Hướng đi của tương lai

(ANTĐ) - Có thể khẳng định, hợp tác quốc tế trong giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) không chỉ là xu hướng tất yếu để thu hẹp khoảng cách giữa nền giáo dục nước nhà với các nước trên thế giới mà còn là nhu cầu thực sự của xã hội. Nhất là khi chúng ta đang trên con đường hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, hướng đi tất yếu của tương lai này vẫn còn vướng không ít những khó khăn.

Hợp tác Giáo dục- Đào tạo

Hướng đi của tương lai

(ANTĐ) - Có thể khẳng định, hợp tác quốc tế trong giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) không chỉ là xu hướng tất yếu để thu hẹp khoảng cách giữa nền giáo dục nước nhà với các nước trên thế giới mà còn là nhu cầu thực sự của xã hội. Nhất là khi chúng ta đang trên con đường hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, hướng đi tất yếu của tương lai này vẫn còn vướng không ít những khó khăn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
 

Ngày 15-10-2008, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chính thức phê duyệt Đề án “Đào tạo theo chương trình tiên tiến tại một số trường ĐH Việt Nam giai đoạn 2008-2015”, với mục tiêu tổng quát là triển khai thực hiện một số chương trình tiên tiến đào tạo trình độ ĐH nhằm tạo điều kiện để xây dựng và phát triển một số ngành đào tạo, khoa, trường ĐH mạnh đạt chuẩn khu vực và đẳng cấp quốc tế… Theo Đề án, những năm đầu, các trường ĐH tại Việt Nam hướng đến việc mời giảng viên nước ngoài sang giảng dạy. Tuy nhiên, thực tế việc mời giảng viên nước ngoài cho chương trình này đạt tỉ lệ còn thấp so với kế hoạch của các trường, trong đó có cả những trường có đào tạo chương trình liên kết quốc tế.

Việc mời các chuyên gia nước ngoài sang giảng dạy và nghiên cứu xuất phát từ một chủ trương lớn trong quá trình hội nhập và mở cửa của Đảng và Nhà nước; bởi chủ trương coi GD-ĐT và khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu. Tuy nhiên có một thực tế cũng chính là nghịch lý là nền khoa học, công nghệ, GD-ĐT của chúng ta còn có độ trễ nhất định so với thế giới. Hợp tác quốc tế chính là giải pháp để thu hẹp khoảng cách đó.

Trong hợp tác quốc tế về giáo dục, nội dung chính chủ yếu là đưa các chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam hợp tác, giảng dạy và nghiên cứu. Đây là xu hướng tất yếu mà các nước trong khu vực châu Á - Đông Nam Á đều đã áp dụng rất sớm như Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan… hay hiện nay là Trung Quốc. Chúng ta cũng không nằm ngoài xu thế đó. Tuy nhiên, hội nhập GD-ĐT mà ở đây đang nói đến nội dung đưa các chuyên gia nước ngoài sang giảng dạy, nghiên cứu hiện vẫn còn gặp khó khăn.

Nhưng không phải khó khăn là chùn bước. Hãy cùng nghe những ý kiến đóng góp của các Giáo sư, Tiến sỹ trong lĩnh vực quản lý GD-ĐT, giảng dạy tại các trường ĐH tại Việt Nam nhận định, chia sẻ những giải pháp để cùng hướng đến một hệ thống GD-ĐT bài bản và chuyên nghiệp trong môi trường học tập ngày càng quốc tế hóa mạnh mẽ.

Xác định ngành học trọng tâm

TS. Nguyễn Tiến Dũng
TS. Nguyễn Tiến Dũng
Trong sự phát triển chung của hệ thống GD-ĐT trên thế giới, các trường ĐH có xu hướng không ngừng nghiên cứu, phát triển rồi phân phối, chia sẻ thông tin, kiến thức, sự hiểu biết và các công nghệ sáng tạo để có lợi cho cộng đồng. Hơn cả là những quyết định phù hợp và các sáng kiến hành động nhằm đổi mới hệ thống giáo dục tốt hơn hướng sự ổn định mà vẫn giữ lại các chức năng nhiệm vụ truyền thống.

Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó nhất là khi chúng ta coi nhiệm vụ nâng cao chất lượng GD-ĐT là quốc sách hàng đầu. Bởi vậy việc mời các giáo sư, chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam giảng dạy là một nội dung luôn được ưu tiên. Các chuyên gia này sẽ gián tiếp giúp nâng cao kinh nghiệm và vốn hiểu biết cho đội ngũ giảng viên trong nước để có thể theo kịp với hệ thống giáo dục mạnh trên thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh việc học tập và hội nhập, chúng ta vẫn cần phải đảm bảo chất lượng nền tảng, là cái gốc quan trọng của sự phát triển. Bởi vì không thể lấy chất lượng của nước mạnh áp đặt cho các nước yếu. Phải xác định rõ cái gì nên học tập, cái gì cần thiết theo từng giai đoạn. Muốn như vậy, các trường đại học cần có lộ trình thiết lập danh sách các ngành học trọng tâm phát triển để tập trung mời các chuyên gia trong lĩnh vực đó hợp tác, giúp đỡ.

