Đến thăm “làng tượng” Long Châu Miếu

ANTĐ - Gọi Long Châu Miếu là “ Làng tượng“, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội quả không sai. Dọc đường làng uốn lượn, cảnh sắc nên thơ, thấp thoáng núi đồi màu xanh ngút ngàn. Tiếng máy nổ, tiếng búa, đục đẽo đá kêu chan chát của hàng trăm công nhân đang hoàn thành các tác phẩm tượng đá.

Đến thăm “làng tượng” Long Châu Miếu ảnh 1Những người thợ đang cần cù làm việc

Tôi thân, rồi quen nghệ nhân Nguyễn Văn Củng, năm nay sắp bước sang tuổi bát tuần, một trong những nghệ nhân sáng lập “Làng tượng” Long Châu Miếu. Nhà ông ở giữa làng ngay dưới chân núi Trầm. Ông vui vẻ giới thiệu tấm bia đá khắc bằng chữ Nho còn lưu giữ được do chính tay cha ông, cụ Nguyễn Văn Diên truyền lại. Ông được bố truyền nghề nên đến nay, duy nhất trong làng chỉ mình ông khắc được chữ Nho trên đá. Ông là nghệ nhân chính chuyên phục chế, khắc bia chữ Nho ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Củng dẫn tôi vào trong núi Trầm, đây là một di tích lịch sử. Hang Trầm chính là trụ sở của Đài phát thanh chính quyền cách mạng, toàn bộ máy móc, phương tiện phát sóng lắp đặt nằm gọn trong hang. Đúng 20h ngày 19-12-1946, pháo đài Láng bắn một loạt  đại bác khởi đầu cho cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ của dân tộc. 6h sáng, 20-12-1946, tại hang núi Trầm phát đi hiệu triệu “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Làng nghề Long Châu Miếu có tuổi đời hơn 200 năm, chuyên làm cối đá các loại: Cối giã gạo, cối xay ngô, gạo, đỗ, cối giã giò chả, giã cua... gánh đi bán khắp nơi.

Nghệ nhân Củng đưa tôi đến thăm Công ty Chế khắc đá nghệ thuật Trường Nguyệt của cậu con trai thứ 3 Nguyễn Văn Trường làm Giám đốc. Anh Trường đã tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiêp Hà Nội, chuyên ngành điêu khắc. Ông cho biết, mới đây anh Trường làm chủ dự án Nhà tưởng niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Pác Pó (Cao Bằng), được các nhà chuyên môn đánh giá rất cao. Công ty của anh Trường đang hợp tác với hàng chục họa sĩ hai nước Lào-Việt, giúp các bạn Lào hoàn thành 19 công trình tượng đài hữu nghị đặt tại nhiều tỉnh của Lào.

Người con cả Nguyễn Văn Long, năng động, hiện đã ký nhiều hợp đồng mặt hàng đồ tượng thờ: Phật Bà Quan âm, La Hán, các loại giống Nghê, Sư tử, Lân… Người con thứ hai Nguyễn Văn Trọng, nối nghiệp cha ở biệt tài khắc bia chữ Nho lên đá. Và ông tự hào hơn bởi cậu cháu “đích tôn”, mê nghề gia truyền của tiên tổ, cần cù, chăm chỉ, học ông nội đã khắc được chữ lên bia mộ, đục tượng đá tự kiếm sống, trang trải cho việc học tập, đã lấy được bằng Thạc sĩ, trở thành giảng viên của trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp.

“Làng tượng” Long Châu Miếu đã khẳng định “thương hiệu” - “Hàng Việt Nam chất lượng cao”. Họ đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 100 lao động với đồng lương ổn định, thấp nhất 200.000 đồng/ngày. Ngoài ra, có 200 thợ tay nghề cao từ Đà Nẵng, Ninh Bình, Thanh Hóa… thường xuyên ra hợp tác, học hỏi kinh nghiệm. Làng nghề Long Châu Miếu đã và đang phát triển, làm thay đổi diện mạo một miền quê đang trên đà đổi mới…