Năng suất lao động Việt Nam thấp: Kỹ năng kém, công nghệ cũ

ANTĐ - Diễn đàn “Năng suất lao động Việt Nam” năm 2014 do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 27-11 cho biết, tốc độ tăng năng suất lao động đang có xu hướng giảm dần. Nguyên nhân chủ yếu do lao động Việt Nam thiếu kỹ năng làm việc, trong khi công nghệ hiện đại lại chưa được ứng dụng rộng rãi.

Năng suất lao động Việt Nam thấp: Kỹ năng kém, công nghệ cũ ảnh 1Ngành nông nghiệp có tốc độ tăng năng suất lao động ổn định

Tốc độ tăng năng suất lao động giảm

Bà Đặng Thị Thu Hoài - Phó trưởng ban Chính sách dịch vụ công (CIEM) cho biết, trong giai đoạn 2000- 2006, năng suất lao động Việt Nam tăng bình quân 6%, nhưng đến giai đoạn 2007-2013, tốc độ này giảm xuống còn 3%. Năm 2013, năng suất lao động của toàn xã hội còn thấp, bình quân mỗi lao động tạo ra khoảng 48,72 triệu đồng, tăng hơn 20 triệu đồng so với năm 2001 và có sự khác biệt lớn giữa các ngành. Hiện nông nghiệp là ngành có năng suất lao động thấp nhất, chỉ bằng 1/4,5 ngành công nghiệp và khoảng 1/3,4 của ngành dịch vụ.

Tuy nhiên, nông nghiệp lại đang là ngành có tốc độ tăng năng suất lao động ổn định, trong khi các ngành khác có xu hướng giảm. Theo bà Đặng Thị Thu Hoài, suy giảm tốc độ tăng năng suất những năm gần đây là hệ quả tất yếu khi tốc độ vốn trên lao động và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ giảm mạnh.

Trong 3 khu vực lao động: Nhà nước, ngoài Nhà nước và khu vực đầu tư nước ngoài thì năng suất lao động khu vực đầu tư nước ngoài cao nhất, đạt 392,4 triệu đồng/người. Khu vực lao động ngoài Nhà nước chiếm đến 86,3% tổng việc làm có năng suất bằng 56% năng suất lao động chung, chỉ đạt 38,4 triệu đồng/lao động. 

Rất cần lao động giỏi

Theo nhóm nghiên cứu của CIEM, tình trạng thiếu hụt kỹ năng đang tập trung nhiều nhất ở nhóm nghề yêu cầu trình độ sơ cấp. Việc sử dụng lao động không qua đào tạo vào những công việc đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật là một trong những nguyên nhân chính làm năng suất lao động Việt Nam thấp so với một số quốc gia trong khu vực. Điều này có quan hệ mật thiết với thực trạng lượng sinh viên ra trường không thể tìm được công việc tương ứng, buộc phải chấp nhận những công việc có trình độ thấp ngày càng tăng.

Cho rằng năng suất lao động trong ngành dệt may mới chỉ đạt mức trung bình và còn nhiều tiềm năng để tăng thêm, Thạc sĩ Nguyễn Thanh Ngân (đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam) cho rằng, lao động là yếu tố đầu tiên tác động tới năng suất. Cụ thể hơn, năng suất lao động phụ thuộc vào trình độ văn hóa, chuyên môn, tay nghề, kỹ năng và năng lực của lực lượng lao động. Nếu không phát triển tốt nguồn nhân lực thì vốn và công nghệ khó phát huy được tác dụng. Và để tăng năng suất lao động ngành này, bên cạnh việc đào tạo nhân lực có tay nghề thì các doanh nghiệp cũng cần đầu tư thêm thiết bị chuyên dùng và tự động hóa. 

Năng suất lao động Việt Nam chỉ ngang với Lào

Năm 2013, năng suất lao động của Việt Nam đạt 5.440 USD, tương đương với Lào và cao hơn Campuchia, Myanmar, thấp hơn các nước khác trong khu vực ASEAN. Năm 2010, năng suất lao động của Việt Nam đạt 5,88 nghìn USD, bằng 13,2% mức năng suất lao động của Nhật Bản; 23,3% của Malaysia; 12% của Singapore; 13,3% của Hàn Quốc; 46,5% của Trung Quốc; 37% của Thái Lan và 69,9% của Philippines, mặc dù giai đoạn 2001-2010, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam là 4,5%, cao hơn so với các nước này (chỉ thấp hơn Trung Quốc 10,6%).