Túng quẫn làm liều

ANTĐ - Bị sa thải vì ăn cắp số tiền 200 USD, nhân viên cũ của một cửa hàng bánh ở Los Angeles (Mỹ) đã quay lại sát hại những nhân viên khác, vơ vét của cải rồi bỏ trốn. Hắn không ngờ rằng, chỉ vài ngày sau, hắn đã bị cảnh sát bắt giữ.

Túng quẫn làm liều ảnh 1Hai nạn nhân Brian Berry và James White

Vụ xả súng gây chấn động

Khoảng 1h45 sáng 30-6-1991, một người đàn ông bước vào cửa hàng bánh Sandwich trên phố Devonshire ở thành phố Los Angeles (Mỹ) thì bất ngờ phát hiện thi thể một nam giới nằm bất động trên vũng máu. Ngay lập tức, sự việc được thông báo tới cảnh sát. Khi tới nơi, cảnh sát thấy xác nạn nhân nằm ngay phía trước quầy thanh toán của cửa hàng với vết thương ở má, dấu vết thuốc súng ở mắt. Danh tính nạn nhân được xác định là Brian Berry, 18 tuổi. Tiếp tục tìm kiếm xung quanh, cảnh sát phát hiện một nam thanh niên khác tên là James White, 19 tuổi, nằm úp mặt xuống nền nhà. Do vẫn còn sống, nên James đã được đưa tới bệnh viện cấp cứu. 

Cảnh sát nhận định, nhiều khả năng đây là một vụ giết người cướp của vì tiền mặt trong két đã bị lấy sạch, một số vỏ đạn từ khẩu súng bán tự động loại 380 ly cũng được tìm thấy trên nền nhà. Các nhân viên điều tra hy vọng James có thể cung cấp thông tin hữu ích giúp phá án nên cử người bảo vệ nghiêm ngặt tại bệnh viện. Nhưng James sau đó đã tử vong do vết thương quá nặng. 

Theo cảnh sát, James mới được tuyển dụng vào làm việc tại cửa hàng này được vài tháng. Hôm xảy ra án mạng, anh này đang dọn dẹp để chuẩn bị đóng cửa lúc 2h sáng thì hung thủ xông vào cửa hàng, đe dọa các nhân viên, yêu cầu họ mở két sắt. Sau khi lấy sạch tiền trong khay, hắn bắn vào đầu hai nạn nhân, rồi bỏ trốn.  

Ráo riết truy lùng thủ phạm

Cảnh sát Los Angeles đã gõ cửa từng nhà trong khu vực để lần tìm manh mối hung thủ. Trong khi đó, Hội đồng thành phố Los Angeles cùng chủ cửa hàng Sandwich quyết định treo thưởng 35.000 USD cho ai cung cấp thông tin giúp bắt giữ thủ phạm. Và nỗ lực của họ đã được đền đáp. Một phụ nữ tên là Rebecca sống tại căn hộ gần nơi xảy ra vụ án đã cung cấp một số thông tin để cảnh sát phác họa lại đặc điểm nhận dạng nghi phạm. Theo Rebecca, nghi phạm khoảng ngoài 20 tuổi, mặc áo phông trắng, tóc cắt ngắn, dường như là người Mỹ gốc Phi. 

Cảnh sát đã công bố hình phác họa nghi phạm, một số người dân sau đó gọi điện đến nói rằng, người trong ảnh trông giống James Robinson, từng làm việc tại cửa hàng Sandwich trên. Qua điều tra, cảnh sát được biết, Robinson, 22 tuổi, lâm vào cảnh nợ nần đến nỗi không có tiền để thanh toán hóa đơn điện thoại. Trước đó không lâu, anh ta đã mua một khẩu súng loại 380 ly giống với loại đạn được tìm thấy tại hiện trường. Đáng chú ý, sau khi xảy ra vụ cướp, Robinson lại có tiền tiêu rủng rỉnh. 

Xác định Robinson là nghi phạm số 1, cảnh sát đã bắt giữ anh ta và thu khẩu súng bán tự động tại nơi ở của nghi phạm. Quần áo trong nhà Robinson cũng giống với lời mô tả của nhân chứng, trong khi dấu chân của Robinson phù hợp với dấu chân tại hiện trường vụ án. Phiên tòa xét xử James Robinson bắt đầu vào tháng 

4-1993. Sau một thời gian xét xử, quan tòa đã ra phán quyết Robinson phạm tội giết người cấp độ 1, cướp của và phải chịu hình phạt cao nhất là tử hình. Đến năm 2005, tòa án tối cao California đã bác đơn kháng cáo của Robinson, tuyên y án tử hình.