Trung Quốc: “Mafia chân gỗ” lộng hành

ANTĐ - Theo Tạp chí kinh tế Tài Kinh, đằng sau cuộc khủng hoảng tham nhũng ở tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc) còn ẩn chứa một mối họa thậm chí còn đen tối và khốc liệt hơn, đó là việc các băng nhóm tội phạm vươn vòi thâm nhập sâu vào các cơ quan thực thi pháp luật. Để có thể dễ dàng lọt lưới pháp luật, tiếp tục “tác oai tác quái” hoạt động, không ít nhóm tội phạm có tổ chức ở Sơn Tây sử dụng chiêu gài người vào trong lực lượng cảnh sát địa phương, đồng thời “mua chuộc” một số quan chức chủ chốt trong chính quyền.
Trung Quốc: “Mafia chân gỗ” lộng hành ảnh 1

Phi vụ “đào tạo 15 sĩ quan cảnh sát”

Trong loạt bài điều tra về vấn nạn này, Tạp chí kinh tế Tài Kinh đặc biệt nhắc đến chiêu thức “tay trong” của băng nhóm “Swallow Gang” (“băng nhóm chim sẻ”). Hai kẻ cầm đầu băng nhóm là Feng Xiaochun và Bing Hao đã cài cắm 15 thành viên của nhóm vào trường đào tạo cảnh sát địa phương. Sau khi tốt nghiệp, hầu hết số người này đều nằm trong lực lượng công an huyện Trung Dương, một quận thuộc Lữ Lương. Nhờ có cán bộ “chống lưng” mà những hoạt động xã hội đen của “băng nhóm chim sẻ” như: đòi nợ thuê, cho thuê côn đồ… ít nhất 18 lần lọt lưới. Khi các hoạt động của băng nhóm này bị phát hiện, cảnh sát đã bắt giữ 67 người, trong đó có Feng cùng tang vật là 47 khẩu súng và hơn 1.400 viên đạn. 

Sau vụ này, những tưởng hiện tượng cấu kết giữa cảnh sát, quan chức và xã hội đen ở Sơn Tây sẽ thuyên giảm, nhưng trên thực tế chúng vẫn hoành hành. Trong loạt bài điều tra, Tạp chí kinh tế Tài Kinh có đề cập đến một số trường hợp từ dân xã hội đen qua một thời gian được các ông chủ mỏ than thuê, bỗng một ngày có thể leo lên chức Trưởng Công an, hoặc có quan hệ gần gũi với cảnh sát hay điều tra viên. Điều này làm rõ sự thông đồng giữa cán bộ Nhà nước với hội Tam hoàng và các ông chủ mỏ than ở Sơn Tây - nơi có trữ lượng than đá lớn làm giàu cho nhiều tỷ phú, nhưng cũng là mảnh đất béo bở cho những quan tham và côn đồ lộng hành.

Nhiều đối tượng xã hội đen kiếm sống bằng cách dẫn dụ các ông chủ mỏ than giàu có đến Macau chơi bạc. Sau mỗi phi vụ, chúng nhận được 40% tổng số tiền mà vị khách đã “nướng” vào sòng bài, thậm chí một số trường hợp còn trở thành “đối tác làm ăn” với các sòng bạc. Zhao Wuqing - kẻ cầm đầu một băng nhóm làm ăn theo kiểu “trung gian” từ việc đặt mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn đến dịch vụ đổi tiền và cung cấp gái mại dâm, đã bị cảnh sát Tấn Thành bắt giữ đã khai nhận: những vị khách thường là tỷ phú than đá, thậm chí cả cán bộ nhà nước.

Mối quan hệ “đen” làm các cuộc điều tra thất bại 

Tạp chí kinh tế Tài Kinh cho rằng, chính mối quan hệ quan chức chính quyền - xã hội đen và xã hội đen có tay trong ở trong guồng máy chính quyền đã giải thích nguyên nhân vì sao các cuộc điều tra 14 băng nhóm tội phạm sừng sỏ ở tỉnh Sơn Tây từ năm 2006 đến nay vẫn không có kết quả. Đó là sự xâm nhập sâu của các thành viên trong băng nhóm tội phạm vào các cơ quan chính quyền và đội ngũ cảnh sát, đã làm quá trình điều tra thất bại và phá hỏng việc thu thập chứng cứ. 

Sự hiện diện ngày càng lớn mạnh của các băng nhóm xã hội đen ở Sơn Tây cũng đã trả lời cho việc tân Giám đốc Sở cảnh sát thành phố Thái Nguyên (thủ phủ của Sơn Tây) là Lý Á Lực bị bắt vì tội tham nhũng và những vi phạm kỷ luật khác.

Theo Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc từ tháng 12-2014 đến cuối tháng 2-2015, Cục chống tham nhũng Sơn Tây đã ghi nhận 4.550 trường hợp tham nhũng mới, trong đó xác nhận 4.511 cá nhân vi phạm và xử phạt 5.131 người. Theo báo cáo, có hơn 1000 cán bộ nhận mức phạt nặng đến mức không thể bác đơn.

Các phi vụ phi pháp trên diện rộng ở Sơn Tây đã thu hút sự chú ý của ông Ma Kai, Phó Thủ tướng của Trung Quốc. Ông đã ví tình trạng tham nhũng của tỉnh Sơn Tây như căn bệnh ác tính “ung thư”. “Nếu chúng ta không dẹp sạch tệ nạn này thì sẽ khiến việc tuyển chọn cán bộ trở nên khó khăn hơn và rồi sẽ gây thiệt hại lớn. Sơn Tây đang xúc tiến một chiến dịch chống tham nhũng trên diện rộng chưa từng có trong lịch sử, đây là việc cần thiết và được coi là vấn đề sống còn của Đảng và dân tộc” - tờ China Daily dẫn lời ông Ma Kai.

Ngoài việc thanh lọc bộ máy kiểm tra kỷ luật, các quan chức tham nhũng đã bị khai trừ ra khỏi Đảng ủy tỉnh Sơn Tây và Hội nghị Hiệp thương Chính trị, một cơ quan tham mưu cho Đảng. Các hoạt động chống tham nhũng nói trên đã được gấp rút tiến hành nhắm vào các quan chức và doanh nhân có dính líu đến ngành công nghiệp than - vốn là thế mạnh của Sơn Tây.