Khi dế mèn “phiêu lưu” sang ẩm thực

(ANTĐ) - Những người sành ăn đất Hà thành chắc không lạ với những món ăn được làm từ dế như: dế cuốn thịt ba chỉ nướng, dế chiên bột, dế rang muối ớt, dế kho tiêu, gỏi dế với xoài và cóc xanh... Gắp một miếng dế bỏ vào miệng, thực khách sẽ khám phá ra những bất ngờ thú vị từ món ăn bùi, ngậy, thơm đặc trưng qua sự chế biến tài hoa của người đầu bếp.

Khi dế mèn “phiêu lưu” sang ẩm thực

(ANTĐ) - Những người sành ăn đất Hà thành chắc không lạ với những món ăn được làm từ dế như: dế cuốn thịt ba chỉ nướng, dế chiên bột, dế rang muối ớt, dế kho tiêu, gỏi dế với xoài và cóc xanh... Gắp một miếng dế bỏ vào miệng, thực khách sẽ khám phá ra những bất ngờ thú vị từ món ăn bùi, ngậy, thơm đặc trưng qua sự chế biến tài hoa của người đầu bếp.

Khi dế trở thành đặc sản, đương nhiên nghề nuôi dế đã ra đời.

Và chú dế mèn của chúng ta đã làm một cuộc phiêu lưu liều lĩnh từ văn chương sang ẩm thực.

Tìm về “vương quốc” dế mèn

Mờ sáng một ngày trung tuần tháng 4. Hà Nội trở lạnh bất thường, chúng tôi thẳng hướng phía Nam của tỉnh Hưng Yên lên đường. Một chặng đường không quá xa nên chỉ vài câu chuyện tếu, chẳng mấy chốc xã Tống Phan, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên đã hiện ra trước mắt. Phù Cừ xưa được người dân Bắc bộ biết đến là một huyện nhỏ, phát triển nhờ kinh tế làng xã từ hạt lúa, con gà.

Và đúng như câu nói con người chẳng chống được thiên nhiên, bệnh tật; từ cái ngày “cúm gà” hoành hành, bà con nơi đây chẳng có lấy một ngày yên. Và khi “cúm gà” đã tuyệt tình lấy đi mạng sống của hàng chục người Việt Nam trên nhiều tỉnh thành trong cả nước, dù là một nguồn thu kinh tế nhưng chẳng người dân nào của huyện Phù Cừ dám bén mảng đến việc chăn nuôi gà. Kể từ ngày đấy, nghề nuôi gà đầy rủi ro đã không còn phát triển như trước ở xã Phù Cừ.

Ngoài thửa ruộng, vườn rau, con gà tăng gia sản xuất; nay mất đi nguồn lợi kinh tế từ gia cầm chẳng nhẽ nằm im chờ chết? Cảnh nông nhàn chịu được mấy bận? Những câu hỏi đầy trăn trở đó đến từ không ít người dân nơi đây - Và “vương quốc” của những chú dế mèn là thành quả được ra đời từ những trăn trở, tìm tòi một hướng đi đầy tính mạo hiểm của đông đảo người dân xã Tống Phan, huyện Phù Cừ.

Nhà ông Nguyễn Mạnh Tiền, xã Tống Phan, huyện Phù Cừ là một điển hình thành công cho hướng đi mới này. Hỏi thăm ai ai trong huyện cũng biết nhà ông Tiền “nuôi dế”. Đến, thoáng nhìn và so sánh, tư gia nhà ông Tiền nom bộ khang trang hơn so với nhiều hộ xung quanh. Lời đồn về ông - người nuôi dế hiệu quả nhất - dần dần được xác thực!

Tự hào lắm về mô hình nuôi dế của mình, ông Tiền nhanh chân dẫn chúng tôi đi tham quan ngay “vương quốc” của những chú dế mèn ông đêm ngày chăm sóc, nuôi dưỡng. Tại một căn phòng kín, rộng chừng 30m2 là “nhà” để những “chú” dế thương phẩm sống và sinh sản. Hỏi về “ngôi nhà” kỳ công ông làm dành cho dế, ông Tiền phân bua: “Tôi phải dùng những tấm bạt lớn che thật kín những ô cửa sổ, nhằm không để gió lọt vào.

