Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Thí điểm xong vẫn loay hoay

ANTĐ - Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Dù các bộ, ngành liên quan đã xây dựng đề án đào tạo nghề cho đối tượng lao động này, song, qua 2 năm triển khai thí điểm, nhiều bất cập vẫn còn tồn tại. 

Cơ chế thẩm định rối rắm

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Thí điểm xong vẫn loay hoay ảnh 1
Dạy nghề cho lao động nông thôn đang nảy sinh nhiều vướng mắc

Bộ NN&PTNT cho biết, sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, bộ này đã chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan và các địa phương thực hiện thí điểm cấp thẻ học nghề nông nghiệp tại hai địa phương là Thanh Hóa và Bến Tre. Đến tháng 4-2012, đã tổ chức cấp thẻ cho hơn 6.600 học viên thuộc 4 huyện của hai tỉnh này. Tuy nhiên, tại Bến Tre, đến hết năm 2011, tỷ lệ học viên được đào tạo mới chỉ đạt 75% số thẻ được phát ra, tỷ lệ học viên có việc làm sau đào tạo đạt 70%. Còn Thanh Hóa vẫn chưa có báo cáo đánh giá. Trước thực trạng này, Bộ NN&PTNT nhìn nhận, còn có tình trạng người lao động chọn nghề chưa phù hợp với quy hoạch sản xuất nông nghiệp ở địa phương, hiệu quả học nghề của người lao động sau đào tạo còn ở mức khiêm tốn… “ý tưởng của việc cấp thẻ học nghề là nhằm tạo ra một môi trường đào tạo cạnh tranh lành mạnh, giúp người học chủ động lựa chọn nơi học. Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai thí điểm tại Thanh Hóa và Bến Tre đang nảy sinh những vướng mắc hết sức đáng lo ngại”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhận xét. 

Ông Đỗ Thế Hạnh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa nêu thực trạng, cơ chế của việc cấp thẻ học nghề hiện đang nảy sinh những vấn đề “làm khổ” người đi học. Thẻ học nghề hiện được phân theo “đẳng cấp” khác nhau như thẻ xanh, thẻ vàng, thẻ đỏ… khiến việc quản lí và thẩm định cho đối tượng được ưu tiên đi học hết sức rối rắm. Thêm vào đó, cơ chế thẩm định còn rối hơn. Cụ thể, một bộ hồ sơ của học viên phải qua tới 3 - 4 cơ quan thẩm định, từ chính quyền sở tại, đến Sở LĐ-TB&XH và Kho bạc nhà nước…

“Chẳng lẽ, chính quyền địa phương không đủ khả năng thẩm định hay sao mà phải trải qua quá nhiều khâu như vậy. Hơn nữa, toàn bộ kế hoạch đào tạo, cho tới việc thẩm định, kế hoạch tài chính hiện nay đều do Sở 

LĐ-TB&XH “chụp xuống”, ngành nông nghiệp và cơ sở gần như đứng ngoài cuộc”, ông Hạnh nêu thực trạng.

Lại đợi hướng dẫn

Ngoài ra, với 71 nghề trong danh mục đào tạo nghề nông nghiệp cho nông dân hiện nay là quá “nghèo nàn”. Ông Hạnh cho biết: “Danh mục các nghề nông nghiệp là quá ít và cứng nhắc, cần phải đưa ra một cơ chế lựa chọn “mở” mang tính gợi ý cho các địa phương lựa chọn phù hợp với điều kiện và ưu thế cụ thể”. Đồng thời, việc cấp thẻ cho các học viên cũng không nên “thả lỏng” theo kiểu, để học viên ở vùng trồng cói cũng có thể nhận thẻ rồi sang vùng khác học nuôi tôm, mà nên cấp thẻ cố định dựa theo lợi thế sản xuất riêng của từng địa phương.

Cũng theo ông Hạnh, mặc dù từ cuối năm 2011, Chính phủ đã có quyết định chuyển toàn bộ phần đào tạo nghề nông nghiệp sang cho Bộ NN&PTNT và Sở NN&PTNT các tỉnh quản lí, song đến nay, do chưa có thông tư hay hướng dẫn cụ thể về cơ chế tài chính, nên hiện tại Sở LĐ-TB&XH vẫn hoàn toàn nắm quyền quyết định. Vì vậy,  dù đến nay đã sắp hết vụ sản xuất Đông xuân 2011-2012, nhưng bản thân ngành NN&PTNT tỉnh này vẫn chưa thể triển khai kế hoạch đào tạo được một lớp học nào về ngành nông nghiệp cho nông dân. 

Trước những vướng mắc tại các mô hình điểm, đại diện Bộ Tài chính giải thích,  mặc dù cuối năm 2011, Chính phủ đã giao toàn bộ phần dạy nghề nông nghiệp sang cho Bộ NN&PTNT quản lí, nhưng đến nay, thông tư hướng dẫn về cơ chế quản lí vẫn chưa được sửa đổi và phê duyệt. Theo kiến nghị của Bộ này, các địa phương nên cố gắng hoạt động theo cơ chế cũ đến hết năm 2012. Tuy nhiên, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, Bộ NN&PTNT không thể chờ thêm, bởi tiếp tục thực hiện như cơ chế cũ thì 2 năm thí điểm cấp thẻ học nghề xem như bỏ đi. Đề án đào tạo nghề cho LĐNT trễ nải, mãi chưa thể đi vào cuộc sống.