Hiểm họa từ “nước tinh khiết”

(ANTĐ) - Hiện nay, nhu cầu sử dụng nước uống đóng chai, đóng bình ngày càng phổ biến. Số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai cũng gia tăng rất nhanh cả về quy mô lẫn công suất, đặc biệt tại các thành phố lớn. Điều đáng lo ngại là, có rất nhiều cơ sở sản xuất chưa thực hiện nghiêm túc việc đảm bảo chất lượng, VSATTP đối với sản phẩm nước được coi là “tinh khiết” này.

Hiểm họa từ “nước tinh khiết”

(ANTĐ) - Hiện nay, nhu cầu sử dụng nước uống đóng chai, đóng bình ngày càng phổ biến. Số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai cũng gia tăng rất nhanh cả về quy mô lẫn công suất, đặc biệt tại các thành phố lớn. Điều đáng lo ngại là, có rất nhiều cơ sở sản xuất chưa thực hiện nghiêm túc việc đảm bảo chất lượng, VSATTP đối với sản phẩm nước được coi là “tinh khiết” này.

Chất lượng nước khó kiểm soát
Chất lượng nước khó kiểm soát

Gần 30% cơ sở có vi phạm

Theo ước tính của Bộ Y tế, vào thời điểm này cả nước có đến trên 1.000 cơ sở sản xuất và hàng nghìn cơ sở kinh doanh nước tinh khiết đóng chai, đóng bình đăng ký hoạt động. Trong đó, chỉ tính riêng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, mỗi thành phố đã có trên dưới 400 cơ sở sản xuất sản phẩm này. Đa phần vẫn là các cơ sở sản xuất ở quy mô vừa và nhỏ, hình thức phân phối đa dạng: đại lý, bán lẻ, bán tại gia đình.

TS. Lâm Quốc Hùng, Phòng Quản lý ngộ độc thực phẩm - Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, tình hình chất lượng, VSATTP nước uống đóng chai hiện nay có nguy cơ ô nhiễm cao, đe dọa tới sức khỏe, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Theo báo cáo chuyên đề của một số tỉnh, thành phố trong đợt thanh, kiểm tra tháng 4-2009 đã phát hiện, có đến 27,9% (150/538) cơ sở được kiểm tra vi phạm về điều kiện cơ sở trong sản xuất kinh doanh như: công nhân không được tập huấn kiến thức VSATTP, chưa được xét nghiệm theo quy định, cơ sở sản xuất luộm thuộm, bẩn thỉu... Đặc biệt, có 24,9% (44/177) số mẫu nước tinh khiết đóng chai, bình vi phạm về chỉ tiêu chất lượng như pH cao, nhiễm vi sinh vật như Coliforms, Pseudomonas aeruginosa.

Cụ thể, tại TP.Hồ Chí Minh, qua kiểm tra 99 mẫu của 72 cơ sở (43 mẫu của 24 cơ sở đã có kết quả), cho thấy: 2,37% số mẫu không đạt chỉ tiêu hóa lý (về độ pH), 24/43 mẫu (55,8%) không đạt chỉ tiêu vi sinh. Còn tại Hà Nội, kiểm tra 134 mẫu, có 19/134 mẫu vi phạm, chiếm 14,17%. Trong đó 14 mẫu vi phạm về pH (10,44%), 05/19 mẫu (3,73%) vi phạm về coliforms…

Ông Hồ Tất Thắng - Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, dù mới đầu hè nhưng Hội đã nhận được rất nhiều phản ánh của người tiêu dùng về chất lượng, VSATTP đối với nước uống đóng chai, đóng bình. Theo ông Thắng, nói đến nước uống đóng chai và vấn đề sức khỏe người tiêu dùng hiện nay, có thể dùng cụm từ “Báo động đỏ”. Qua điều tra, một thực trạng phổ biến là các cơ sở sản xuất nước tinh khiết có thiết bị và công nghệ sản xuất thủ công, với dây chuyền sản xuất chỉ khoảng 50-70 triệu đồng...

Cần có biện pháp, chế tài đủ mạnh

Nguyên nhân của tình trạng vi phạm tràn lan tại các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình trước hết thuộc về ý thức và trách nhiệm của nhà sản xuất. Song cũng phải thừa nhận, việc quản lý Nhà nước, giám sát đối với mặt hàng sản phẩm này tại nước ta còn nhiều hạn chế. Công tác cấp chứng nhận đảm bảo chất lượng, điều kiện VSATTP, công tác hậu kiểm, giám sát của cơ quan y tế địa phương chưa thường xuyên, quyết liệt.

Mức độ xử phạt vi phạm hành chính, kể cả tạm đình chỉ sản xuất, kinh doanh chưa đủ sức răn đe. Văn bản quy định về điều kiện sản xuất chưa đầy đủ, như nguồn nước sử dụng để sản xuất (nước sinh hoạt, nước giếng khoan, nước máy...) chưa có quy định cụ thể...

Ông Trần Văn Học - Trưởng ban Tiêu chuẩn - Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho biết, việc tiêu chuẩn hóa nước uống đóng chai đã được quan tâm ở nước ta từ những năm 1990 và 1995. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học - Công nghệ) đã ban hành Tiêu chuẩn Việt Nam về nước uống đóng chai, đến năm 2004 tiếp tục sửa đổi bổ sung tiêu chuẩn này, song có thể nói các bản tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đã ban hành hiện không đáp ứng kịp nhu cầu phát triển của lĩnh vực này.

Theo ông Học, thời gian tới Bộ Y tế cần chú trọng phổ biến rộng hơn về tiêu chuẩn quốc gia “nước uống đóng chai” đã ban hành, đồng thời nghiên cứu để xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia đối với nước uống đóng chai (trên cơ sở tham khảo tiêu chuẩn TCVN 6090:2004).

Đại diện cho người tiêu dùng, ông Hồ Tất Thắng đưa kiến nghị: Bộ Y tế cần phải coi nước uống đóng chai, đóng bình là loại thực phẩm có nguy cơ cao và quản lý, kiểm soát nghiêm ngặt điều kiện VSATTP trong sản xuất, kinh doanh; Cần ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia (QCVN) về nước uống đóng chai, bình và Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về điều kiện vệ sinh an toàn của các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, bình; xã hội hóa hoạt động quản lý chất lượng VSATTP nói chung, nước uống đóng chai nói riêng; đẩy mạnh thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất...

Cũng theo ông Thắng, cần đề nghị Chính phủ nâng mức xử phạt vi phạm hành chính và các hình thức xử phạt bổ sung đối với các cơ sở vi phạm VSATTP, đảm bảo quyền lợi và sức khỏe cho người tiêu dùng.

Tiến Hưng