Ám ảnh chuyến xe “nhồi” về quê ăn Tết

ANTĐ - Lượng xe có hạn, mà nhu cầu về quê ăn Tết lại nhiều, thành ra năm nào báo đài cũng phải có bài “lên án” tình trạng nhồi nhét khách của các nhà xe. Nhưng nói thì cứ nói, nhồi vẫn phải nhồi khi các phương án giải quyết vẫn chưa phát huy được hiệu quả. Biết là thế nên tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần cho một chuyến “chật như nêm” khi về quê ăn Tết năm nay. Nhưng thực tế thì quả là vẫn “kinh khủng” hơn tưởng tượng…

Với ba túi hàng đủ làm mỏi những người cơ bắp nhất, vợ chồng tôi quyết định chỉ có nước đón taxi ra bến xe Mỹ Đình mà thôi, chứ xe ôm hay xe buýt thì không kịp lên xe về quê.

Nhưng ngày về, Hà Nội lại mưa, khiến bắt taxi trở thành một trong những việc “khó xơi” nhất.

Ngày thường, bước chân ra phố thì chỉ dăm phút là có vài xe lao tới đón, nhưng vào thời tiết mưa dầm dề, lại giáp Tết thế này, mấy chục xe taxi đi qua đều hững hờ vẫy tay từ chối vì có khách cả.

Mãi mới “túm” được một chiếc taxi, vợ chồng tôi mừng húm “Thế này có khi còn kịp để…được ngồi trên xe khách, chỉ sợ phải đứng thì khổ”.

Tới khi cập bến Mỹ Đình, thấy là lạ…

Bến xe đông nghịt người thì đương nhiên rồi, nhưng cái lạ lúc này là chẳng thấy những phụ xe mời chào, chèo kéo khách tích cực như mọi khi, thay vào đó là cảnh người người tay xách nách mang, chen chúc nhau qua cánh cửa dường như chỉ đủ 1/3 nhu cầu qua lại. À, có lẽ hôm nay các phụ xe được quyền “kiêu” sau cả năm vật vã mời khách, vì cầu đang vượt hẳn cung mà! Thế này hứa hẹn là sẽ “nhồi” ra trò đây…

Do thay đổi vị trí đỗ nên tìm mãi mới thấy chiếc xe khách quen về nhà, vợ chồng tôi mừng rỡ leo lên. Đây là chiếc xe loại Hyundai County 29 chỗ, ngoài ghế chính thì còn ghế phụ mở bung ra ở giữa lối đi.

“Nhanh chân, nhanh chân, còn nhiều chỗ lắm!”

“Ơ đâu? Kín hết ghế rồi mà?”

Vợ chồng tôi còn chưa biết ngồi vào đâu khi thấy ghế chính thì đã kín người, lối đi giữa thì đặc hàng hoá, anh phụ xe đã hét như hô khẩu lệnh: “Hàng ghế cuối! Hàng ghế cuối! Ép vào, ép vào! Giờ ngồi 5 người một hàng! Nhanh!” (Bình thường thì mỗi hàng ghế chỉ dành cho tối đa 4 người).

Vợ chồng tôi vội lẳng luôn các túi hàng, “phó thác” cho phụ xe sắp xếp, còn mình ôm chặt chiếc balô đựng ví tiền, len lách chui lên hàng ghế cuối đang có 3 người nhìn mình với ánh mắt không mấy thiện cảm. Tất nhiên rồi, đang ngồi yên thân mà lại phải san sẻ chỗ đây mà!

“Này em, cẩn thận đôi dép của chị, đừng có giẫm vào, hỏng là đền đấy!”, vị khách nữ ở hàng ghế cuối “doạ nạt”.

“Ô hay, đông đúc thế này, người đi đâu thì dép theo đó chứ để vào chỗ người ta thế này thì ai mà tránh được?”

Vừa lên xe đã có vẻ “căng thẳng” rồi đây. Lách lựa mãi, hai vợ chồng mới yên vị được ở hàng ghế cuối, tôi ngồi được ¾ ghế, vợ tôi ngồi mớm trên 2 nửa ghế. Và thế là hành trình “o ép” bắt đầu.

