Ngày Tết, sợ nhất điều gì? (1)

ANTĐ - Tết Nguyên đán là một trong những kỳ nghỉ lễ đặc biệt và kéo dài nhất trong năm. Đây là thời gian đoàn viên, sum họp của nhiều gia đình, hoặc là dịp để đi du lịch, thăm hỏi nhau… Thế nhưng, bên cạnh rất nhiều niềm vui trong ngày lễ truyền thống, Tết Nguyên đán cũng là dịp mang lại không ít… nỗi sợ hãi cho mỗi người. Hãy cùng phóng viên ANTĐ điểm qua những điều mà mọi người hay sợ khi đến Tết.

Sợ… ăn

Mặc dù hiện nay, ăn uống không phải là ưu tiên hàng đầu ở nhiều gia đình, song ngày Tết “không thể thiếu thịt gà luộc, canh măng, bánh chưng, nem rán” vẫn đang là truyền thống ở không ít nhà. Cũng vì vậy mà không ít người trở nên…sợ ăn khi ngày Tết cận kề.

Những món ăn truyền thống ngày Tết có thể khiến nhiều người... ái ngại

Chị Linh (Hoàng Mai, Hà Nội) vui vẻ kể: “Lúc bình thường, ai cũng bận rộn nên không phải dễ để nấu những món ngon ngày Tết như nem rán, bánh chưng. Thế nên, có năm tới Tết, hai chị em nhà mình ăn thả cửa các món đó, cùng với rất nhiều đồ vặt nữa, tới mức bị…bội thực. Vậy là chỉ sau vài bữa cỗ, cả hai đã phải nằm lì trên giường, đau bụng quằn quại và không ăn được mấy nữa. Giờ nghĩ lại vẫn thấy sợ rùng cả mình”.

Trong khi đó, nỗi niềm “sợ ăn” với anh Thành (Cầu Giấy, Hà Nội) lại khác. Theo lời chia sẻ của anh, Tết đến là cả nhà anh lại lần lượt đi chúc mừng các gia đình họ hàng, bạn bè, và thường là được giữ lại ăn cơm. Nhưng thực đơn ở nhà nào cũng na ná nhau ở các món truyền thống, khiến cứ ngồi vào mâm là anh Thành lại thấy… sợ ăn.

“Nói thật là Tết được vài ngày thì mình đã cảm thấy thèm vô cùng những món giản dị như canh cá chua, trứng xốt cà chua vì nó dễ ăn, đỡ ngán. Nhưng nhiều khi thèm mà cũng không được ăn, vì tới đâu bị giữ lại ăn cũng là gà luộc, bánh chưng, canh bóng… Một hai bữa thì được, nhưng cứ lặp đi lặp lại như vậy thì cảm thấy quá sợ”, anh Thành cho hay.

Với bác Phan Thanh Dư (73 tuổi, ở Lê Văn Lương, Hà Nội) thì nỗi sợ ăn lại bắt nguồn từ lý do khác.

“Tôi định cư ở Canada, tới dịp Tết mới về Hà Nội để đón Xuân cùng họ hàng. Điều tôi sợ nhất là ăn phải đồ Trung Quốc, rất độc hại. Mà giờ thì nhìn đâu cũng ra đồ Tàu cả”, bác Dư bày tỏ.

Ngoài ra, nhiều chị em còn sợ các món ngon dịp Tết là tác nhân khiến cân nặng của họ không thể kiểm soát, “sau Tết mặt ai cũng đầy đặn như… cái bánh chưng”.
Mời độc giả của báo ANTĐ cùng theo dõi clip về "nỗi sợ ăn, sợ uống" dịp Tết của người dân:

Sợ uống

Đây có lẽ là nỗi sợ phổ biến của cánh mày râu vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Bởi mỗi người có mức tửu lượng khác nhau, nhưng khi đã ngồi vào mâm, “sức ép” của mọi người khiến các anh em không cạn ly không được. Ngày Tết, tần suất ép uống rượu này lại càng tăng lên.

