Đã có người tử vong do bệnh nhiệt thán

ANTĐ - Đã có một người tử vong do bệnh nhiệt thán (bệnh than) bị lây từ gia súc, còn tại các tỉnh miền núi cũng ghi nhận nhiều người mắc bệnh. Trước tình hình này, Bộ NN&PTNT đã có Công điện khẩn đề nghị các tỉnh, thành phố tích cực phòng chống. Xung quanh diễn biến bệnh nhiệt thán, ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết:

Đã có người tử vong do bệnh nhiệt thán ảnh 1Dấu hiệu của bệnh than lan nhiễm từ gia súc bệnh

- Trong 5 năm trở lại đây đã ghi nhận 14 ổ dịch nhiệt thán tại 14 xã, ở 8 huyện, thuộc 4 tỉnh miền núi phía Bắc là Cao Bằng; Điện Biên; Lai Châu; Hà Giang. Hiện nay, ở Hà Giang, ổ dịch đã được khống chế, gia súc đã được tiêm phòng và những gia súc chết đã được xử lý đốt, chôn đúng theo quy định. Phần lớn các ca bệnh nhiệt thán xuất hiện trên trâu, bò, ngựa, dê và lây sang người.

Tại Than Uyên, Lai Châu, từ tháng 6 tới nay đã ghi nhận 10 trường hợp mắc bệnh nhiệt thán, trong đó có anh Lò Văn Pỏ, 40 tuổi, bị tử vong. Anh Pỏ trước đó có giết mổ trâu bị bệnh. Còn tại Hà Giang, trong tháng 9 đã ghi nhận 215 trường hợp ăn gia súc ốm chết làm 9 người mắc bệnh. Cách đây 6 năm (năm 2008) tại Hà Giang đã xảy ra dịch bệnh nguy hiểm này tại thôn Pắc Cạm (xã Khau Vai) và thôn Pó Qua (xã Niêm Tòng) cùng thuộc huyện Mèo Vạc.

- PV: Những nguyên nhân nào dẫn đến nguy cơ phát sinh và lây lan bệnh nhiệt thán?

- Ông Đàm Xuân Thành: Có 2 nguyên nhân chính, cụ thể là gia súc trong vùng có ổ dịch cũ không được tiêm phòng vaccine triệt để theo quy định. Thứ hai, do nhận thức còn hạn chế của một số người dân khi mổ và ăn thịt gia súc mắc bệnh nhiệt thán.

- Người chăn nuôi cần lưu ý những gì để phòng chống bệnh này?

- Về phòng chống bệnh  nhiệt thán đã có nhiều quy định. Ví dụ như phải tiêm phòng vaccine nhiệt thán cho toàn bộ gia súc ở những vùng có ổ dịch cũ. Khi phát hiện gia súc mắc bệnh nhiệt thán thì tuyệt đối không được mổ thịt mà phải tiêu hủy, chôn và quản lý các hố chôn. Bộ NN&PTNT đã ban hành Công điện khẩn chỉ đạo các địa phương phòng chống dịch nhiệt thán, Cục Thú y cũng đã cử đoàn công tác đến tỉnh Hà Giang trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo phòng công tác chống dịch.

Mầm bệnh than có thể tồn tại hàng chục năm

Bệnh than hay còn gọi là bệnh nhiệt thán là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính từ gia súc truyền sang người do tiếp xúc trực tiếp hoặc giết mổ, chế biến, ăn thịt gia súc bị mắc bệnh. Sau 6-12 giờ, người nhiễm bệnh sẽ xuất hiện triệu chứng có các nốt, đám loét màu đen trên da, phù xung quanh vùng loét và có xu hướng lan rộng.

Đáng nói, mầm bệnh than thường tồn tại ở thể nha bào, có thể sống hàng chục năm trong đất, dễ xâm nhập vào những động vật ăn cỏ (trâu, bò) thông qua những vết xước trên da, gây bệnh cho gia súc. Những vùng đất chôn gia súc bị bệnh nhưng không được xử lý kỹ, đúng theo quy định, gia súc ăn cỏ trên khu vực này vẫn có thể nhiễm bệnh.