Ngũ Cung hát nhạc đỏ: Phong cách rock chứ không đơn thuần là "làm mới"

ANTĐ -Đến với những chương trình như “Quà tặng thời gian” của kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam, “Giai điệu tự hào” của đài Truyền hình Việt Nam, ban nhạc Ngũ cung đã trình diễn theo phong cách rock các ca khúc cách mạng hoặc xưa cũ. Đại diện ban nhạc rock Ngũ Cung đã cởi mở trò chuyện với phóng viên.

Ngũ Cung hát nhạc đỏ: Phong cách rock chứ không đơn thuần là "làm mới" ảnh 1
Ban nhạc Ngũ Cung trình diễn theo phong cách rock các ca khúc cách mạng hoặc xưa cũ như “Hành khúc ngày và đêm”, “Lá đỏ”, “Giấc mơ Chapi” hay “ Hò kéo pháo”, “Cung đàn mùa xuân”…
Nhiều người khen, và khen nức nở.

Người chê thì rất chê.

Gần đây trên đài báo tivi, nói rất nhiều về chuyện ban nhạc rock Ngũ Cung “làm mới” các bài hát.

Thực ra đây là cách dùng từ không đúng bản chất. Vì ban nhạc Ngũ Cung là ban nhạc có phong cách chơi nhạc rock, chúng tôi chơi thường xuyên thứ âm nhạc này, phong cách của chúng tôi rất rõ ràng. Chuyện đó là chuyện tự nhiên. Khi chơi là chúng tôi chơi đúng như thế. Những thứ chúng tôi ấp ủ trong đầu, ra đến bàn tay, và suy nghĩ giống nhau. Đấy là phong cách chứ không phải “làm mới”. Và tất cả các tác phẩm của chúng tôi đều mới mà.

Cover là chơi lại một bài hát khác. Chơi lại giống y sì như cũ thì gọi là cover. Người sáng tạo ra bài hát, viết từng ấy nốt nhạc có lời ở dưới, rồi khi đưa vào đài phát thanh. Ngày xưa, tất cả các thứ nhạc như chúng tôi vừa diễn, như Lá dỏ, chỉ có dàn nhạc của Đài tiếng nói Việt Nam, ở 58 Quán Sứ, là có nhiệm vụ về hòa âm, phối khí. Chỉ có một, mà không có lựa chọn khác.

Vì vậy mới sinh ra thứ người ta gọi là nhạc cũ. Họ phát trên đài, mình cho đó là cũ, và bây giờ đánh lại thì bảo mới. Ban nhạc của tôi chơi không có đàn dây, không có ông chỉ huy giống chỉ huy dàn nhạc kia. Mà chúng tôi mang tính tư duy của chúng tôi. Chúng tôi phải đánh ra nhạc rock, vì vậy chúng tôi không quan niệm chuyện đó là mới. Người ta nói quá nhiều về chuyện đó trên báo đài tivi, tôi cho là không đúng. Chỉ nói thế này là hợp lý: “Ngũ cung chơi với phong cách của nhóm nhạc rock thì chính xác hơn”.

Về phản ứng của một số khán giả nhiều tuổi ở chương trình Giai điệu tự hào, thì phải nói thế này, các cô các bác ở hội đồng Bình chọn cũng là những người đã được ban tổ chức và bên truyền hình người ta đã chọn rồi, đương nhiên người ta phải có cái tai nghe tốt. Chỉ có mỗi vấn đề, tư duy của người già hay tư duy của người nói chung được đến đấy, có phải là tư duy của người nghe nhạc hay không? Hay tư duy đến đấy để sẵn sàng những câu trả lời, hay tư duy sẵn sàng để chuẩn bị nói với nhau điều gì đó, nó khác nhau rất nhiều.

Khi đến đó với tư duy của một người nghe nhạc, họ sẽ nói bằng cảm giác, cảm xúc thuần túy như là tôi không thích cô hát bài đó đâu, nhưng người ta không so sánh với người cũ, mà chỉ thấy ở đó tôi không thấy sự biểu lộ tình cảm của cô, tôi không thấy hay của âm nhạc, đó mới là người tập trung nghe nhạc. Nhưng người ta cứ để sẵn trong đầu là ca sỹ này sẽ phải đấu với một nhạc sỹ cũ ngày xưa, một ca sỹ cũ ngày xưa, thì là không hợp lý.  

Sẽ dẫn đến chuyện có những cái phản ứng như vậy. Thậm chí rất quyết liệt, ngay khi các cô các chú ngồi với nhau, và thấy đồng quan điểm với nhau, chỉ có một người có uy tín nói thôi là tất cả mọi người nghe theo. Chính kiến của nhạc sỹ và nghệ sỹ của mình chưa vững. Bao giờ đến với âm nhạc trong sáng bằng đúng trái tim của mình thôi thì họ sẽ có cách nói khác, không phải lấy ai làm bóng che cả. Hôm nay chị hát không được không phải vì lý do là chị không địch nổi những người ngày xưa hát, mà hôm nay chị hát không tình cảm. Cái đó được, cách chị thể hiện không toát ra được tinh thần đó, cái đó mới cần nói.

Trong Giai điệu tự hào, nếu có phần đối thoại giữa nhạc sỹ phối khí, người ca sỹ và ban nhạc với chính Hội đồng Bình chọn, thì nó sẽ có sự cởi mở hơn, sòng phẳng hơn, công bằng hơn. Chúng tôi sẽ giải thích được tại sao bài hát nó lại như vậy. Chứ kia hoàn toàn là sự cảm nhận tức thì, với các thành viên Hội đồng Bình chọn ngồi nghe tức thì, quan điểm tức thì thôi. Vì nghe một, hai lần thì chưa chắc đã cảm nhận cái hay.

Họ toàn so sánh với kỷ niệm.