Hoan hô Khánh Hòa! Trường học đâu phải cái chợ!

ANTĐ - Báo chí ngày 18-6-2015 đưa tin: “Khánh Hòa cấm trường học bán đồng phục cho học sinh”. Thông tin này có làm phụ huynh nào quan tâm không ạ. Tôi - người viết bài này thấy rằng đây là một chủ trương đúng của tỉnh Khánh Hòa mà các tỉnh thành khác, trong đó có cả Hà Nội nên học tập.
Hoan hô Khánh Hòa! Trường học đâu phải cái chợ! ảnh 1

Việc cấm không cho các trường bán đồng phục học sinh thật ra chẳng phải là vấn đề quá lớn đối với một trường học, và cũng không phải là chuyện gì to tát đối với một vài phụ huynh nhưng lại là vấn đề lớn đối với nhiều trường học và là chuyện to tát đối với những phụ huynh nghèo. Mỗi một trường học, vài nghìn học sinh, nhân với vài nghìn trường học thì câu chuyện rõ ràng không còn nhỏ nữa, và những con số cũng không còn nhỏ nữa.

Thực tế, đồng phục mua sẵn của nhà trường thường mẫu mã xấu, may ẩu, chất lượng vải kém, vải quần (váy) bằng chất liệu nilon nên rất bí, nóng, số đo không thật chuẩn. Khiến nhiều học sinh mặc không vừa vặn, xộc xệch, lôi thôi và không có được cảm giác thoải mái mỗi khi đến trường. Trong khi đó, phụ huynh có thể tự đặt may đồng phục cho con mình với  số đo chuẩn, chất lượng vải tốt hơn, mát hơn, giá rẻ hơn. Các phụ huynh nghèo có thể xin cho con em mình những bộ đồng phục cũ nhưng vẫn còn sạch sẽ có thể mặc tiếp. Hoặc các cháu học sinh ra trường cũng có thể tặng lại những bộ đồng phục cũ cho các bạn khóa sau nếu như có nhu cầu, giống như việc sử dụng lại sách giáo khoa cũ, vừa tránh lãng phí, lại vừa tiết kiệm cho phụ huynh.

Rõ ràng ở nhiều trường học hiện nay, việc yêu cầu học sinh mua đồng phục là không bắt buộc, nhà trường chỉ thông báo học sinh nào có nhu cầu thì mua, không thì thôi. Song, điều đó được ngầm hiểu là học sinh nào cũng phải mua, số học sinh không mua chắc chắn chỉ là con số rất ít. Nó cũng giống như việc cấm dạy thêm học thêm thì các thầy cô cho phép các con làm đơn: “Muốn được học thêm” là hợp pháp hóa việc học thêm.

Không biết có việc “bắt tay”, “hoa hồng” hay phết phẩy phần trăm từ các đơn vị may đồng phục với các trường học hay không, nhưng tốt nhất là không nên thương mại hóa môi trường sư phạm mà nên cấm hẳn, không để các trường bán đồng phục. Trung bình mỗi học sinh, 2 bộ đồng phục mùa đông, hai bộ mùa hè, có trường lại thêm một bộ học tiết thể dục nữa, thì mỗi dịp đầu năm, phụ huynh phải lo đủ tiền đồng phục cũng không phải là ít. Sở GD- ĐT tỉnh Khánh Hòa cũng cấm luôn cả việc nhà trường bán sách giáo khoa và dụng cụ học tập cho học sinh, cho thấy ngành giáo dục tỉnh Khánh Hòa đã nhận thấy những bất cập từ việc này. Hiện nay, không ít các trường học ở Hà Nội vẫn nhận “mua hộ” SGK cho học sinh. Có trường còn cho cả xe ô tô phóng thẳng vào tận sân trường bán sữa tươi, thậm chí còn cung cấp cả rau sạch để phụ huynh đi chợ luôn! Nhưng trường học đâu phải cái chợ.

Tốt nhất là nên có một mẫu đồng phục thống nhất. Cấp tiểu học một mẫu, cấp cơ sở một mẫu, và cấp trung học một mẫu. Chỉ khác nhau ở biển tên, phù hiệu của mỗi trường. Các biển tên có thể thiết kế rời để các em tự gắn vào đồng phục của mình. Các mẫu này được thống nhất sử dụng lâu dài, tránh tình trạng phụ huynh phải liên tục mua đồng phục mới. Như vậy rất thuận tiện cho học sinh, khi có nhu cầu thì mua ở đâu cũng được, không nhất thiết phải chờ đến dịp đầu năm,  không nhất thiết phải nộp tiền cùng một lúc để mua vài bộ đồng phục một lúc.

Cũng không nên bắt học sinh ngày nào cũng phải mặc đồng phục. Quy định như vậy, buộc học sinh phải mua nhiều đồng phục, bởi đôi khi hai bộ chưa phải là đủ để thay hàng ngày. Được biết Bộ GD-ĐT cũng đã có công văn yêu cầu các trường không bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục, song hiện nay nhiều trường học vẫn rất máy móc quy định học sinh phải mặc đồng phục thì mới được đến trường. Với thời tiết nóng bức như mùa hè năm nay, ngày nào cũng bắt các em phải “đóng hộp” trong bộ quần áo chất lượng vải bí, không thấm hút tốt  là không hợp vệ sinh, gây cảm giác khó chịu cho học sinh. Còn vào mùa đông, chiếc áo khoác đồng phục rất mỏng không đủ ấm, lại không thể mặc thêm quá nhiều áo khác bên trong, các em mặc như vậy sẽ không đảm bảo sức khỏe. Nếu mặc độn thêm cả áo khoác bên trong áo khoác đồng phục thì lại mất tính thẩm mỹ và cũng không tạo sự thoải mái cho học sinh. 

Vì thế, các trường chỉ nên quy định mặc đồng phục vào một ngày chào cờ đầu tuần, hoặc trong các buổi sinh hoạt tập thể, chứ không nên máy móc, hoặc cố tình đặt ra những quy định máy móc bắt học sinh phải thực hiện. Chỉ có điều đôi điều suy nghĩ như vậy thôi! Hãy làm những gì tốt nhất cho trẻ thơ! Vì đó là tương lai của chúng ta.