Trong chuồng dế, có khoảng gần 200 chậu để chồng lên nhau theo hàng lối ngay ngắn. Bên trong mỗi chậu có vô số những “chú” dế khỏe mạnh, chờ ngày xuất chuồng! Tôi đếm cũng không xuể, nhưng áng chừng tại “vương quốc” này dễ phải có đến hàng nghìn “dũng sĩ” dế mèn” - Ông Tiền vừa kể chuyện vừa say sưa ngắm nghía các “chú” dế trong những chiếc chậu - “Có chú “thân hình” vạm vỡ, luôn tìm kiếm thức ăn. Lại có những chú “lặng lẽ” như đang chìm trong giấc ngủ…

Khi dế thành… thương phẩm

Xuân Canh Dần vừa qua, ông Nguyễn Mạnh Tiền đã bước sang tuổi 56. Ông là một cựu chiến binh thời kỳ chống Mỹ cứu nước - “Nhờ có dế, mà tôi đã nuôi được ba đứa con học đại học trên Hà Nội đấy! Cuộc sống của gia đình tôi cũng bớt khó khăn, cơ cực hơn khi có những chú dế” - Ông Tiền hồ hởi chia sẻ.

Nói đến đây quả thực không phải ai cũng nhìn thấy được cái lợi về kinh tế của việc nuôi dế. Chúng tôi mang suy nghĩ nuôi dế thu lợi nhuận kinh tế lấy ở đâu ra đem hỏi ông Tiền, thì… - “Trước kia nhà tôi chăn nuôi gà, nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Do dịch bệnh, thời tiết khắc nghiệt nên nuôi gà ngày đó vất vả lắm. Vả lại, hai vợ chồng tôi đã có tuổi nên việc chăn nuôi gà cũng trở thành gánh nặng.

 Tôi theo dõi báo, đài, được biết nghề nuôi dế cũng đang phát triển nên tôi đã quyết định “tầm sư học đạo” ngành nghề mới mẻ này. Tôi đã “lặn lội” từ quê nhà sang Vĩnh Phúc rồi đến Hải Dương để học nghề. Ở đây, tôi được truyền đạt kinh nghiệm nuôi và lấy giống dế. Phải mất 15 ngày, tôi mới hoàn thành xong việc lấy giống. Sau đó, tôi phải “đầu tư” cho những chuyến “đi thực tế” của mình để tìm hiểu và thưởng thức những món ăn từ dế, cào cào… tại những nhà hàng có thực hiện các món về côn trùng.

Trở về quê nhà, tôi bắt đầu gây dựng ngay chuồng trại nuôi dế của mình. Chuồng gà cũ của gia đình, tôi tận dụng để làm chuồng dế. Thức ăn cho dế đơn giản lắm. Thường là dế chỉ ăn thực vật. Rau muống, cỏ, bèo, lá sung...”. Nói đến đây, ông Tiền cười vang thích thú tựa như những đứa trẻ chơi “chọi dế” ngày xưa. Có lẽ với dế, ông Tiền đã trót dành thật nhiều tình cảm cũng như tâm huyết với chúng. Và  không phụ người, những “chú” dế khỏe mạnh đã mang lại cho gia đình ông thu nhập kinh tế ổn định, một tinh thần thoải mái.

Thời gian từ lúc nở trứng, nuôi cho đến khi dế có thể xuất chuồng vào độ 75 ngày. Hai tháng rưỡi tuy ngắn ngủi ấy là không ít những khó khăn, ông Tiền chia sẻ: “Mùa đông dế khó nuôi lắm nhà báo ạ! Khi nhiệt độ xuống thấp dưới 15 độ, người nuôi phải có biện pháp để bảo vệ, giữ ấm cho dế. Thường thường, dế có thể sống tốt trong môi trường 20 độ.

Những lúc giá rét như vậy, tôi phải che đậy cho chuồng dế thật kín, không cho gió lạnh xâm nhập, làm lạnh dế. Ngoài ra, tôi phải huy động thêm 2 bếp than tổ ong đặt ở trong chuồng, nhằm tăng thêm phần giữ ấm cho những “chú” dế. Kẻ thù không đội trời chung với dế là những loại động vật, côn trùng như nhện, thạch sùng, kiến nên phải chú ý bảo vệ cho chúng” - Toàn những khó khăn, hẳn cũng phải có chút thuận lợi chứ? Chúng tôi chợt hỏi ông - “Khó khăn kể vậy thôi, nghề chơi còn lắm công phu nữa mà… Nhưng những thuận lợi của việc nuôi chúng cũng không ít. Một ngày, tôi chỉ “tiếp” thức ăn và nước cho dế 2 lần. Việc chăm sóc và bảo vệ dế không cần quá cầu kỳ.

