Kỳ quái chữa bệnh bằng... thổi hương

ANTĐ - Quả thật, người viết bài này phải dùng từ “kỳ quái” bởi sự khó lý giải của phương pháp chữa bệnh này của ông Kiều Xuân Dục (thôn Yên Lạc, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, Hà Nội). Thực tế cũng có một số bệnh nhân đã khẳng định bệnh tình của mình thuyên giảm nhờ đến đây thổi hương, nhưng nếu nói phương pháp này chữa khỏi bệnh thì chưa có căn cứ, lý giải nào thỏa đáng.
Kỳ quái chữa bệnh bằng... thổi hương ảnh 1

Ông Dục “thổi bỏng”

Đến thôn Yên Lạc, chỉ cần hỏi ông Dục “thổi bỏng” thì ai ai cũng biết. Trong vai một người cần tìm ông Dục để nhờ chữa bệnh cho người nhà, chúng tôi được nhiều người dân chỉ dẫn tận tình. Thậm chí có người thấy chúng tôi lơ ngơ nhìn ngó cũng hỏi luôn “tìm nhà ông Dục thổi bỏng à”. Tất cả những người trong làng, khi chúng tôi hỏi về việc ông Dục chữa bỏng có hiệu quả không đều khẳng định ông chữa bỏng rất tài tình, chỉ cần thổi hương vào chỗ bỏng là đỡ ngay, mà chi phí thì rẻ hơn đi viện rất nhiều, chỉ cần 50.000 đồng cho mỗi lần thổi như thế. Ngoài chữa bỏng, ông Dục còn chữa nhiều bệnh khác như vảy nến, á sừng, đau mắt, viêm tai, thậm chí người dân trong làng chẳng may đứt tay, đứt chân do cưa, đục gây ra hay bị cái gai mây cắm vào (người dân ở đây đa số làm nghề mộc nên hay bị tai nạn) cũng chạy sang để ông Dục thổi.

Theo lời chỉ dẫn của người dân, chúng tôi đến nhà ông Dục, lúc này trong nhà ông có khoảng 5-6 bệnh nhân đang ngồi chờ đến lượt mình được thổi. Trong căn phòng rộng chừng dăm mét vuông, có một điện thờ, ông Dục lần lượt thổi cho từng người. Trước khi thổi, ông đứng trước điện thờ lầm rầm khấn mấy câu thần chú, rồi rút hương ra châm lửa. Cầm bó hương trên tay, ông Dục quay lại người bệnh, hơ hơ qua chỗ đau rồi bắt đầu lấy hết sức thổi cho khói hương bay vào chỗ đau. Theo quan sát của chúng tôi thì cách làm của ông Dục với bệnh nào cũng giống nhau, tức là đau đâu thổi đấy, mỗi chỗ thổi chỉ khoảng chưa đầy 1 phút. Người bị đứt tay, bong gân thì thổi vào chỗ bong gân, đau tai thì thổi vào tai, đau mắt thì thổi vào mắt, nấm đầu thì thổi vào đầu… Ngoài việc thổi hương thì bệnh nhân không uống hay bôi thêm bất cứ một loại thuốc gì khác. 

Kỳ quái chữa bệnh bằng... thổi hương ảnh 2

Những ca bệnh khó lý giải

Trong lúc chờ ông Dục thổi cho bệnh nhân, chúng tôi tranh thủ hỏi chuyện những người bệnh khác đang ngồi chờ trong nhà ông. Đa phần họ đều đến từ các xã trong huyện Thạch Thất hoặc những huyện xung quanh như Quốc Oai, Phúc Thọ, Hà Đông…Ông Dương Văn Chỉnh, ở Khu 4 xã Nhật Tảo, Phúc Thọ cho biết mình bị viêm tai, trước đây rất ngứa, đi viện khám bác sĩ soi tai, mũi, họng, cho thuốc uống nhưng không đỡ, ấy vậy mà đến đây thổi được gần 1 tuần, đến nay tai ông đã gần khỏi hẳn. Ông Chỉnh cho biết, sở dĩ ông biết đến ông Dục là vì trước đây có hai người cháu bị bỏng, sau khi được ông Dục thổi thì đều khỏi một cách nhanh chóng và không để lại sẹo nên đến lượt mình ông quyết định đến đây thổi, không ngờ lại đỡ thật. 

