Kết cục buồn của một nữ sinh 13 tuổi

ANTĐ - Cuối tháng 12-2014, thiếu nữ Emilie Olsen, người Mỹ gốc Hoa, sống ở bang Ohio đã ra đi trong sự thương tiếc của người thân và ân hận của bạn bè. Nguyên nhân tự sát của cô bé được cho là do thường xuyên bị bắt nạt ở trường học.

Kết cục buồn của một nữ sinh 13 tuổi ảnh 1

Bị bạn bè đặt nhiều biệt danh xấu

Theo tờ Tin tức hàng ngày New York, Emilie (ảnh) chào đời ở Trung Quốc, năm 2002, khi mới 9 tháng tuổi cô bé được gia đình Olsen người Mỹ nhận nuôi. Sau đó, họ đưa Emilie về sinh sống ở thị trấn Fairfield, bang Ohio. Nữ sinh này đang theo học lớp 7 tại trường trung học địa phương.

Trước hành vi tự sát của cô bé, bố nuôi Mark Olsen cho biết, từ khi Emilie lên lớp 5 đã phải chịu những lời xúc phạm và hành động tấn công bằng tay chân của bạn bè cùng lớp, trong đó một số đứa trẻ đã chế giễu cô bé là người khác chủng tộc. Bà Cindy Olson -mẹ của Emilie cũng đau buồn cho hay, “khi học lớp 6, con bé từng nói với tôi lúc ở trường, có một vài người bạn đã đặt biệt danh cho nó là “ục ịch xấu xí” và còn có ý định làm nó vấp ngã”. Theo bà Cindy, sau khi Emilie lên lớp 7, những người bạn đó tiếp tục bắt nạt cô bé, thậm chí ngày càng nhiều bạn học gọi Emilie bằng biệt danh thay vì tên thật. Do bị “chơi xấu” nhiều, cô bé tội nghiệp đã cố tình để thành tích học tập trượt dốc và nói với bố mẹ muốn được chuyển trường.

Phát súng tự vẫn của cô bé mới 13 tuổi xảy ra vào ngày 11-12-2014 khi Emilie tự nhốt mình trong phòng riêng. Bức xúc trước việc con gái yêu ra đi đột ngột, ông Mark Olsen đã chất vấn nhà trường liệu có quan tâm và từng yêu cầu một số học sinh dừng hành vi ức hiếp đối với Emilie hay chưa. “Tôi không nói nhà trường làm gì sai, nhưng tôi cần một lời giải thích” - ông Mark gay gắt. Trong khi đó, một người bạn cùng lớp cho biết vô cùng bàng hoàng lúc nghe tin Emilie tự sát, bởi “thường ngày bạn ấy vẫn nở nụ cười, nhìn tâm trạng có vẻ tốt, không ai ngờ chuyện như vậy lại xảy ra”, dù học sinh này cũng thừa nhận Emilie bị đặt nhiều biệt danh xấu ở lớp.

Nạn nhân từng bị trầm cảm

Sau khi Emilie tự sát, cơ quan cảnh sát thị trấn Fairfield đã nhanh chóng mở cuộc điều tra. Quá trình điều tra gặp khó khăn do nhiều người liên quan tới nạn nhân không muốn cung cấp tin tức. Theo tạp chí Tin tức  Hamilton, một tuần sau khi Emilie tự sát, người đứng đầu cơ quan cảnh sát thị trấn đã cho biết, “hiện chưa điều tra được tình hình cụ thể của sự việc” do có nhiều thông tin đối lập nhau và khó xác định được đích danh kẻ bắt nạt nạn nhân. “Chúng tôi đã thử nói chuyện với một số học sinh nhưng những em đó cũng như cha mẹ của các em không muốn hợp tác” - một nhân viên điều tra nói. Cuối cùng, ngày 18-12-2014, cảnh sát địa phương kết thúc điều tra và ra thông báo khẳng định không có mối liên hệ giữa kỳ thị chủng tộc với cái chết của học sinh Emilie Olsen. Nạn nhân từng bị trầm cảm, và đã có hành vi tự gây thương tích cho bản thân khi còn sống.

Trong khi đó, phát ngôn viên của nhà trường nơi Emilie theo học cho biết, họ chưa từng nhận được bất kỳ phản ánh nào từ phía Emilie, thầy cô giáo dạy Emilie  hay bạn học rằng cô bé bị bắt nạt, đồng thời cũng phủ nhận bi kịch lần này liên quan tới kỳ thị chủng tộc. 

Tuy cảnh sát và nhà trường không xác định được Emilie có thường xuyên bị bắt nạt hay không, nhưng một người bạn cùng lớp của nạn nhân nói, Emile đã bị bắt nạt ít nhất trong 1 năm. Người bạn này vẫn quan tâm hỏi han Emilie nhưng không đoán trước được hành động quẫn trí tự sát của nạn nhân.