Ngoài ra, nuôi dế không gây ảnh hưởng đến môi trường. Vốn đầu tư ban đầu cho việc nuôi dế không quá tốn kém. Khi bắt đầu thực hiện nuôi dế, việc đầu tư chuồng trại, giống dế, chậu nuôi… là cần thiết. Nhưng số vốn đầu tư những việc đó là không cao. Ngoài chi phí đầu tư ban đầu thấp, việc nuôi dế cũng rất tiết kiệm. Với 1 ki-lô-gam dế, gia đình tôi chỉ tốn khoảng 13.000 đồng tiền thức ăn. Nuôi dế có thể nuôi được lâu dài. Việc mua giống cũng chỉ phải mua 1 lần vì dế sinh sản nhanh theo cấp số nhân. 1 ngày có thể xuất chuồng được 2,5kg dế”...

Rời chuồng nuôi dế thương phẩm, tôi tiếp tục được giới thiệu chuồng dế sinh sản của ông Tiền. Đây là một không gian rộng khoảng 20m2, ngổn ngang những chậu, bồn đựng dế, sơ sơ cũng đến gần 100 chậu dế sinh sản. “Chuồng này chỉ gồm những dế “bố mẹ” và chỉ để dế sinh sản. Một ngày chuồng dế sinh sản cho ra được 10 chậu dế con” - Ông Tiền tự tin bộc bạch - “Từ khi tôi nuôi dế, việc “đầu ra” cho dế cũng khá ổn định. Một năm, chúng tôi chỉ bán được trong vòng 8 tháng, vì những tháng mùa đông, lượng dế xuất chuồng có chất lượng không cao.

Tính trung bình một tuần đến 20 ngày, chúng tôi bán được 20 ki-lô-gam dế. Những cửa hàng có món ăn chế biến từ côn trùng ở các tỉnh phía Bắc như Ninh Bình, Hải Dương… đều đặt hàng của tôi. Một vài khách sạn thi thoảng cũng cho người đến lấy. Thời điểm cao nhất, dế cơm có giá khoảng từ 400.000-450.000 đồng/ki-lô-gam. Còn dế trũi có giá thấp hơn từ 250.000-280.000 đồng/ki-lô-gam. Tháng hơn bù tháng kém, trung bình mỗi tháng mỗi hộ nuôi dế như chúng tôi thu nhập khoảng 5 triệu đồng”.

*  *  *

Xa những câu chuyện về dế; rời “vương quốc” dế của ông Nguyễn Mạnh Tiền; chúng tôi có mặt tại UBND xã Tống Phan, huyện Phù Cừ. Hỏi về hướng phát triển kinh tế, về việc nhân rộng mô hình nuôi dế thu lợi nhuận của bà con trong xã, ông Trần Bùi Hoản, Chủ tịch UBND xã Tống Phan cho biết: “Tất cả người dân nuôi dế ở đây đều do tự phát, đến nay cũng đã có thành công bước đầu. Mô hình nuôi dế tại gia đình có thể phát triển, nhưng nên lựa theo nhu cầu của thị trường. Tháng

3-2010 vừa qua, Phòng Khuyến nông huyện Phù Cừ đã xuống tham quan, mở hội thảo về nuôi dế tại xã”. Trên đường trở về Hà Nội, chúng tôi ôn lại những chi tiết trong tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu ký” của cụ Tô Hoài. Bài viết này của chúng tôi và chuyện của cụ chẳng có gì liên quan đến nhau ngoài hình tượng về “chú” dế trong văn chương và trong đời thực. Thực tế hơn khi nuôi dế đã trở thành một cái nghề hàm chứa cả sự vất vả, khó khăn sau giấc mơ “hướng đi” và “giảm nghèo” của những người nông dân trong hành trình tìm kiếm nghề phụ, vượt khó đi lên.

Tôi tin là không ít những độc giả khi đọc bài viết này chưa từng thưởng thức các món ăn về dế và chắc cũng tò mò. Nghề báo cho chúng tôi điều kiện được đi nhiều, gặp gỡ nhiều. Cái sự “lạ” trên đời đến với chúng tôi cứ từ đấy mà ra - người dân huyện Phù Cừ nói riêng đã có một giấc mơ rất “lạ” - đó là ấp ủ biến miền quê mình trở thành làng “dế” và món “dế” ngon sẽ được bán rộng rãi khắp cả nước…

Lê Hoàng Trung