“Đã đời” đi xe buýt đầu Xuân

ANTĐ - Trong những ngày đầu năm mới, với nhu cầu đi chúc Tết người thân, bạn bè, mỗi người có thể lựa chọn phương tiện giao thông phù hợp với mình ngoài việc tự lái xe, như taxi hay xe ôm xuất hiện rất nhiều từ mồng 1 Tết. Dù vậy, an toàn và tiết kiệm nhất phải kể tới xe buýt – loại phương tiện công cộng phục vụ ngay từ ngày đầu năm mới Ất Mùi 2015.

Từ sáng mồng 1 Tết, không khó để nhận ra những chiếc xe buýt quen thuộc xuất hiện trên đường phố Hà Nội để đưa đón khách như ngày thường. Trong dịp nghỉ lễ này, xe buýt thường chạy muộn nhất tới khoảng hơn 18 giờ - đây là thời điểm chuyến xe cuối cùng xuất phát từ đầu bến.

Cô Nguyễn Lan (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vui vẻ chia sẻ khi đã đặt chân lên chiếc xe buýt quen thuộc hàng ngày: “Ban đầu, cô vẫn lo là sớm thế thì chưa chắc đã có xe buýt, nhưng tới giờ thì hoàn toàn yên tâm rồi. Con cái nó cứ bảo mình là mẹ ở nhà, chờ bọn con về đón, nhưng chờ thì đến bao giờ. Không muốn chúng nó vất vả, mà quan trọng nhất là mình thích đi xe buýt, nhàn nhã, thăm thú được nhiều”.

Trong dịp đầu Xuân, xe buýt là phương tiện quan trọng đối với nhiều người có tuổi ở Thủ đô

Trong những ngày đầu Xuân, khách hàng phổ biến của các chuyến xe buýt không phải là các bạn sinh viên, thay vào đó là những cô, bác cao tuổi, trong đó không ít người còn bồng bế con cháu đi chúc Tết, dạo phố.

“Đấy, nhìn xem! Trên xe toàn người tóc bạc cả. Bế theo các cháu nữa. Tôi thấy đi lại xe buýt rất an toàn. Bây giờ, khi thấy người già xuống xe, lái xe dừng chờ cẩn thận lắm! Thế nên tôi cũng chẳng ngại, dắt theo cả cháu đi chơi Tết bằng xe buýt”, bác Nam bày tỏ trên tuyến buýt số 08, trong lúc bế một em nhỏ 3 tuổi và giữ tay một đứa cháu khác đang học lớp 2.

Mặc dù làm việc trong thời gian mọi người nghỉ ngơi, du Xuân, song theo chia sẻ của nhân viên thu phí trên tuyến buýt số 18 chạy tối mồng 1 Tết thì các anh không hề có khoản “bổ sung” nào trong những ngày này. Anh cho hay: “Công việc phục vụ cộng đồng nên anh em tự hiểu chứ. Những ai về quê ăn Tết mà có ca làm thì phải nhờ anh em trên này hỗ trợ. Làm việc đầu Xuân cũng có niềm vui riêng, khi hầu hết hành khách bước chân lên xe đều dành những lời chúc tốt đẹp cho mình”.

Có mặt trên chuyến xe buýt số 18 của ngày mồng 1 Tết, phóng viên nhận thấy dù trên một quãng đường dài, xe không có nhiều khách, và ngay ở những bến không có khách lên/xuống, xe buýt vẫn dừng, đỗ đúng bên, đóng/mở cửa đúng yêu cầu và chạy rất từ tốn dù đường vắng hơn mọi ngày.

Trong khi đó, ở chuyến số buýt số 08 chạy chiều mồng 2 Tết từ Ngũ Hiệp (Thanh Trì) đi Long Biên, lượng khách khá đông, đa phần là người lớn tuổi dắt theo các cháu nhỏ. Nhân viên thu phí là một nam thanh niên còn trẻ, và rất nhiệt tình phục vụ. Khi thấy có bác lơ là để cháu nhỏ đứng hẳn lên ghế đu đưa, anh đã phải ra nhắc nhở để đảm bảo an toàn cho bé. Và khi nhận những đồng tiền có mệnh giá lớn từ khách hàng, anh cũng chỉ cười và hẹn một lát sau tích đủ tiền sẽ gửi trả tiền thừa, thay cho việc “mời” hành khách xuống xe vì không mang tiền lẻ.

Với những nỗ lực phục vụ đó, xe buýt thực sự là thứ thiết yếu trong những ngày Tết này đối với người cao tuổi hay những ai không có phương tiện cá nhân để đi lại.

Là người thường xuyên đi xe buýt số 26 và 08, cô Phạm Thị Lụa (Bách Khoa, Hà Nội) đã gửi lời chúc tới những người cung cấp dịch vụ vận tải công cộng quan trọng này trong dịp đầu năm mới: “Chúc các anh chị luôn vững tay lái, đảm bảo an toàn giao thông và duy trì hình ảnh ý nghĩa của mình đối với xã hội. Năm mới, tôi cũng mong giá vé xe buýt sẽ giảm xuống, vì với người có tuổi, thu nhập ít thì giá vé giờ là cả một vấn đề nếu đi vài chặng. Hy vọng xe buýt sẽ luôn là người bạn tốt của chúng tôi!”