Vì sao xe chở tên lửa Buk bốc cháy trong ngày duyệt binh ở Nga?

ANTĐ - Ngày 9-5, nước Nga đã tổ chức Lễ duyệt binh mừng ngày chiến thắng Phát xít Đức trong Chiến tranh Thế giới lần thứ II lớn nhất trong lịch sử tại nhiều thành phố trên cả nước, với sự tham gia của 16.500 binh lính, 200 phương tiện quân sự và hơn 100 máy bay các loại.


Thế nhưng, một chiếc xe chở hệ thống tên lửa phòng không Buk bỗng dưng bốc cháy nghi ngút ở phần động cơ phía sau trong khi đang diễu hành qua Quảng trường Lenin tại thành phố Chita, thuộc vùng Siberia.

Những hình ảnh được đăng tải trên các mạng xã hội cho thấy, chiếc xe chở tên lửa Buk đang từ từ lăn bánh cùng đoàn diễu hành, trước sự vỗ tay reo hò của khán giả, thì bỗng dưng bốc cháy, lửa và khói đen nghi ngút bùng lên ở phía sau xe, khiến nhiều khán giả hoảng sợ.

Xe chở tên lửa Buk-M1 bị bốc cháy trong lễ duyệt binh tại Nga

Các nhân chứng tại hiện trường cho biết, nguyên nhân khiến động cơ của hệ thống tên lửa phòng không Buk-M1 này bốc cháy nhiều khả năng là do rò rỉ dầu. Một nguồn tin quân sự cũng nhận định rò rỉ dầu có thể đã dẫn tới sự cố này.
“Ngọn lửa đã được rập tắt trong vòng vài phút, sau đó, một chiếc xe tải quân sự đã kéo hệ thống tên lửa này đi. Có thể đã có một sự rò rỉ nhiên liệu, gây nên vụ cháy”, nguồn tin quân sự trên thừa nhận.

"Những trục trặc như vậy xảy ra với máy móc là chuyện bình thường. Lửa cháy không lớn, không có tình trạng khẩn cấp, cũng như bất kì một mối đe dọa nào", nguồn tin cho biết thêm.

Buk-M1/M2 là hệ thống tên lửa phòng không tầm trung hiện đại và có uy tín do công ty Almaz-Antey của Nga thiết kế và chế tạo chủ yếu cho quân đội Nga. Ngoài ra, tên lửa này còn được xuất khẩu sang nhiều quốc gia khác như Azerbaijan, Belarus, Ai Cập, Phần Lan, Gruzia, Triều Tiên, Ấn Độ, Trung Quốc, Syria, Ukraine, Venezuela…
Vụ cháy này diễu ra ngay sau sự cố hồi tuần trước đối với siêu xe tăng Armata T-14  trong một buổi tập duyệt binh khi tiến qua lễ đài ở Quảng trường Đỏ. Khi đó, động cơ xe tăng vẫn chạy nhưng nó không thể di chuyển, dường như hệ thống truyền động hoặc xích của xe tăng gặp trục trặc. Sau 15 phút, chiếc xe tăng có thể tự hoạt động bình thường trở lại.

Ngay sau vụ việc, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu được cho là đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tìm hiểu rõ nguyên nhân dẫn tới việc xe tăng T-14 Armata gặp trục trặc.

Sau đó, phó tổng giám đốc nhà máy Uralvagonzavod, ông Alexei Zharich giải thích rằng sự cố đối với xe tăng T-14 mới này là do lái xe bị căng thẳng gây lên chứ không liên quan đến kỹ thuật. “Đây là lần đầu tiên mẫu T-14 Armata được giới thiệu tới công chúng nên sức ép không hề nhỏ. Tất nhiên, quá trình tập luyện để chuẩn bị cho lễ duyệt binh vẫn được tiến hành", ông cho biết.