Ai sẽ là khách hàng mua “điện thoại cao cấp” Bphone?

ANTĐ - Có lẽ xứng đáng với danh hiệu “chiếc điện thoại thông minh cao cấp đầu tiên của Việt Nam”, màn ra mắt mẫu smartphone Bphone của nhà sản xuất Bkav đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo giới truyền thông và dư luận.Vậy nhưng, có lẽ câu hỏi được quan tâm lúc này là khách hàng nào sẽ sẵn sàng mang về chiếc điện thoại được quảng bá rất “kêu” này?

Bphone ra mắt: Người kỳ vọng, kẻ chê bai

Có lẽ bất kỳ sản phẩm mới ra mắt nào của Bkav cũng dễ dàng tạo nên cuộc tranh luận trái chiều mạnh mẽ: Một “phe” dữ dội phản pháo, cho rằng đó chỉ là sản phẩm “có tiếng mà không có miếng” của anh Quảng “nổ” (biệt danh gắn liền với “Hiệp sỹ CNTT” kể từ khi Tổng Giám đốc Bkav tích cực quảng bá cho phần mềm diệt virus có thu phí của mình), “phe” còn lại thì tích cực bảo vệ với lý lẽ “người Việt ủng hộ hàng Việt”.

Và Bphone không phải là ngoại lệ!

Nhưng cái tệ của phía chỉ trích mẫu điện thoại này là rất nhiều người chưa trực tiếp cầm máy trên tay để trải nghiệm đã vội “ném đá” rằng nó đắt, nó chỉ toàn nhập linh kiện từ hãng khác về để ráp vào, nó dùng hệ điều hành “có sẵn” (Android)…

Màn ra mắt Bphone của Bkav

Tại sao lại chỉ trích Bphone đắt đỏ khi ngay từ đầu, những người tạo ra sản phẩm này đã định vị nó ở phân khúc cao cấp với các thành phần linh kiện đắt tiền (chẳng hạn như vi xử lý Qualcomm Snapdragon thay cho Mediatek rẻ tiền)? Và thị trường bình dân cấp thấp vốn đã quá chật chội với hàng loạt sản phẩm mang thương hiệu Việt nhưng “chất Tàu” liệu có phù hợp với một mẫu smartphone sinh sau đẻ muộn như Bphone hay không?

Tại sao lại cho rằng sản phẩm này sử dụng linh kiện của hãng khác là sai, khi nhiều mẫu smartphone cao cấp từ Samsung, LG, Sony… cũng như vậy? Thậm chí, một “ông lớn” như Apple vẫn phải dựa rất nhiều vào đối thủ của họ là Samsung trong quá trình chế tạo linh kiện cơ mà!

Tại sao lại nghĩ một mẫu smartphone cao cấp mới chạy nền tảng Android là… tầm thường? Trong khi đó, rất nhiều mẫu smartphone cao cấp có giá 15, 16 triệu đồng hiện nay cũng cài Android. Và quan trọng nhất cần biết, là không phải Android nào cũng giống nhau, bởi xuất phát điểm là hệ điều hành mã nguồn mở, nếu nhà sản xuất nào đầu tư tùy biến cao thì “Android của họ” sẽ tiện ích hơn nhiều, và ngược lại!

Và điều quan trọng nhất là… nhiều người dường như quên mất rằng Bphone là sản phẩm của một doanh nghiệp! Họ kinh doanh để “ăn” lợi nhuận, nếu thất bại thì doanh nghiệp đó chịu thiệt hại đầu tiên, vậy tại sao ngay từ lúc này, nhiều người đã vội bao đồng mà lo cho nhà sản xuất rằng Bphone sẽ thành “bom xịt”? Có “xịt” thì điều đó ảnh hưởng gì tới thị trường của chúng ta vốn rất sòng phẳng? Nếu tốt và hiệu quả thì nổi, mà dở, thiếu hiệu quả thì xịt, đương nhiên vậy thôi!

