Hấp dẫn Hội sách lớn nhất Hà Nội

ANTĐ - Với chủ đề “Sách xưa và nay”, Hội sách chào mừng Ngày Sách Việt Nam 21-4 đã được tổ chức tưng bừng tại Công viên Thống Nhất. Đây được xem là hoạt động trung tâm của sự kiện và được đánh giá là một trong những hội sách có quy mô lớn nhất từ trước đến nay được tổ chức tại Hà Nội.

Sách rẻ nhưng chất lượng cao

Ngay từ sáng sớm, đã có rất đông người yêu sách tập trung tại Công viên Thống Nhất, Hà Nội để tham dự sự kiện đáng chú ý hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam lần thứ hai. Hội sách do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND thành phố Hà Nội, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức trong một không gian văn hóa rộng rãi nằm giữa trung tâm của Thủ đô, có thể nói là lý tưởng cho những người yêu sách thỏa sức lựa chọn những ấn phẩm yêu thích. Theo thông tin của Ban tổ chức, có khoảng 100 nhà xuất bản, đơn vị xuất bản đã tham gia ngày hội, với trên 150 gian hàng lớn nhỏ, đủ thấy quy mô, tầm cỡ của ngày hội này.

Hấp dẫn Hội sách lớn nhất Hà Nội ảnh 1

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện với một độc giả lớn tuổi tại Hội sách

Những cái tên đã “quen mặt” với các sự kiện văn hóa đọc như NXB Trẻ, NXB Kim Đồng, Công ty sách Nhã Nam, Thaihabooks, Alphabooks… vẫn là lựa chọn yêu thích của độc giả, đặc biệt là độc giả trẻ khi có rất đông học sinh, sinh viên tìm đến các gian hàng này. Đặc biệt, các gian hàng chủ động đưa ra các chương trình khuyến mại giảm từ 10- 80%, chẳng hạn như Công ty sách Nhã Nam giảm đến 30% ngay cả những đầu sách mới ra lò như Bão, Đồng tiền lên ngôi, Gã khổng lồ mất ngủ, Những lá thư không gửi… Nhiều đơn vị còn tung ra những chiêu thức quảng cáo rất hấp dẫn như chương trình tặng 5.000 cuốn sách miễn phí của Nhà sách Vì dân hay sách siêu khuyến mãi với giá 5.000 - 10.000 đồng/cuốn. Có lẽ đây là điểm thu hút người dân đến với Hội sách nhất, vì “săn” được sách mới, mua được sách giá rẻ mà vẫn yên tâm không mua phải sách lậu, sách kém chất lượng. Một điểm mới của Hội sách đó chính là khu vực dành cho ấn phẩm điện tử đã được mở rộng hơn, với sự xuất hiện của Công ty Alezaa, thư viện Ebook Kim Đồng…, đem đến cho độc giả có nhiều sự lựa chọn trong việc tiếp cận với những sản phẩm tri thức văn hóa. 

Món ăn tinh thần không thể thiếu

Đến dự ngày Hội sách năm nay, bên cạnh sự hưởng ứng của hàng nghìn độc giả, những người yêu sách, còn có sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son… cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, đại diện các ban, ngành Trung ương và Thành phố.

Hấp dẫn Hội sách lớn nhất Hà Nội ảnh 2

Rất nhiều đầu sách giảm giá thu hút độc giả tìm mua 

Điều này chứng tỏ sự quan tâm của Nhà nước trong việc tôn vinh giá trị của sách, xây dựng văn hóa đọc tích cực, góp phần bồi dưỡng, phát triển tri thức trong cộng đồng. Phát biểu tại sự kiện ý nghĩa chào mừng Ngày Sách Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cũng khẳng định: “Dù xã hội ngày càng phát triển cao hơn, con người có thể tìm kiếm, khai thác thông tin kiến thức qua thư viện điện tử hay mạng Internet, sách vẫn không hề mất đi giá trị vốn có của nó đã gắn bó với con người qua hàng nghìn năm lịch sử cho đến ngày hôm nay. Sách vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người”. 

