanh quẩn cũng chỉ cháo, cơm rang, lẩu, có thêm hải sản nướng. Nhưng ăn đêm món ăn là phụ, không khí là chính mà đã là ẩm thực thì món ăn ngon cũng phải có cả không khí thưởng thức mới làm nên nghệ thuật ẩm thực Hà thành.