Liên tiếp tai nạn lao động: Lỗi do…

ANTĐ - Thời gian vừa qua, liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động, sự cố công trình gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng tại Hà Nội và trên cả nước. Các chuyên gia về an toàn lao động (ATLĐ) cho rằng, công tác kiểm tra ATLĐ tại các công trình thi công đang bị xem nhẹ.

Liên tiếp tai nạn lao động: Lỗi do… ảnh 1Liên tiếp xảy ra các sự cố tại các công trường đang thi công cho thấy công tác kiểm tra ATLĐ đang bị xem nhẹ

Ngành xây dựng đứng đầu về tai nạn

Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, năm 2014, cả nước xảy ra hơn 58.000 vụ tai nạn lao động, làm chết gần 5.800 người và bị thương hơn 14.200 người. Ngành xây dựng đứng đầu về số vụ tai nạn và số người chết do tai nạn lao động, chiếm trên 30% số vụ và số người chết. Theo Bộ LĐ-TB&XH, số vụ tai nạn lao động trên thực tế còn lớn hơn nhiều so với con số thống kê. 

Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục ATLĐ - Bộ LĐ-TB&XH liệt kê, chỉ tính từ những tháng cuối năm 2014 đến 5 tháng đầu năm 2015, đã có nhiều vụ tai nạn lao động gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như: vụ sập giàn giáo tại dự án Formosa (Hà Tĩnh) làm 13 người chết và 29 người bị thương; vụ cần cẩu bị đứt cáp làm 3 người dân đi đường tử vong tại chỗ ngày 5-5 tại thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp); các vụ tai nạn trên công trường thi công tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) làm 1 người đi đường chết tại chỗ, nhiều người bị thương...

Phân tích về việc liên tiếp xảy ra sự cố mất ATLĐ tại các công trường đang thi công thời gian qua, ông Nguyễn Văn Dần, Phó Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng - Bộ Xây dựng cho rằng, các bộ, ngành cần kiên quyết xử lý vi phạm của các nhà thầu để xảy ra tai nạn. Trong khi đó, ông Bạch Quốc Việt, Trưởng phòng ATLĐ - Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đánh giá, công tác thanh tra, kiểm định các loại thiết bị, đặc biệt là cần cẩu ở công trường đang có vấn đề. Chẳng hạn như tại dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Bộ GTVT, Bộ Xây dựng đều có đoàn kiểm tra nhưng vừa kiểm tra xong một hai tuần lại xảy ra sự cố. 

Chấn chỉnh công tác kiểm tra ATLĐ

Cuối tuần qua, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ trì cuộc họp với nhiều bộ ngành, đơn vị liên quan để bàn biện pháp phối hợp chỉ đạo, chấn chỉnh công tác ATLĐ. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp chỉ ra, tình trạng tai nạn lao động tại các công trình đang thi công gia tăng còn có lỗi của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và các quy chuẩn có liên quan tới bảo đảm ATLĐ. Đặc biệt, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc tăng cường thanh tra, kiểm tra hồ sơ dự án, chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thi công, kiểm định thiết bị, bảo hộ lao động… chưa tốt,  vai trò của thanh tra lao động còn mờ nhạt. 

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho rằng, đã đến lúc phải có những biện pháp chấn chỉnh chủ đầu tư và nhà thầu, siết chặt quản lý trong công tác chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn đối với các công trình. Đồng thời, cơ quan chức năng cần có cơ chế phối hợp phù hợp trong thanh tra, kiểm tra, thẩm định, giám sát, kiểm định đối với các nhà thầu về an toàn thi công, ATLĐ tại các công trình.

Đại biểu các bộ, ngành, đơn vị khác đề nghị, với tư cách là cơ quan giúp Chính phủ quản lý Nhà nước về ATLĐ, Bộ LĐ-TB&XH cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác ATLĐ tại các công trình trọng điểm quốc gia; lập các đoàn thanh tra đột xuất kiểm tra các công trình xây dựng, phối hợp với các ngành kiểm tra, kiểm soát hệ thống các phương tiện an toàn vệ sinh lao động.