Chưa kể, câu chuyện “uống rượu” ngày Tết còn có thêm yếu tố… bi đát hơn nữa.

"Không say không về" khiến nhiều đàn ông phát sợ vào dịp Tết

Anh Thanh (cán bộ tại một cơ quan nhà nước) chia sẻ: “Sợ uống nhiều rượu đã đành, ngày Tết còn sợ uống…nhiều loại rượu nữa. Đi mỗi nhà hoặc chúc tết mỗi phòng ban lại là một loại rượu khác nhau, uống xong cảm thấy ruột gan cứ như lộn tùng phèo hết cả. Nơi này thì là vodka, sang bên kia là rượu vang, rồi lại phải cạn whisky, bia, rượu thuốc… Nên cứ Tết đến là mình lại sợ uống, sợ nhất luôn, nhưng không tránh được. Bí kíp là trước khi đi đâu, mình lại bỏ vào bụng một đến hai miếng bánh chưng, cùng ít thịt, như thế đỡ xót ruột hơn nhiều”.

Cùng với đó, nỗi sợ này cũng là một điều ám ảnh đối với không ít nữ giới.

Chị Thảo (phóng viên tại Hà Nội) cho hay, chị rất sợ những người đàn ông xung quanh mình mỗi khi họ uống rượu, nhất là dịp Tết dến Xuân về. Bởi ngoài hơi thở “mùi hồng xiêm nẫu rất khó chịu”, sau khi cạn một vài chén, nhiều người bắt đầu không kiểm soát được lời nói, có khi trở thành to tiếng, lời qua tiếng lại, làm ảnh hưởng đáng kể tới không khí vui vẻ ban đầu.

Sợ nấu nướng, dọn dẹp

Trong khi sợ rượu là nỗi sợ hãi đặc trưng của cánh mày râu, thì sợ nấu nướng, dọn dẹp lại là nỗi sợ phổ biến của chị em phụ nữ. Đặc biệt, nỗi sợ này càng thêm trầm trọng ở… nông thôn, khi mỗi bữa đều là một bữa cỗ với “quy mô” có thể từ 4-5 mâm trở lên.

Chị Hiền (Cầu Giấy, Hà Nội) thường về quê chồng ở Vĩnh Phúc ăn Tết. Chị chia sẻ, “chu trình” lặp đi lặp lại trong những ngày Tết là sáng dậy sớm, chuẩn bị mâm cỗ sáng, ăn uống xong xuôi là màn dọn rửa với ê hề bát đũa, nghỉ ngơi hoặc chúc Tết một lúc xong lại bắt tay vào chuẩn bị cỗ trưa, lại dọn rửa, chiều thì tiếp tục “lao động” với bữa cỗ tối.

“Nhiều khi mình cảm thấy ngày Tết như là ngày lao động vậy, làm quần quật từ sáng tới tối, bữa nào cũng là cỗ. Nấu đã vất vả, việc rửa bát với tầng tầng lớp lớp bát đũa hết chậu này tới chậu khác cũng thật… đáng sợ. Bình thường có cô em chồng giúp đỡ, mình đùa là sắp tới, em lập gia đình thì chị mua toàn loại bát đũa dùng một lần về, xong là… bỏ, đỡ công rửa”, chị Hiền vui vẻ kể về “nỗi sợ ngày Tết” của mình.

Trong khi đó, cũng có chung nỗi sợ tương tự, chị Thanh Vân (Đống Đa, Hà Nội) lại rất ái ngại khi nghĩ tới quá trình chuẩn bị nấu cỗ vào ngày Tết.

Chị cho hay: “Nhiều lúc chuẩn bị rất căng thẳng, sao cho vào bữa thì các món vẫn phải nóng sốt, hoặc là làm cỗ cúng đúng thời gian. Vì thế mà việc nấu nướng vào Tết trở thành một nỗi sợ hãi không hề nhỏ”.
Vẫn còn đó nhiều nỗi sợ khác trong dịp Tết mà chắc chắn độc giả sẽ quan tâm. Xin đón đọc ở phần 2 sắp tới!