Máu người không phải hàng hóa

ANTĐ - Từ nay cho đến 14-6, hàng loạt hoạt động tôn vinh người hiến máu sẽ được tổ chức từ cấp trung ương đến cơ sở, nhiều lễ hội hiến máu nhân đạo cũng diễn ra nhằm vận động người dân tích cực tham gia hiến máu cứu người. Thế nhưng cùng với đó, nhiều vấn đề bức xúc quanh công tác máu điều trị vẫn đang tồn tại.

Máu phải được thu gom, bảo quản, chế biến theo quy trình rất chặt chẽ

Nhan nhản “cò” bán máu

Quanh một số BV ngoại khoa hay huyết học, không khó để bắt được mối với những “cò” bán máu chuyên nghiệp, sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của khách với giá cao. Ngay tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, trong khi mỗi ngày có hàng trăm người dân  đến với mục đích được thực hiện một nghĩa cử cao đẹp - hiến máu cứu người thì phía ngoài khuôn viên của viện, lực lượng “cò” mua bán máu vẫn thường xuyên trực chờ. 

Trong vai một người nhà bệnh nhân đang rất cần máu gấp để đáp ứng điều trị, chúng tôi được cánh “xe ôm” cung cấp cho số điện thoại 0163394xxxx của một “cò bán máu” lâu năm ở địa phận này. Nhấc máy gọi tới số điện thoại nêu trên đặt vấn đề, chỉ chưa đến 20 phút sau nhân vật chính đã xuất hiện. Sau ánh mắt nhìn dò xét khách hàng, nhân vật này đi thẳng vào vấn đề: “người nhà anh nằm ở BV nào, muốn mua nhóm máu gì, có mang giấy tờ của BV đến không? Phải có giấy tờ của bác sĩ thì mới lấy máu được”. Lý do vì “bọn anh phải xuất trình giấy tờ cho bác sĩ trong viện để nhờ họ làm cho các thủ tục liên quan như lấy máu, bảo quản máu, vận chuyển… theo đúng quy trình chuyên môn”. Năn nỉ mãi, vị “cò máu” trên mới chịu thông cảm: “đợi khoảng 1 tiếng đồng hồ sẽ có người đến cho máu mang về. Một đơn vị máu nhóm O có giá 1.200.000 đồng”.

Đề cập vấn đề này tới lãnh đạo Viện Huyết học và truyền máu trung ương, chúng tôi được Thạc sĩ Phạm Tuấn Dương, Phó Viện trưởng cho biết, một quy trình từ lúc xét nghiệm, lấy máu, bảo quản, đưa máu vào phòng lạnh… cũng phải mất khoảng thời gian ít nhất 6 - 7 giờ. Theo ông Dương, thông thường máu hay khan hiếm vào dịp cuối năm (dịp tết) và dịp mùa hè nhưng riêng hè năm nay nguồn máu hiện vẫn đang đáp ứng đủ. Hơn nữa, từ giữa năm 2011, viện đã siết chặt hoạt động quản lý máu bằng biện pháp bỏ qua các khâu trung gian có nguy cơ gây tiêu cực, cung cấp máu trực tiếp máu từ viện đến các BV. Quy trình vận chuyển, cung cấp máu rất chặt chẽ và đều được lưu vào sổ theo dõi. Tuy nhiên, ông Dương cho biết, biện pháp này chỉ quản lý được trong phạm vi và nhân lực của viện, còn “cò” máu phía ngoài viện thì bó tay. 

Máu không thể là hàng hóa

Bên cạnh những “cò” mua bán máu chuyên nghiệp thì ngay trong các cơ sở y tế, đâu đó vẫn tồn tại những y bác sĩ coi máu điều trị như một loại hàng hóa để trục lợi. Trường hợp sai phạm của khoa Huyết học - BV Đa khoa Hà Tĩnh trong việc bảo quản và sử dụng máu trái quy định vừa bị phát hiện là một ví dụ. Bức xúc với vấn đề này, bản thân GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện huyết học và truyền máu trung ương phải lên tiếng nhấn mạnh, nếu người nào đó có hành vi pha máu hoặc mua bán máu để trục lợi thì đó là một tội ác. “Tất cả các quy định hiện hành của Bộ Y tế, cũng như của các bộ ngành khác có liên quan đều khẳng định máu lấy được từ người hiến máu không thể là một loại hàng hóa để bác sĩ lợi dụng làm giàu cho bản thân mình. Nếu phát hiện hành vi sai phạm sẽ phải xử lý nghiêm khắc” - ông Trí nêu quan điểm.

Một vấn đề cũng được rất nhiều người quan tâm là tại sao gần 70% máu phục vụ điều trị ở nước ta hiện nay lấy từ nguồn hiến máu nhân đạo thế nhưng người bệnh vẫn phải bỏ tiền mua máu với giá cao. Về vấn đề này, GS. Trí cho biết, để có được một đơn vị máu phù hợp, an toàn, đáp ứng được nhu cầu điều trị thì toàn bộ chi phí từ tuyên truyền vận động, tổ chức tiếp nhận máu, sàng lọc các bệnh lây qua đường truyền máu, sản xuất các loại chế phẩm máu, lưu trữ bảo quản và phân phối… cũng đã cần khoảng 1,5-1,8 triệu đồng mỗi đơn vị máu.

Theo quy định hiện nay, mỗi đơn vị máu (250ml) bệnh nhân sử dụng thì bảo hiểm y tế sẽ thanh toán lại cho nơi truyền máu 447.000 đồng. Như vậy, nhà nước còn phải bù lỗ rất nhiều để có được 1 đơn vị máu phục vụ cho bệnh nhân. Đấy là chưa kể theo quy định, sau mỗi lần hiến máu người hiến sẽ được nhận một phần quà trị giá 80.000 đồng; được phục vụ một suất ăn nhẹ kèm nước uống trị giá 20.000 đồng; được hỗ trợ một phần kinh phí đi lại là 30.000 đồng…