Đáng thương đứa trẻ bệnh tật phải ra đường bán bóng bay cùng mẹ

ANTĐ - Thời gian gần đây, trên phố Trần Khát Chân (Hà Nội) nhiều người bắt gặp hình ảnh thương tâm, ám ảnh, đó là một người phụ nữ bán bóng bay dạo với những chùm bóng bay được buộc vào chiếc xe đẩy, bên trong xe là một đứa trẻ khuôn mặt lở loét, biến dạng. Ngày mưa cũng như ngày nắng, cứ xế chiều là hai mẹ con lại dắt díu nhau ra khu vực này. Thi thoảng có ngày không thấy họ, hỏi ra thì biết chị đã đưa con vào viện chữa trị. 
Đáng thương đứa trẻ bệnh tật phải ra đường bán bóng bay cùng mẹ ảnh 1

Nỗi day dứt của người mẹ

Mấy ngày không thấy người phụ nữ cùng đứa trẻ bán bóng bay đứng ở chân cầu vượt trên đường Trần Khát Chân, tôi lân la hỏi thì được người dân chỉ đến địa chỉ nhà chị. Ngôi nhà cũ chật trội ở số 58, ngõ 100 đường Kim Ngưu cửa đóng im ỉm, hàng xóm cho biết mẹ con chị vừa được một người khách tốt bụng lo kinh phí đưa vào viện chữa trị rồi. Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương khi chúng tôi vào chị Từ Hải Thanh đang chuẩn bị đi mua cháo, còn cháu bé con gái chị là Từ Thu Phương đang ngồi một mình trên giường bệnh, xé xé những tờ giấy nhỏ chơi một mình. Thấy có người đến thăm, cháu tỏ ra vui mừng, cười khanh khách rủ cùng chơi. Tiếng cười của đứa trẻ và ánh mắt vô tư khiến chúng tôi không khỏi xót xa, cháu chưa ý thức được nỗi đau mà mình và mẹ đang phải gánh chịu. 

Đang ngồi chơi, cháu Phương từ từ nhổm người rồi đứng lên như đứa trẻ đang tập đứng, cả phòng bệnh thấy vậy thì vỗ tay khuyến khích cháu bước đi, vì có lẽ đây là lần đầu tiên cháu đứng được lâu như vậy. Bé Phương tỏ ra rất thích, liên tục nói “đi đi” để được mẹ cho tập đi. Chị Thanh cũng ánh lên niềm vui, bởi 4 năm nay rồi, chị ao ước con mình bước được trên chính đôi chân của nó, chạy nhảy được như những đứa trẻ cùng trang lứa khác. 

Nhìn đứa trẻ 4 tuổi nặng chưa đầy chục cân, đôi chân teo tóp đầy những vết sẹo, chưa chập chững được bước đi nào với khuôn mặt biến dạng, chúng tôi không khỏi xót xa. Chị Thanh bảo có lẽ cháu bị suy dinh dưỡng nên chưa biết đi, nhưng chị cũng không có tiền mà đi khám xem cháu bị làm sao, vì trước nay bao nhiêu tiền chị đều dành cho việc chữa bệnh về da cho bé. “Cháu bị từ lúc 2 tháng, mới đầu bị ở trên đầu tôi cứ tưởng cháu bị cứt trâu nên chỉ gội đầu cho con. Đến lúc cháu bị nặng thêm, đưa vào Viện Da liễu thì bác sĩ bảo bị viêm da cơ địa. Nằm viện một thời gian thì cháu đỡ, nhưng về thì lại bị lại. Từ đấy cứ ai giới thiệu bác sĩ nào, thầy lang nào chữa được bệnh này là tôi lại đến mua thuốc về cho cháu uống, cháu bôi. Mới 8 tháng cháu đã phải uống đủ loại thuốc nam rồi, ấy vậy mà bệnh không khỏi mà cứ nặng thêm. Tôi ân hận một điều là giá cho con vào viện sớm, không đi chữa lung tung thì cháu không bị nặng thế này. Vào đây bác sĩ bảo da bị nhiễm trùng nặng quá.” - chị Thanh buồn bã, day dứt. 

Cháu Phương da dẻ lở loét vậy nhưng vẫn rất ngoan ngoãn chơi đùa, không quấy khóc. Chị Thanh bảo có lẽ con chị đã quen với sự ngứa ngáy, đau đớn rồi nên bình thường cháu rất ít kêu, cứ theo mẹ và ngồi chơi một mình rất ngoan, chỉ thi thoảng bệnh tái phát nặng đau quá, ngứa quá thì cháu cũng có khóc, có đòi mẹ gãi. Khổ nhất là hồi cháu khoảng 6 -7 tháng không đêm nào chị được ngủ một giấc trọn vẹn vì cháu cứ khóc cả đêm. Thương con mà chị cũng bất lực, có lúc cháu Phương ngứa quá thì giằng tay mẹ mà gãi vào chỗ vết thương, gãi cho rỉ máu mới thôi.

Cuộc đời chưa lúc nào được vui

Cuộc đời chị Thanh là một chuỗi ngày buồn. Chị đã qua một lần đò, nhiều lần mang thai nhưng không được làm mẹ, rồi cuộc hôn nhân cũng chóng vánh tan vỡ. Chị gặp người đàn ông thứ hai khi người này đã có vợ, nhưng anh ta nói với chị là vợ đi xuất khẩu lao động, đã ly hôn. Tin lời, chị đã nghĩ thôi thì “rổ rá cạp lại” cho có chỗ dựa sau này, chị cũng đã lên tận quê người này nhưng không hề biết là vợ chồng anh ta chưa hề ly hôn. Cho đến một ngày chị mang bầu, thì cũng là lúc chị nhận được điện thoại của người đàn bà nhận là vợ anh, bảo chị đừng phá hạnh phúc nhà người ta nữa bởi vợ chồng họ vẫn đang thuận hòa, không có chuyện ly dị. Thế là bất hạnh lại một lần nữa giáng xuống đầu chị. 

