Cơ hội tự do cho “phù thủy trốn trại”

ANTĐ - Từ bản án ban đầu là 4 năm, Mark DeFriest đã phải chịu án chung thân chỉ vì 13 lần vượt ngục. Tù nhân Mỹ nổi tiếng với biệt danh “Houdini” hay “phù thủy trốn trại” này cuối cùng cũng có cơ hội được ân xá sau 35 năm tù. Người thân của Mark DeFriest tin rằng, lần này ông ta sẽ cố chịu nốt vài tháng để trở về với tự do.

Cơ hội tự do cho “phù thủy trốn trại” ảnh 1

13 lần vượt ngục, 7 lần thoát

Nếu Mark DeFriest bình tĩnh chờ một vài tháng để nhận phần thừa kế thì sẽ không bao giờ phải vào tù. Nếu tuân thủ đúng quy định, ông ta có lẽ đã ra tù từ hơn 30 năm trước. Ấy vậy mà, mọi chuyện cứ rối tung chỉ vì tính khí khác thường của Mark DeFriest. 

Mọi chuyện bắt đầu vào năm 1979, sau khi cha qua đời, DeFriest khi ấy 19 tuổi không đủ kiên nhẫn chờ đọc được di chúc mà sử dụng chìa khóa sẵn có mở cửa vào nhà kho của cha mình lấy đi bộ đồ nghề cơ khí. Người mẹ kế tức giận báo cảnh sát, và khi cảnh sát hỏi, DeFriest bỏ chạy. Hậu quả là anh ta đã phải chịu án tù 4 năm vì tội ăn cắp.

Nhưng đó mới chỉ là khởi đầu của hành trình 35 năm trong tù, liên tục trốn trại rồi bị bắt lại và Mark DeFriest, năm nay 54 tuổi đang phải chịu án chung thân. Đây là một trong số rất ít tù nhân Mỹ bị tuyên án chung thân cho dù tội danh không liên quan đến bạo lực. Cho tới tuần trước, hôm 17-12, Ủy ban ân xá của bang Florida đã bỏ phiếu nhất trí DeFriest sẽ được phóng thích vào tháng 3-2015, thay vì tới năm 2085, khi đó ông ta 124 tuổi.

Hồ sơ của nhân vật này có tới 400 báo cáo liên quan đến vi phạm an ninh trật tự, trong đó riêng năm 1983 lập “kỷ lục” với 65 báo cáo. Tội danh ngày càng chồng chất khiến cho cơ quan chức trách không có lý do để ân xá cho DeFriest. 

Người tự kỷ dạng “thiên tài”?

Mới đây, nhà làm phim Gabriel London, người đã thực hiện bộ phim tài liệu mang tên “Cuộc đời và tâm trí của Mark DeFriest” cùng luật sư Middleton tin rằng, các rắc rối đều do DeFriest mắc chứng tự kỷ. Một nguyên nhân quan trọng khác là nhiều lần sau khi bị bắt lại, DeFriest bị nhốt trong bóng tối, hoàn toàn cách ly với không gian bên ngoài cả chục ngày nên đó là lý do tại sao ông ta cứ cố gắng thoát ra.

Trường hợp của Mark DeFriest được dư luận Mỹ đặc biệt chú ý khi nhà làm phim tài liệu về nhân vật này gọi đó là một người bị mắc kẹt trong một hệ thống nhà tù mà không được quan tâm đến sức khỏe tâm thần và hy vọng DeFriest sẽ truyền cảm hứng cho sự thay đổi. Trong những năm đầu thập niên 1980, các bác sĩ tâm thần đã nhất trí rằng DeFriest đã có triệu chứng tâm thần phân liệt nên cần được đưa đến một bệnh viện tâm thần điều trị. Đáng tiếc là tù nhân đã trốn khỏi viện, và gần 30 năm sau đó, DeFriest là một trong 200.000 tù nhân Mỹ bị bệnh tâm thần vẫn ở đằng sau song sắt. Giống như nhiều người khác, Mark DeFriest hiếm khi được điều trị và thường xuyên bị trừng phạt vì các rắc rối tự gây ra.

Tuy bị tự kỷ nhưng Mark DeFriest cũng được đánh giá là một thiên tài về sự tỉ mỉ, lành nghề trong chế tác. “Phù thủy trốn trại” này đã vô số lần đánh được chìa khóa mà chỉ cần quan sát chùm chìa khóa móc trên túi của nhân viên cai ngục hay đã phá cửa 3 phòng giam với chỉ 1 chiếc bàn chải đánh răng. Chính vì vậy, nhiều nhà tù đã đào tạo nhân viên mới bằng những bài học mà họ rút ra được từ trường hợp của Mark DeFriest.

Ngoài bản án ở Florida, DeFriest vẫn có nợ án ở bang Alabama và California, do đó luật sư Middleton tiếp tục đấu tranh để thân chủ của mình được giảm án. Theo luật sư này, DeFriest có thể sẽ được phóng thích hoàn toàn trong năm tới còn viễn cảnh tồi tệ nhất, có thể đến năm 2018. Vợ của DeFriest, Bonnie kết hôn với ông trong thời gian ông đang thi hành án đang mong chờ tin vui để vợ chồng họ sớm được đoàn tụ.