Cần sự đồng thuận từ phía người dân

(ANTĐ) - Hơn hai tháng nay, hơn 60 hộ dân thôn Tương Chúc, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì bỗng trở nên hoang mang, lo lắng bởi sự xuất hiện của một dự án xây dựng Trung tâm nuôi dưỡng và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nhân đạo triển khai trên địa bàn. Về mặt chủ trương đây là dự án đã được UBND thành phố phê duyệt, tuy nhiên điều đáng nói là dự án này có nguy cơ ảnh hưởng đến cuộc sống của những người nông dân nơi đây.

Cần sự đồng thuận từ phía người dân

(ANTĐ) - Hơn hai tháng nay, hơn 60 hộ dân thôn Tương Chúc, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì bỗng trở nên hoang mang, lo lắng bởi sự xuất hiện của một dự án xây dựng Trung tâm nuôi dưỡng và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nhân đạo triển khai trên địa bàn. Về mặt chủ trương đây là dự án đã được UBND thành phố phê duyệt, tuy nhiên điều đáng nói là dự án này có nguy cơ ảnh hưởng đến cuộc sống của những người nông dân nơi đây.

Thu hồi cánh đồng này, người dân không biết trồng cấy bằng gì
Thu hồi cánh đồng này, người dân không biết trồng cấy bằng gì

Nồi cơm nông dân sẽ vơi đi?

Theo phản ánh của những người dân thôn Tương Chúc thì cách đây hơn 2 tháng họ nhận được giấy mời của UBND xã mời ra họp và thông báo quyết định thu hồi đất nông nghiệp của 61 hộ dân trong thôn. Tại cuộc họp này, lãnh đạo xã Ngũ Hiệp có đưa ra một Quyết định của UBND thành phố Hà Nội thu hồi 12.227m2 đất cho Trung tâm nhân đạo Thịnh Phúc nhằm xây dựng Trung tâm nuôi dưỡng và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nhân đạo. Ngay sau khi cuộc họp kết thúc, phần lớn những người nông dân có đất nằm trong diện bị thu hồi tỏ ra khá sốc bởi quyết định đến bất thình lình.

Chị Nguyễn Thị Quyên, một hộ dân có 3 sào ruộng nằm trong diện bị thu hồi tỏ ra rất lo lắng: “Cả nhà tôi có 5 miệng ăn đều trông vào mấy sào ruộng. Nay bỗng dưng bị thu hồi thì không hiểu mai này chúng tôi sẽ sống bằng gì?”. Theo chị Quyên cho biết, những mảnh ruộng của chị đều là ruộng 64 có “sổ đỏ” hẳn hoi. Những mảnh ruộng ấy đã được cha truyền con nối từ bao đời gắn bó, mưu sinh. Mặc dù biết rằng, khi bị thu hồi thì chắc chắn sẽ được đền bù, nhưng điều chị lo lắng nhất chính là tương lai của đàn con sau vài năm nữa không biết sẽ phải xoay xở thế nào nếu không còn ruộng.

Cụ Vũ Thị Dáy, năm nay đã 81 tuổi cũng không giấu được nỗi trăn trở: “Tôi tuy già cả, nhưng cũng biết đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Nếu Nhà nước thu hồi để xây dựng công trình quốc gia hay bệnh viện, trường học tôi xin hiến hết, nhưng đằng này là xây dựng cơ sở nhân đạo của một trung tâm nào đó thì quả thực ảnh hưởng đến cuộc sống và tương lai con em chúng tôi rất nhiều”. Theo cụ Dáy thì thôn Tương Chúc hiện chỉ còn 2 cánh đồng có thể canh tác được là cánh đồng Tu Vũ và cánh đồng Thổ. Cụ Dáy bảo: “Cánh đồng Tu Vũ là đồng trũng nên Hà Nội chỉ mưa to 1 trận là cánh đồng này ngập trắng. Vụ mùa vừa rồi, lúa cấy ở Tu Vũ coi như bỏ vì úng nặng. Năm nào mưa thuận thì mới thu hoạch được 2 vụ ở đây. Còn lại hầu như dân chỉ ăn được 1 vụ chiêm. Thế cho nên, phần lớn dân Tương Chúc coi cánh đồng Thổ là nồi cơm dự phòng, phòng khi thất bát vì nó khá cao và không bị ngập. Nay dự án chọn đúng cánh đồng Thổ để san lấp, xây dựng khác nào triệt nốt của chúng tôi đường sống cuối cùng”.

Trong khi người dân đang lo lắng vì bị thu hồi đất thì không hiểu sao, HTX và thôn Tương Chúc đã vội vã cắt nước thủy lợi không cho người dân ở đây cấy tiếp vụ mùa. Khi chúng tôi có mặt ở đây, cánh đồng Thổ đã cạn khô, cỏ dại mọc lút đầu. Cụ Nguyễn Thị Dự, 71 tuổi, nhìn bờ ruộng tiếc rẻ: “Thế là lỡ mất 1 vụ của chúng tôi rồi. Có lẽ mất đất ruộng chỉ có người nông dân chúng tôi là tiếc. Người ta đắp mương ngăn nước thế kia khác nào gây áp lực, trói tay nông dân chúng tôi không cho cày cấy. Công trình chưa mọc lên nhưng nồi cơm của dân đã vơi đi trông thấy”.

Cần quan tâm đến quyền lợi người dân

Bị cắt nước, ruộng lúa biến thành bãi cỏ dại
Bị cắt nước, ruộng lúa biến thành bãi cỏ dại

Chúng tôi mang những trăn trở của những người nông dân thôn Tương Chúc tới gặp ông Dương Đức Vinh - Phó Chủ tịch UBND xã Ngũ Hiệp. Ông Vinh nói: “Đây là chủ trương từ trên, đã qua hết các khâu thẩm định, đánh giá của các cơ quan chức năng trước khi ra quyết định. Thực chất, việc cấy lúa với người dân ở đây cũng không phải là thu nhập chính bởi thôn Tương Chúc từ lâu có nghề mang lại thu nhập nhiều hơn là chữa khóa và buôn bán đồng nát, phế liệu. Hơn nữa việc thu hồi đất nông nghiệp, chúng tôi cũng đã có phương án đền bù”.

Giải thích về việc lãnh đạo thôn và HTX không cấp nước cho bà con sản xuất nông nghiệp, ông Vinh cho rằng: “Xã không chủ trương việc đó và làm như vậy là sai. Ngay sau khi bà con phản ánh chúng tôi đã chỉ đạo cấp nước trở lại”.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là quyết định thu hồi đất đến với người dân quá đột ngột. Đáng nhẽ, ngay từ khi có chủ trương, UBND xã Ngũ Hiệp và huyện Thanh Trì cần có trách nhiệm chỉ đạo phổ biến chủ trương thu hồi đất, các quy định về thu hồi đất, về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, đồng thời có trách nhiệm niêm yết công khai văn bản về chủ trương thu hồi đất tại trụ sở UBND và tại các điểm sinh hoạt khu dân cư nơi có đất bị thu hồi, thông báo trên hệ thống đài truyền thanh cấp xã theo tinh thần Quyết định số 39/2008/QĐ-UBND cho người dân được biết.

Khi đó, người dân có thể tham gia, đóng góp ý kiến trước khi thành phố ra quyết định nhằm tránh những bức xúc không đáng có như hiện nay. Tuy vậy, việc này đã không được thực hiện. Và như vậy cũng có nghĩa, quyền lợi của người dân nơi đây đã không được đảm bảo trọn vẹn.

Nguyễn Long