Ngày Tết, sợ nhất điều gì? (2)

ANTĐ - Ở phần trước, chúng tôi đã gửi tới độc giả một số nỗi sợ hãi phổ biến của mọi người khi tới dịp Tết Nguyên đán. Có những nỗi sợ làm người ta bật cười vui vẻ, nhưng cũng có nỗi sợ khiến nhiều người phải trầm ngâm, suy tư. Hãy tiếp tục cùng Báo ANTĐ khám phá những nỗi sợ vào dịp Tết đến Xuân về được mọi người chia sẻ.

Sợ lì xì

Theo thời gian, tục truyền thống lì xì trong dịp Tết dần bị biến tướng thành những “tính toán” trong các mối quan hệ ngoài xã hội, khiến lì xì trở thành một khoản chi tiêu đáng kể mà nhiều người… phát sợ.

Lì xì đôi khi lại trở thành "nỗi sợ" với... người lớn - Ảnh: Trung Hiếu

Ngay cả khi không “tính toán” chuyện quan hệ ngoài xã hội, việc lì xì cho các bé trong nhà cũng khiến nhiều người lo lắng, vì… nhiều cháu quá.

“Bây giờ mừng 10.000 đồng là có bé còn không chịu cầm. Tối thiểu cũng phải 20.000 đồng tới 50.000 đồng, có trường hợp là 100.000 đồng, 200.000 đồng, mà tổng cộng khoảng 20-30 bé thì số tiền mừng tuổi cũng không dưới 2-3 triệu đồng”, chị Thu (nhân viên văn phòng ở Hà Nội) nhẩm tính.

Sợ…“quan hệ”

Bên cạnh nỗi lo tài chính cho việc lì xì, nhiều người cứ nhắc tới Tết là sợ… “quan hệ” thế nào cho hợp lý trong dịp này để vừa được việc, vừa không bị thâm hụt “ngân sách” cá nhân.

Chị Thanh Vi (Đống Đa, Hà Nội) thở dài: “Vừa lo không đủ tiền, vừa sợ không được việc. Như chuyện đi thăm thầy cô của hai đứa nhà mình, phải chu đáo, cẩn thận lắm đấy. Rồi cả việc đi cảm ơn người đã quan tâm, giúp đỡ mình nữa”.

Nỗi lo nhạy cảm này dường như luôn cận kề mỗi người khi dịp Tết sắp đến, nhưng khác với những “nỗi lo sợ” mà họ có thể nói to với tâm trạng vui vẻ, nỗi lo này thường được chia sẻ với âm lượng nhỏ và hết sức nhẹ nhàng, thoáng qua.

Sợ giao thông

Mặc dù vào dịp Tết, tình hình giao thông tại Hà Nội khả quan hơn ngày bình thường rất nhiều, song vẫn có những người giữ nguyên nỗi sợ hãi thường nhật.

“Tết thì đường phố vắng vẻ thật, chỉ bắt đầu có nhiều xe đi lại hơn từ trưa. Nhưng bù lại, nhiều người không đội mũ bảo hiểm vì sợ hỏng kiểu tóc, tụ tập phóng nhanh hoặc đi dàn hàng nói chuyện. Và sợ nhất là khi có chút hơi men nữa. Nhiều khi thấy đường vắng nhưng mình vẫn phải co rúm người vào khi nghe có tiếng vít ga phía sau”, cô Phạm Lụa (Bách Khoa, Hà Nội) chia sẻ.

Ngoài ra, bạn Hải (Vĩnh Phúc) – sinh viên trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội – lại có nỗi sợ giao thông theo kiểu khác. Đó là vào dịp gần Tết, lượng người di chuyển bằng xe buýt tăng vọt, khiến bạn không khỏi rùng mình khi nghĩ tới cảnh “o ép, chật như nêm” khi bước lên xe buýt hay xe khách đi về các tỉnh.
Mời độc giả cùng xem clip bày tỏ "nỗi sợ hãi dịp Tết":

Sợ cô đơn

Một nỗi sợ tưởng như khá kỳ lạ trong dịp sum họp, đoàn viên, nhưng lại là dễ hiểu với những người ăn Tết xa nhà.

Chi Mai (sinh viên quê ở Nghệ An) chia sẻ rằng năm ngoái, bạn đã quyết định ở lại Hà Nội để làm thêm, vừa tiết kiệm chi phí đi lại, vừa có một khoản đầu tư cho việc học tiếng Anh. Nhưng có ở lại Hà Nội ăn Tết, Mai mới thấy… sợ cô đơn đến dường nào.

Đường phố vắng lặng, các dịch vụ gần như đóng cửa toàn bộ. Nếu có dịch vụ nào mở cửa thì giá cả cũng “đắt chát”.

“Sau khi ăn phải một bát bún riêu giá 60.000 đồng vào dịp Tết, em đã luôn phải đề cao tinh thần cảnh giác, đi vào đâu cũng hỏi giá trước. Mà cũng chẳng có mấy chỗ để đi, chỉ quanh quẩn nơi ở rồi nơi làm thêm, tự nhiên em thấy mình lạc lõng trong dịp vui đầu Xuân”, Mai bày tỏ.

Đây cũng là nỗi sợ khá… phổ biến với các cặp đôi sinh viên yêu nhau. Thường ngày được cùng nhau lên giảng đường, đi chơi khắp nơi, nhưng tới dịp Tết, nhiều cặp đôi sẽ phải nói lời chia tay nhau để về quê sum họp gia đình.

Bạn Nam (sinh viên trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội) chia sẻ: “Vui thì có vui vì được ở cùng bố mẹ, em gái sau một thời gian dài học xa nhà. Nhưng trong đó thì em vẫn thấy có chút xíu cô đơn vì phải xa bạn gái. Hai đứa chỉ còn biết nhắn tin hàng ngày cho nhau, rồi lại đùa nhau là chừng nào thấy cô đơn, thấy nhớ là tốt, chứ về nhà xong vui quá, quên béng nhau ngay thì nguy to”.
Có lẽ vẫn còn nhiều nỗi sợ hãi nữa chưa được liệt kê ở trên. Dù sao, những nỗi sợ vào dịp Tết cũng đa phần là... dễ thương, vui vẻ. Niềm vui được sum họp, nghỉ ngơi, và dành tình cảm, quan tâm cho nhau trong dịp Tết đến Xuân về mới là điều được mọi người khắc ghi rõ nhất, để vượt qua tất thảy những nỗi sợ hãi hay lo âu của bản thân.