Chị đi siêu âm, bác sĩ kết luận thai nhi khỏe mạnh bình thường, cũng suy nghĩ lắm, nhưng rồi mong ước được làm mẹ bấy lâu, chị quyết định giữ lại cái thai trong bụng như niềm an ủi cuối cùng của đời mình. Có ngờ đâu ông trời chưa để chị bình yên, từ lúc sinh ra con, căn bệnh quái ác của cháu đã bắt chị phải gánh thêm những ngày dài cơ cực. “Được 2 tháng thì trên đỉnh đầu con xuất hiện những vết nước, mủ. Tôi nghĩ chỉ là mấy đám cứt trâu của con trẻ thông thường, nên đun nước sôi tắm cẩn thận cho con, nhưng càng tắm càng thấy những vết thương lan rộng, dày thêm. Vì không có tiền chữa cho cháu, thành ra tôi chỉ đưa con vào viện có ít ngày, rồi lại cho ra để đi kiếm tiền. Kiếm được đồng nào tôi lại đi mua thuốc cho cháu, theo hết người nọ mách, người kia chỉ mà chẳng ăn thua gì, bệnh ngày càng nặng thêm”.

Tôi hỏi về bảo hiểm của cháu Phương, vì thông thường trẻ em ở tuổi cháu đều có bảo hiểm, chị Thanh thở dài. Hoàn cảnh gia đình chị cũng lắm eo le, cha mẹ mất để lại 3 người con không có công ăn việc làm ổn định. Cuộc sống vất vả, ốm đau cuốn họ đi, người anh trai chị là chủ hộ vì nhiều lý do không lên phường nhập hộ khẩu cho cháu Phương, vì vậy chị cũng chả làm được bảo hiểm y tế cho con.

Vì con bị bệnh này, lại phải theo mẹ đi bán hàng nên chị Thanh cũng rất cẩn thận, sợ con bị nhiễm trùng nên ngày nào cũng phải tắm cho con 2 lần bằng nước sôi để nguội rồi mới cho đi. “Lúc nào bận lắm tôi mới cho cháu tắm bằng nước lã, còn không cứ suốt ngày hết đun nước tắm lại đến đun thuốc. Cho con ra đường thế này cũng là bất đắc dĩ, tôi sợ bụi khiến da cháu bị nặng thêm nên lúc nào cũng phải che chắn cẩn thận.

Cháu Phương như “biết thân biết phận”, thường khi mẹ bán hàng ngồi rất ngoan, cả buổi ngồi trong xe đẩy với vài thứ đồ chơi mà không khóc gì”. Chị Thanh bảo cũng may Phương dù gầy yếu, bệnh tật thế này nhưng không bị ốm vặt, chứ không chắc chị cũng không bán hàng được. Hồi đẻ Phương, anh em họ hàng thương cảnh mẹ góa con côi, mỗi người cho một ít tiền, hai mẹ con ăn uống đến khi Phương 4 tháng thì hết sạch, chị phải gửi con cho một người hàng xóm trông để đi bươn chải kiếm sống. “Giờ cháu đã lớn hơn rồi, tôi cũng muốn được cho cháu đi học để cháu biết và cũng đỡ phải lang thang ngoài đường thế này với mẹ, nhưng khổ nỗi một đứa trẻ 4 tuổi chưa biết đứng, mặt mũi lại thế này, chẳng trường nào dám nhận. Thành ra ngày mưa cũng như ngày nắng hay những ngày mưa phùn rét buốt như mấy ngày trước, hầu như hôm nào nó cũng phải theo mẹ ra đây từ 3h chiều đến tận tối đêm, tôi vừa bán hàng vừa trông con, vừa cho con ăn”. 

Chỉ mong con sớm khỏi bệnh để đi học

Dù bị bệnh nhưng cháu Phương rất nhanh nhẹn và láu lỉnh. Nụ cười vô tư và ánh mắt trong veo, cháu chưa thể ý thức được nỗi đau của bản thân và của mẹ mình. Chị Thanh tâm sự, chị chẳng có mong ước gì hơn là cháu điều trị ổn định bệnh viêm da cơ địa, sau đó chị sẽ cho cháu đến Bệnh viện Nhi Trung ương để khám xem tại sao cháu chưa thể biết đứng, biết đi. “Những ngày qua cũng có người thương, giúp chị tiền viện phí và tiền ăn uống cho cháu, nên tôi quyết tâm điều trị cho cháu ổn định, chứ thế này lòng tôi đau lắm. Tôi chỉ mong cháu đỡ bệnh rồi đi học như các bạn để sau này còn có tương lai, chứ cứ như thế này, chẳng biết sẽ ra sao”.

Theo các cán bộ y tế Bệnh viện Da liễu Trung ương, cháu Phương bị bệnh viêm da cơ địa. Bệnh này nếu điều trị đúng, vệ sinh tốt thì không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe chứ không đến mức nặng như thế này. Nhưng vì bệnh nhân đến muộn lại điều trị nhiều loại thuốc khác nhau nên dẫn đến biến chứng, nhiễm trùng da khá nặng. Vì vậy việc điều trị trong bệnh viện chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian mới có thể bình phục được. Chúng tôi cũng mong rằng sẽ có những tấm lòng hảo tâm đến với mẹ con chị Thanh, để cháu Phương sớm được điều trị ổn định và được đi học như mong ước của chị.