Ai sẽ là khách hàng mua “điện thoại cao cấp” Bphone? ảnh 2Bphone được quảng cáo, có tốc độ truyền dữ liệu di động rất cao

Điểm trừ đáng nói nhất cho tới lúc này của Bphone, theo người viết, là Bkav vẫn giữ tư duy “bắt chước” quá nhiều. Không khó để nhận ra từ tấm biển quảng cáo ở lối vào, cho tới cách giới thiệu sản phẩm, và thậm chí là tên sản phẩm hay các phiên bản của máy nữa, đều rất giống những gì Apple đã làm với iPhone!

Không chỉ thể hiện ở sản phẩm này, lối tư duy “bắt chước” của nhà lãnh đạo Bkav từng bộc lộ rõ trong quá khứ, khi Bkav đi theo chiến lược phát triển phần mềm của tập đoàn Microsoft.

Tất nhiên, việc một hãng công nghệ có thế mạnh về vốn và năng lực kỹ thuật bước chân vào phân khúc điện thoại thông minh cao cấp là một điều đáng mừng, vì ít ra, chúng ta cũng thấy được một thiết bị cầm tay công nghệ Việt không còn đi theo lối mòn “Trung Quốc sản xuất, Việt Nam gắn mác” như trước nữa!

Phân khúc khách hàng nào sẽ mua Bphone?

Nhắm vào phân khúc smartphone cao cấp, tức là Bkav đã xác định ngay từ đầu rằng khách hàng của họ phải là những người chịu chi. Vậy họ sẽ là những ai?

Thông thường, khách hàng Việt bỏ tiền mua sản phẩm đắt giá thường được chia làm 2 nhóm: Nhóm 1 là những người có thu nhập “tầm tầm” bậc trung, thậm chí là thấp, nhưng vì yêu thích, vì đam mê hay thậm chí là “vì sĩ diện”, họ sẵn sàng nhịn ăn, nhịn uống, tích cóp, vay mượn để bỏ ra khoản tiền đáng kể, rước về “chú dế” mà người khác nhìn vào phải ngưỡng mộ. Trong khi đó, nhóm 2 là những người thực sự có tiền, họ là tuýp người vào một trang web mua sắm, tìm xem loại sản phẩm nào ưng ý nhất để mua chứ không phải làm thao tác bấm “Sắp xếp giá từ thấp đến cao” – nói cách khác là họ không quan tâm nhiều tới giá cả, thích là mua, vậy thôi!

Xin đừng nói tới yếu tố bền bỉ hay gì đó “đáng đồng tiền bát gạo”, bởi thực tế, những người tiết kiệm hoàn toàn có thể sở hữu một chiếc smartphone đáp ứng nhu cầu mà giá chỉ dưới 5 triệu đồng!

Vậy đó, nhìn vào 2 nhóm khách hàng nói trên, Bphone có thể tiếp cận được nhóm nào? Chắc chắn không phải là nhóm 1, bởi với hoàn cảnh vừa ra mắt, lại chưa xây dựng được thương hiệu kiểu “thần tượng” như Apple với iPhone, khả năng Bphone được khách hàng chắt chiu tích cóp để mua vì đam mê, vì hâm mộ gần như là 0%.

Tất nhiên, những nỗ lực quảng bá hiện tại của Bkav sẽ dần dà tác động vào nhóm khách hàng này, song không thể ngày một ngày hai là thành công, và đương nhiên nó sẽ rất khó xảy ra với thế hệ Bphone đầu tiên.

Như vậy, lúc này chỉ còn nhóm khách hàng “đại gia” chịu chi thứ 2 là phù hợp với Bphone. Vì thế, doanh số bán sản phẩm này cao hay thấp, thành công hay thất bại chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng rất nhiều từ chiến lược tiếp thị, tiếp cận khách hàng tiềm năng trong nhóm “chịu chi” của Bkav, thay vì chờ đợi những người tiêu dùng bình dân chặc lưỡi “bỏ 10 triệu đồng chơi chơi ra mua thử Bphone về xem thế nào”.

Dẫu sao, tới thời điểm này, Bphone cũng đã tạo ra một cú hích thú vị trên thị trường smartphone trong nước, và hãy thử theo dõi xem những gì CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng đặt kỳ vọng là đúng hay sai!