Mờ mắt, suy thận vì quá chén

ANTĐ - Tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, những ngày đầu năm này, số bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc rượu gia tăng mạnh. Bên cạnh một số ca ngộ độc vì methanol, hầu hết bệnh nhân nhập viện do uống quá liều lượng. Đáng chú ý, không ít trường hợp ngộ độc vì uống phải rượu Tây giả.

Mờ mắt, suy thận vì quá chén ảnh 1Bệnh nhân ngộ độc rượu điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai

Đủ kiểu ngộ độc rượu

Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ sáng 26-2, TS Nguyễn Kim Sơn, Phụ trách Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong 9 ngày Tết vừa qua, trung tâm tiếp nhận 46 ca nhập viện vì ngộ độc thực phẩm, trong đó khoảng 50% là ngộ độc rượu, 50% ngộ độc thức ăn. Bình quân mỗi ngày có khoảng 2-3 ca nhập viện vì ngộ độc rượu, ngày cao điểm có tới 4-5 ca. Có những bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rất nặng, bị mờ mắt, suy thận, suy hô hấp, phải thở máy và lọc máu. Bệnh nhân ngộ độc rượu hầu hết là nam giới, thuộc đủ lứa tuổi. 

TS Nguyễn Kim Sơn cho biết, nếu như những ngày giáp Tết, trung tâm tiếp nhận nhiều bệnh nhân ngộ độc vì uống phải rượu có chứa methanol (chất cồn công nghiệp) thì những ngày trong Tết và đầu năm mới này, đa số bệnh nhân nhập viện do uống bia rượu quá liều lượng cho phép. Qua thăm hỏi bệnh sử, có một thực trạng đáng lo ngại là tình trạng ngộ độc do uống, sử dụng rượu ngâm một cách tùy tiện. Thậm chí, có bệnh nhân đã cao tuổi, nhập viện trong tình trạng khá nguy kịch vì uống rượu ngâm mật cá trắm. Bác sĩ hỏi thì người bệnh trả lời: “Nghe nói uống rượu ngâm mật cá trắm bổ nên uống thử”.

Đặc biệt, có khá nhiều bệnh nhân ngộ độc vì uống phải rượu Tây giả, không đảm bảo chất lượng. Điển hình như ngày 23-2 (mùng 5 Tết), trung tâm tiếp nhận đến 2 trường hợp vào cấp cứu vì uống phải rượu Tây không đảm bảo chất lượng. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Trung tâm Chống độc, trong số 2 bệnh nhân này, một người 21 tuổi, người còn lại 35 tuổi, đều nhập viện trong tình trạng nôn nhiều, khô rát cổ, không ăn uống được, xét nghiệm cho thấy bị nhiễm độc máu. Riêng bệnh nhân N.T.T (35 tuổi) còn bị rách một đoạn ở đầu dạ dày, do uống rượu trong lúc đói kết hợp với bệnh lý dạ dày sẵn có khiến bệnh nhân nôn ra máu. Theo lời kể của 2 bệnh nhân này, lượng rượu mà họ đã uống trước khi xuất hiện triệu chứng ngộ độc chưa nhiều, rất có thể họ đã uống phải rượu “dởm”.

Uống nhiều hại thân

Tính trên phạm vi cả nước, thống kê của Bộ Y tế cho biết, 9 ngày Tết vừa qua, các bệnh viện đã tiếp nhận 1.848 vụ ngộ độc thực phẩm khiến 5 người tử vong, trong đó có một tỷ lệ không nhỏ là ngộ độc rượu. TS Nguyễn Kim Sơn phân tích, vào dịp Tết, nhu cầu sử dụng rượu, bia tăng đột biến nên năm nào số ca ngộ độc rượu phải vào viện cấp cứu thời gian này cũng gia tăng. Xu hướng gia tăng còn tiếp diễn đến hết tháng Giêng bởi theo quan niệm “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, có nhiều lễ hội, sinh viên tựu trường, người lao động ở các tỉnh quay trở lại Hà Nội làm việc thường tụ tập liên hoan, tiệc tùng... Ngay cả khi uống rượu đảm bảo chất lượng thì việc sử dụng quá liều lượng cho phép cũng rất dễ gây ngộ độc.

Theo các bác sĩ, thông thường một người trưởng thành, nam giới, có sức khỏe bình thường, nếu uống quá 3 đơn vị rượu/ngày tức là quá liều lượng cho phép. Theo quy ước, 1 đơn vị rượu tương đương với khoảng 30ml rượu mạnh (40-43 độ). Không chỉ gây ngộ độc cấp tính mà việc uống rượu quá liều lượng cho phép còn gây mệt mỏi, đau đầu, hại gan, thận, thần kinh và gián tiếp làm gia tăng số vụ tai nạn giao thông, đánh nhau, bạo lực gia đình… Thậm chí, nếu lạm dụng rượu, bia kéo dài còn dễ dẫn đến loạn thần. Thống kê của ngành y tế cho thấy, ở nước ta, có khoảng 5 - 7% người đến khám tại các cơ sở điều trị tâm thần là loạn thần do lạm dụng rượu, bia. Vì vậy, tốt nhất là không nên uống nhiều rượu, bia.