Lịch sử châm biếm của tờ báo Pháp bị khủng bố tấn công

ANTĐ - Mặc dù không phải là một tờ báo lớn trên thế giới, nhưng Charlie Hebdo – tuần báo bị xả súng tấn công hôm 7-1 lại có một lịch sử châm biếm, trào phúng sâu sắc và từng bị khủng bố đe dọa đánh bom nhiều lần.

Tuần báo Charlie Hebdo thuộc sở hữu của công ty cổ phần Les Editions Rotatives và được kiểm soát bởi các nhân viên cấp cao. Tiền thân của nó là một tạp chí tồn tại từ năm 1969 đến năm 1981 thì phá sản vì tài chính kiệt quệ.

Được tái thành lập năm 1992, các số báo của Charlie Hebdo thường xuyên có sự “góp mặt” của các chính trị gia, ngôi sao nhạc pop, hay các trào lưu tôn giáo… trong các hình ảnh biếm họa, các cuộc phỏng vấn hài hước và bài bình luận độc đoán hàng tuần. Thậm chí, hình biếm họa trang bìa của tuần báo từng có hình cựu giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Dominique Strauss Kahn đang “nhảy múa tưng bừng” hay hiện thân của ca sĩ quá cố Michael Jackson “gầy nhom nhem” như một bộ xương, không lâu sau khi ông qua đời.

Tổng biên tập tuần báo Stéphane Charbonnier bị thiệt mạng trong vụ khủng bố hôm 7-1

Charlie Hebdo bắt đầu nổi tiếng từ năm 2006 khi nó đăng lại hình ảnh biếm họa của Nhà tiên tri Mohammed vốn xuất hiện trên nhật báo Jyllands-Posten của Đan Mạch, gây nên sự phẫn nộ trong thế giới Hồi giáo. Các tổ chức Hồi giáo đã kiện tuần báo này vì những hình ảnh xúc phạm đến nhà tiên tri và ý nghĩ báng bổ truyền thống của đạo Hồi. Tuy nhiên, tòa án Pháp đã bác bỏ và không luận tội.

Trong năm 2010, tuần báo này một lần nữa thực sự gây sốc khi trang bìa xuất hiện hình ảnh Đức Giáo Hoàng Beenedict XVI đang rước lễ với một chiếc bao cao su. Câu chuyện của năm 2012 về vấn đề hôn nhân đồng tính cũng được tuần báo mô tả và biếm họa ngay cả với Chúa Giesu và Đức Chúa trời.

Trong tháng 11/2011, Charli Hebdo lại xuất bản một ấn phẩm đặc biệt, coi Nhà tiên tri Mohammed như một “biên tập viên - khách mời danh dự” của nó. Trang bìa đã đăng hình biếm họa của tiên tri cùng dòng chữ “100 roi nếu bạn không chết vì cười”. Ngay trong đêm đó, văn phòng của Charli Hebdo bị đánh bom khủng bố và may mắn không có thương vong nào xảy ra.

Một ngày trước cuộc tấn công, tài khoản Facebook và Twitter của tuần báo đã đăng tải một hình ảnh châm biếm về thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo Abu Bakr al-Baghdadi với lời chúc sức khỏe tốt cho năm mới. Và trang bìa của hôm 7-1 lại xuất hiện hình ảnh trào phúng cho thấy “sự phục tùng” của người Hồi giáo Pháp dưới sự cai trị của một thủ lĩnh Hồi giáo.

4 họa sĩ của Charli Hebdo ( lần lượt trái qua phải Cabu, Tingous,Wolinski và Charb) bị khủng bố bắn chết hôm 7-1

Các chính trị gia Pháp – một trong những quốc gia châu Âu có số lượng tín đồ Hồi giáo lớn nhất, từ lâu đã hiểu rằng, Charlie Hebdo có thể thổi bùng căng thẳng văn hóa. Sau cuộc tranh cãi năm 2006, Tổng thống Pháp bấy giờ ông Jacques Chirac đã yêu cầu các cơ quan báo chí truyền thông tránh “khiêu khích và đụng chạm” đến người Hồi giáo. Trong năm 2012, cựu Thủ tướng Jean-Marc Ayrault cũng kêu gọi kiềm chế khi Charlie Hebdo đăng quá nhiều hình ảnh biếm họa về Nhà tiên tri Mohammed.

Video về vụ tấn công khủng bố 

Cùng năm đó, cảnh sát đã thẩm vấn Stephane Charbonnier – người được mệnh danh là cây bút hàng đầu về tranh biếm họa của Charlie Hebdo và được biết đến với bút danh Charb. Ông đã bị giết chết cùng với 3 họa sĩ khác trong cuộc tấn công hôm 7-1.

Mặc dù ít được biết đến bên ngoài nước Pháp, nhưng Charlie Hebdo - cái tên có nghĩa đơn giản là Charlie Weekly, là một trong những tuần báo trào phúng bán chạy của Paris, với ấn phẩm xuất bản định kỳ khoảng 100.000 bản.

Có rất nhiều ý kiến về nội dung của tuần báo nhưng các phóng viên và chủ sở hữu đã lên tiếng bảo vệ nội dung đăng tải như một quyền tự do ngôn luận và lập luận rằng, họ đang châm biếm tất cả các tôn giáo lớn. 

Vài tuần trước khi vụ khủng bố kinh hoàng vừa xảy ra khiến 12 người thiệt mạng, trong đó có cả tổng biên tập tờ báo, 2 cảnh sát đã phải canh gác bên ngoài văn phòng ở Paris nhằm đề phòng khủng bố.