Ngồi cạnh ông Chỉnh là anh Lê Văn Đường, người cùng xã với ông Chỉnh. Anh Đường cho biết mình bị vảy nến đã mấy chục năm, đi chữa khắp các nơi, đủ mọi loại thuốc, uống có, tiêm có, bôi cũng có nhưng không khỏi mà bệnh ngày một nặng thêm. Trước đây, hai bàn tay, bàn chân của anh mọc vảy, xù xì lên như gốc cây, móng tay tụt vào trông rất khủng khiếp khiến người khác nhìn vào phải sợ hãi. Người ta đồn anh bị hủi nên xa lánh, thậm chí còn nói là bệnh này sẽ di truyền sang con cái nên các con anh cũng bị nhiều người dè bỉu. Tự ti với bàn tay, bàn chân của mình nên lúc nào anh cũng phải may quần áo thật dài để che bớt, không dám đi đến những chỗ đông người. Đã thế bàn tay lại gần như không vận động được, đến nỗi anh không thể cầm lái xe máy được. Khi biết đến ông Dục, anh thử đến thổi thì kỳ lạ thay, tay chân đỡ đi nhiều, giờ nhìn gần như bình thường, anh đã có thể làm mọi việc, kể cả đi xe máy. Vì vậy, dù ngày nào cũng phải đi xe máy cả vài chục cây số để thổi thì anh vẫn đều đặn đến nhà ông Dục mỗi ngày suốt 3 năm nay. Chìa bàn tay, bàn chân cho chúng tôi xem, anh Đường nói: “Giá mà biết thầy Dục sớm có phải tôi đỡ khổ sở bao nhiêu”. 

Một trường hợp kỳ lạ khác mà chúng tôi được gặp là bà Nguyễn Thị Tuyên ở thôn Ngoại, xã Tam Thuấn, huyện Phúc Thọ. Bà cho biết mình bị mù một mắt phải từ nhỏ, mắt còn lại thì tháng 3 năm ngoái tự nhiên mờ dần rồi cũng không nhìn thấy gì nữa. Được người quen giới thiệu, bà cũng đi mấy chục cây số đến đây để được ông Dục thổi cho. Và lạ thay, sau hơn 1 tháng, mắt trái của bà đã bắt đầu nhìn thấy mờ mờ. “Trước là không nhìn thấy gì hết, giờ thì ví dụ bật điện tôi đã có thể nhìn thấy ánh sáng, có người đứng trước mặt cũng nhìn thấy bóng rồi. Thế nên dù nhà xa nhưng tôi vẫn phải cố đến đây nhờ thầy thổi xem có khỏi không” - bà Tuyên chia sẻ.

Theo ông Dục thì nhiều người đồn ông chữa được bách bệnh, nhưng không phải, thường thì ông chữa các bệnh như vẩy nến, nấm, đau mỏi xương khớp, gai đôi cột sống, đau mắt, viêm loét… đặc biệt là chữa bỏng. Với bệnh nhân bỏng thì nhất thiết phải là vết bỏng mới, còn ướt, viêm, loét… còn vết bỏng khô đã chữa ở bệnh viện rồi thì ông không chữa nữa.

Học “võ ma” để chữa bệnh

Gần trưa, khi đã vãn khách, ông Dục mới bắt đầu tiếp chuyện với chúng tôi. Đó là một người đàn ông nhỏ bé, khá cởi mở. Ông Dục cho biết mình bắt đầu chữa bệnh bằng thổi hương từ năm 1989. “Hồi đấy tôi đi bộ đội, người gầy quá có chưa đầy 40kg nên tôi rất thích học võ để nâng cao sức khỏe. Tôi học nhiều môn võ nhưng chủ yếu theo võ quyền thề (người ta gọi là võ ma). Ở đây tôi được một người thầy truyền cho bí quyết chữa bệnh bằng thổi hương”. 

Sau khi xuất ngũ, ông trở về nhà và bắt đầu chữa bệnh, mới đầu chỉ là những người trong gia đình, họ hàng, sau cứ người nọ truyền tai người kia, bắt đầu những người trong làng, trong xã rồi cả những người ở huyện ngoài cũng kéo đến nhờ ông chữa. “Tôi chữa 14 năm không lấy tiền của ai bao giờ. Hồi đó gia đình sống chủ yếu là nghề nông, tôi vẫn cấy lúa, thả vịt để sinh sống. Đến năm 2003, bệnh nhân đến chữa đông quá thành ra tôi không đi làm được nữa. Lúc này thì tôi bắt đầu nhận lễ, mỗi người dăm ba chục, cũng không quan trọng lắm. Cứ tưởng mình nhận tiền rồi thì bệnh nhân sẽ bớt đi, không ngờ ngày càng đông thêm, nhiều lúc đi uống rượu họ cũng bảo nhau nháy máy liên tục để tôi phải về. Muốn nghỉ một ngày đi khám bệnh cũng không được, vì người bệnh người ta đau thế, người ta cần mình thì làm sao nghỉ được” - ông Dục nói. 

