Bóc lột tình dục xuyên lục địa

ANTĐ - Cảnh sát Anh vừa triệt phá một đường dây buôn bán phụ nữ với mục đích bóc lột tình dục. 

Được hứa đưa tới Anh du học, nạn nhân không ngờ rơi vào tay bọn buôn người

Miếng mồi ngon

Kể từ khi người cha qua đời vào năm 2008, kinh tế gia đình của cô gái 23 tuổi đến từ một ngôi làng gần thành phố Benin (Nigeria) vô cùng khó khăn. Mặc dù phải vật lộn kiếm sống hàng ngày, nhưng cô luôn nuôi ước mơ trở thành bác sĩ, để có thể chữa bệnh cho những người dân vùng quê nghèo hẻo lánh ấy. Tháng 2-2011, tưởng là vận may đã đến khi một phụ nữ ở làng tên Beneditta chủ động tìm đến ngỏ ý muốn giúp cô gái theo đuổi ước mơ, được đi học tử tế và đảm bảo có việc làm nếu đồng ý sang Anh.  

Ả cò mồi Beneditta săn đón cả gia đình cô gái bằng chiêu vẽ ra một tương lai đầy hứa hẹn ở “xứ sở sương mù”. Việc làm duy nhất của cô gái lúc này là ký vào một tờ giấy cam kết nợ 40.000 bảng Anh, mà ả Beneditta viện lý do là “chi phí đi du lịch, giấy tạm trú, đi học và phí tìm việc làm”.

Nhưng sự thực đó chỉ là một cơn ác mộng. Trước khi khởi hành từ Nigeria, cô đã bị một trong những thành viên của nhóm người này cưỡng hiếp. Khi vừa đặt chân đến London, Olayinka đã đưa cô vào khách sạn Marbella ở Peckham và lấy hết số tiền 500 bảng cùng hộ chiếu của cô.

Chưa dừng lại, chúng gửi cô đến “mẹ đỡ đầu” Obadiaru - một người bạn của Beneditta ở Brockley, phía Đông Nam London trong 3 tuần. Ngay trong đêm đầu tiên, cô đã bị con trai của Obadiaru quấy rối tình dục. Khi cô phàn nàn với Obadiaru về việc xảy ra, cô đã nhận được lời đáp đáng sợ của người đàn bà này: “Cô nghĩ mình đang làm gì ở đây?”. Cô gái như “chết đứng”.

3 đối tượng trong đường dây buôn người

Những kẻ buôn người 

Tháng 9-2011, nạn nhân buộc phải lên một chuyến bay tới Milan (Ý) với mệnh lệnh “phải ngoan ngoãn chiều các quý ông”. Tuy nhiên, kế hoạch bán phụ nữ sang Ý làm nô lệ tình dục của chúng đã không thành công. Tại sân bay Milan, nhân viên di trú Ý đã không cho phép cô gái nhập cảnh vào nước này khi phát hiện hộ chiếu của cô là giả, với cái tên Jacky Smith. Ngay sau đó, cô gái đã được gửi lại Anh. Có mặt tại trụ sở của Cơ quan Biên giới Anh, cô gái cho biết mình là một nạn nhân của những kẻ buôn người. 

Căn cứ lời khai của nạn nhân và những chứng cứ có được, tháng 5-2013, cảnh sát Anh tiến hành lục soát nhà Oluwafemi. Họ phát hiện trong máy tính của ông ta có các giấy tờ, hồ sơ giả mạo. Đồng thời, kết quả phân tích các dữ liệu điện thoại di động cho thấy, các đối tượng này cũng thường xuyên liên lạc với một “cò mồi”. Người phụ nữ này thường lảng vảng ở những ngôi làng nghèo Nigeria với mục đích tìm kiếm các phụ nữ trẻ để “chăn dắt”. 

Trong phiên tòa sơ thẩm trung tuần tháng 6 vừa qua, Olusoji Oluwafemi, Johnson Olayinka và Florence Obadiaru bị buộc tội buôn bán người với mục đích bóc lột tình dục có tổ chức và sử dụng hộ chiếu giả. Kết thúc xét xử, ngày 11-7, kẻ cầm đầu Olusoji Oluwafemi lĩnh án 6,5 năm tù giam. Mức án dành cho 2 đồng phạm Johnson Olayinka và Florence Obadiaru lần lượt là 4,5 năm và 2 năm tù.

Tuy nhiên, các nhà điều tra tin rằng, cô gái 23 tuổi trong vụ án trên chỉ là một trong nhiều nạn nhân của nhóm tội phạm có tổ chức Nigeria. “Đây là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến nước Anh mà còn là toàn châu Âu. Những nhóm tổ chức buôn người vì mục đích tình dục này ngày càng tinh vi, chúng liên tục di chuyển vị trí hành nghề của nạn nhân để tránh bị phát hiện, gây khó khăn cho cơ quan điều tra” - Liam Vernon - nhân viên của Cơ quan tội phạm quốc gia (NCA) nói.