Hội sách sẽ được mở cửa từ ngày 17 đến 21-4 với nhiều sự kiện như hội thảo, tọa đàm về sách, giao lưu với các tác giả, dịch giả như Nguyễn Bích Lan, Nguyễn Thu Thủy, Huyền Lê, Trần Hùng John…

Nhà thơ Trần Đăng Khoa:
Giá như ngày nào cũng là Ngày Sách

Có mặt tại sân khấu cùng MC - nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn và nhận được nhiều tràng pháo tay nhất trong Ngày Hội sách là người chẳng xa lạ gì, đó là nhà thơ Trần Đăng Khoa. Tự nhận là “gã nhà quê gộc ghệch”, nhưng sự duyên dáng, dí dỏm trời phú của Trần Đăng Khoa đã khiến nhiều độc giả đã “lỡ” nghe thì cứ nấn ná không muốn rời đi. 

Mang tiếng là đến ký tặng sách, nhưng Trần Đăng Khoa lại nhận được vô vàn câu hỏi khó từ những độc giả hâm mộ. Nào là một độc giả cắc cớ, là người làm thơ ắt hẳn phải có tâm hồn dạt dào tình cảm lắm, mà sao mãi đến 7, 8 năm về trước Trần Đăng Khoa mới chịu… lấy vợ. Ông tếu táo: “Cứ định yêu cô nào, thì cô ấy yêu người khác”. Rằng nếu Trần Đăng Khoa mà có nhan sắc đẹp thế kia, chắc đã “làm loạn” Hà Nội mất rồi”. Nhưng cũng vì sự muộn màng ấy ông cũng hiểu được nỗi lòng của những bà mẹ vợ. Ông dí dỏm: “Cuộc đời chúng tôi chỉ có hai bà mẹ, một người mang nặng đẻ đau, một người lại chẳng có quan hệ họ hàng gì với chúng tôi cả. Nhưng trong hai “bà” ấy, chắc chắn bà mẹ vợ khổ hơn. Bà phải lấy bao nhiêu ánh trăng non, chuốt bao nhiêu sắc hoa, góp bao nhiêu vẻ thanh xuân để làm nên sự kiều diễm, sự bí ẩn của người con gái. Rõ ràng tạo nên một công trình tuyệt diệu. Thế mà một thằng cha ất ơ ở đâu đến... khuân đi mất, kèm theo rất nhiều của nả đi cùng. Đúng là một vụ mất trộm ngoạn mục”. 

Thật bất ngờ khi đúng vào dịp ký tặng tập thơ “Góc sân và khoảng trời”, bài thơ “Sao không về Vàng ơi” của Trần Đăng Khoa lại được dư luận quan tâm đến thế. Bài thơ này thậm chí được sử dụng cho một chiến dịch  phản đối ăn thịt chó. Nói về việc này, Trần Đăng Khoa thành thật, hồi còn nhỏ, nhà ông có nuôi một chú cún. Sau một trận bom, chú chó bỏ đi mất. Ông làm bài thơ gửi lên Báo Văn nghệ và chỉ một tuần sau là được đăng. Điều làm ông nhớ mãi, đó là ban biên tập đã sửa câu cuối thành “Vàng ơi là Vàng ơi!” – nghe như một lời khóc bạn. Nhưng thực chất, người bạn của ông là chú chó… mực, chứ không phải chú vàng như mọi người nghĩ. Nói về cậu bé 8, 9 tuổi ngày ấy, Trần Đăng Khoa chạnh lòng: “Tôi hoàn toàn không có tuổi thơ”. Ấy là vì khi bắt đầu công bố những bài thơ đầu tiên, ông đã từ giã tuổi thơ rồi. Nhưng theo một cách hoàn toàn tự nguyện, để trở thành một “người phát ngôn”. Nhiều người nói Trần Đăng Khoa chỉ nổi tiếng ở cái thời “trẻ con”, nhưng giống như nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã nói, Trần Đăng Khoa càng ngày càng hay, nhất là thơ tình và cái duyên của ông thì chẳng ai có thể phủ nhận. 

Yêu sách và gắn bó văn học từ khi còn nhỏ, Trần Đăng Khoa cho rằng để có một ngày hội sách như thế này thực sự đáng quý. Ông gửi đến độc giả vẫn còn nán lại đợi ông ở dưới sân khấu: “Chỉ có qua những sự kiện như thế này, những nhà văn, nhà thơ chúng tôi mới có dịp gần gũi với độc giả. Tôi ước rằng, giá như ngày nào cũng là Ngày Sách”. 

PHƯƠNG NHI