Tiến sỹ Nguyễn Tiến Dũng,

ĐH Sư phạm Hà Nội

Xây dựng lớp giảng viên kế cận

GS. Vũ Minh Giang
GS. Vũ Minh Giang
Đầu tiên phải kể đến vấn đề điều kiện vật chất, kinh phí. Chúng ta không có những ký túc xá cao cấp dành cho các chuyên gia thỉnh giảng. Hay việc thù lao trả cho họ cũng rất khó. Hiện nay, về cơ bản chúng ta vẫn chưa trả đúng, trả đủ cho họ bởi kinh phí hạn hẹp. Chúng ta mới chỉ tín dụng vào các quan hệ và trả một khoản tượng trưng rất nhỏ, dẫn đến việc chưa thật sự thu hút được các chuyên gia. Bên cạnh đó, khó khăn về mặt thủ tục (quản lý người nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực KH-VH-GD) cũng là rào cản vô hình trong việc đưa chuyên gia sang.

Một vấn đề khác đó là chúng ta chưa có sự đồng bộ, tương thích trong chương trình đào tạo với các nước khác. Chẳng hạn như niên lịch khác, cách tổ chức đào tạo chưa giống. Vì thế, chúng ta cũng chỉ hội nhập được một số chương trình, không phải lĩnh vực nào ta cũng mời được. Hiện chỉ đang tập trung vào một số ngành trọng tâm như khoa học tự nhiên, công nghệ. Còn rất nhiều ngành khác độ vênh, chênh lệch còn khá xa.

Cuối cùng phải nói đến điều kiện của sinh viên Việt Nam. Khi tổ chức những chương trình hội nhập đào tạo quốc tế, đòi hỏi tiên quyết sinh viên phải có trình độ tiếng Anh nhất định để có thể nghe giảng. Đó cũng là một bài toán khó. Bởi vậy rất nhiều trường trong đó có cả ĐHQG Hà Nội đều nhằm mục tiêu đưa các trợ giảng trong nước tham gia vào khóa học để học hỏi kinh nghiệm giảng dạy, cũng như cách tổ chức GD-ĐT của họ để từ đó dần xây dựng lớp giảng viên kế cận để theo kịp thậm chí là đạt chuẩn quốc tế.

GS. TSKH Vũ Minh Giang

Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội

Phải có lộ trình để đi đúng hướng

TS. Phạm Hồng Mạnh
TS. Phạm Hồng Mạnh
Các yếu tố cần và đủ của chúng ta thật sự vẫn chưa thu hút được các chuyên gia nhận lời sang giảng dạy. Hầu hết những người đã sang Việt Nam đều do mối quan hệ giữa các trường mà dựa vào đó để trao đổi hợp tác. Chưa kể đến những bất tiện trong sinh hoạt. Hầu hết các chuyên gia đều phải ở khách sạn vì trường không thể cung cấp chỗ ở đạt tiêu chuẩn cho họ.

Một vấn đề khác cần nhắc tới là chúng ta mới chỉ có thể mời các chuyên gia sang để phần nào đó giúp đỡ các giảng viên Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy, đồng bộ hóa và quy chuẩn hóa công nghệ giảng dạy. Bởi thật sự, không thể đòi hỏi họ chỉ trong một thời gian ngắn có thể nâng cao chất lượng của các sinh viên. Xét về cả 2 chiều, bất đồng ngôn ngữ là rào cản rất lớn, rất nhiều từ chuyên ngành mà sinh viên và thậm chí một số giảng viên chưa được biết. Mà sử dụng phiên dịch viên thì chúng ta đã mất đi tới 80-90% những gì học được khi mời chuyên gia. Bởi vậy, con đường hội nhập phát triển nền GD-ĐT cần phải có lộ trình rõ ràng để không đi lệch tâm, lan man vừa tốn kém vừa không hiệu quả.

Tiến sỹ Phạm Hồng Mạnh

Giảng viên Kinh tế, ĐH Quốc gia TP.HCM

Nắm bắt trước khi cơ hội khép lại

GS. Hồ Tú Bảo
GS. Hồ Tú Bảo
Trong bài viết “Về đội ngũ giáo sư của đại học chất lượng cao ở Việt Nam” (Một trường tốt phải có thầy hay), GS Hồ Tú Bảo có viết - ...Một số đồng nghiệp và tôi cho rằng giải pháp hiệu quả và khả thi hơn cả, là đội ngũ giáo sư của “đại học chất lượng cao” (ĐHCLC) cần được lựa chọn và thu hút từ 3 nguồn: Các giáo sư hàng đầu ở các trường ĐH và các viện nghiên cứu trong nước; Trí thức người Việt hiện đang giảng dạy hoặc làm nghiên cứu ở nước ngoài và các trí thức Việt kiều về hưu có tên tuổi; Những người trẻ tuổi đi du học mới tốt nghiệp loại xuất sắc.

Một điều quan trọng cần đặc biệt chú ý là họ hầu như cũng là lớp trí thức người Việt cuối cùng ở nước ngoài giỏi tiếng Việt, gắn bó da diết với đất nước, có thể hoặc sẵn sàng hồi hương tham gia hoạt động của ĐHCLC theo những cách thích hợp. Chúng ta phải nắm bắt ngay trước khi cơ hội này khép lại. Phải làm sao để các anh chị với kinh nghiệm và tri thức làm việc lâu năm tại các ĐHCLC từ nhiều nền giáo dục tiên tiến trở thành một phần cốt yếu của đội ngũ giáo sư trong ĐHCLC ở trong nước? Theo tôi, vốn quý nhất của người Việt ở nước ngoài mấy chục năm qua chính là những trí thức. Những trí thức hàng đầu này cũng chính là vốn quý của đất nước… Và tôi cho là cũng sẽ không có nhiều giáo sư giỏi người nước ngoài đến dạy ở ĐH Việt Nam. Nhưng chính những giáo sư người Việt với trình độ cao đang có rất nhiều.

Giáo sư Hồ Tú Bảo

Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản (JAIST) 

 

Quân.Trần - Nguyễn Đệ

(Thực hiện)