Khi chúng tôi hỏi hương của ông có gì đặc biệt hay không thì ông Dục cho biết hoàn toàn là ông đi mua hương bình thường chứ không phải hương đặc biệt gì. Ông cũng cho rằng dù việc thổi hương rất đơn giản nhưng không phải ai thổi cũng khỏi được mà ông phải có “thần chú”, “bùa” mới làm được. Chữa bỏng ở ông, chỉ cần thổi một lần là bệnh nhân dịu đau rát dần và khỏi nhanh chóng, không để lại sẹo, không phải “lấy chỗ nọ đắp chỗ kia”…

Chữa khỏi bệnh hay chỉ là sự trùng hợp?

Phương pháp chữa bệnh kỳ quái của ông Dục khiến chúng tôi không khỏi khó hiểu. Để tìm hiểu thêm chúng tôi đã gặp anh Lê Đình Chiến, trưởng thôn Yên Lạc. Anh Chiến cho biết ông Dục thổi hương chữa bệnh đã lâu, có cả người dân địa phương lẫn người bệnh ở các huyện lân cận đổ về chữa. Trước kia ông Dục chữa bệnh không lấy tiền, nhưng những năm gần đây thì người dân có đặt lễ lên bàn thờ, thường là 50 - 100 nghìn đồng cho một lần thổi tùy loại bệnh. Ông Dục không qua trường lớp nào về y tế, và cũng không phải hành nghề gia truyền. 

Thực sự phương pháp chữa bệnh của ông Dục khiến chúng tôi mang nhiều băn khoăn chưa có lý giải rõ ràng. Không hiểu thực sự ông Dục có khả năng thần kỳ chữa khỏi bệnh thông qua khói hương, hay là một cách chữa “tâm bệnh” - đánh vào tâm lý người bệnh? Chính ông Dục cũng cho biết, việc chữa bệnh quan trọng nhất vẫn là tâm lý người bệnh. Ông cũng cho biết: “Tôi có 2 thằng con trai, tôi đều đã truyền lại phương pháp chữa cho chúng nó, nếu làm vì tiền thì tôi đã “thả” mỗi nơi một đứa cho chúng nó kiếm tiền rồi. Nhưng bây giờ con trai tôi vẫn hằng ngày đi đánh giấy dáp thuê được 100 nghìn đồng, phải bắt chúng nó lao động thì chúng nó mới quý đồng tiền, sau này nếu chẳng may tôi chết làm thay tôi thì mới trân trọng người bệnh được”.  

Còn bác sĩ Lê Thị Lâm -Trạm trưởng trạm y tế xã Cần Kiệm thì cho biết trạm y tế xã đã từng tiếp nhận những trường hợp chữa bỏng tại nhà ông Dục không khỏi phải đến trạm xá. Vì vậy bà khẳng định phương pháp chữa bệnh của ông Dục không hiệu quả. “Xét cả lý thuyết và thực tế, ở người bị bỏng độ 1, theo cơ chế tự miễn, nếu vệ sinh sạch sẽ, vết bỏng sau 1 tuần sẽ tự khỏi, còn với bỏng độ 2 sau 2 tuần sẽ tự khỏi. Vì vậy khi vết bỏng khỏi thì người dân lại cho rằng nhờ được ông Dục thổi hương”. Một cán bộ xã Cần Kiệm thì cho rằng việc chữa bệnh của ông Dục là rất khó lý giải. UBND xã đã đến gia đình ông Dục làm việc nhiều lần, lập biên bản yêu cầu dừng hoạt động. Tuy nhiên cái khó là những người dân đến chữa bệnh tại đây đều tín nhiệm và công nhận phương pháp chữa bệnh này có hiệu quả. Đến nay xã chưa nhận được khiếu nại nào của người dân về việc ông Dục làm sai, chữa bệnh không khỏi hay lợi dụng tâm linh kiếm tiền. Ông Dục cũng nói rằng ông làm vì nhân đạo chứ không phải để kiếm tiền. “Chúng tôi cũng mong có cơ quan tổ chức khoa học nào về nghiên cứu thực hư hiệu quả phương pháp chữa bệnh này để có hướng giải quyết” - vị cán bộ xã nói.