“Nhanh nhanh nào! Xe rời bến bây giờ! Ngồi hàng 5 người, mau!”, tiếng phụ xe quát dồn dập.

Mỗi hàng 5 người, người ngồi trên hàng hoá (cốp xe đã chật cứng nên hàng chỉ còn nước nhét xuống dưới chân hoặc lên trên đầu), trẻ con ngồi trên đùi người lớn, cả xe đã chật nhưng may là tất cả vẫn được ngồi. Lên đường!

Khi mới chạy, xe đã đông không còn chỗ ngồi thế này đây! Ảnh: Trung Hiếu

Đi được một đoạn, chị chủ nhà xe và anh phụ xe bỗng nói như quát với khách ở gần cửa: “Cô này đứng dậy, đứng dậy nào! Xe thêm người, không thể ngồi thế được!”

Chẳng để cho vị khách kém may mắn có chút thời gian cự nự nào, hai người nhà xe mở cửa, kéo lên xe thêm 3, 4 khách nữa, tạo thành một dàn người đứng lố nhố trên xe. Hiển nhiên, tất cả nhóm này đều phải đứng, bởi thêm khách là thêm hàng hoá, thùng to thùng nhỏ, không gian chẳng còn đủ chỗ trống cho họ đặt lưng xuống ghế.

“Kín đặc thế này chắc không thêm nổi khách nào nữa”, tôi nghĩ thầm trong bụng khi xe bắt đầu tăng tốc đi hết cầu Thăng Long, qua siêu thị Me Linh Plaza.

Kétttt, kíttttttttt…

Xe bất ngờ khựng lại, tạt lề.

“Mau! Lên! Còn chỗ!”, phía nhà xe hô. Ba thanh niên trẻ, gầy (vâng, may mà gầy, kẻo không thì chắc đứng cũng… hết chỗ) lao lên xe.

“Ối giời ơi là giời ơi!”, trong xe vang lên tiếng hét thất thanh, khiến hai vợ chồng tôi giật mình tập trung về phía cửa xe xem có chuyện gì.

“Bọn bay dở hơi hay sao? Về Tết mang gì không mang, lại mang túi chăn bông”, chẳng biết lời của phía nhà xe hay hành khách khó chịu vì phải chia sẻ không gian chật chội với 3 túi chăn của khách mới lên.

Ba thanh niên cười ngượng nghịu, tỏ ra “biết lỗi” với lô hàng chiếm chỗ của mình, vì không chỉ có 3 túi chăn bông, còn thêm cả lô nước ngọt, túi quà Tết…

Tất nhiên, cả nhóm này tiếp tục hoà chung với dàn người đứng sẵn từ nãy, tạo thành đám đông lốn nhốn quanh khu vực cửa xe và những dãy ghế ở trên.

Trong khi đó, cả nữ chủ xe lẫn phụ xe loay hoay sắp xếp chỗ đứng cho khách và chỗ để loạt hàng cồng kềnh. Hàng trên ngăn xe đã kín, hàng ở dưới gầm ghế đã đầy, hàng trong cốp thì chật cứng, vậy để đống hàng mới ở đâu?

Chị chủ xe cầm luôn mấy túi chăn bông đẩy tiếp xuống các hàng ghế sau, đặt lên đầu của vị khách nào thấp bé, nhét vào tay của khách nào nhỏ người.

“Ối trời ơi, tôi già thế này, sao lại nhét chăn vào người tôi?”, một nữ hành khách cao tuổi lên tiếng.

“Bà thông cảm cho cháu, ngày Tết thì có chỗ mà ngồi là tốt lắm rồi”, chị chủ xe vừa nói động viên, vừa ấn túi chăn chặt hơn vào người bà lão.

Sau pha lèn chặt kể trên, cảm tưởng như đến không khí trong xe cũng chẳng còn chỗ để đọng lại.

Xem chừng như đã xêm xêm người, chủ xe bắt đầu đi thu tiền: “80.000 đồng cho người ngồi, 70.000 đồng cho đứng!”. Khách trong xe nhao nhao phản đối, “giá xăng thì giảm, sao lại đắt thế? Ngày thường có 50.000 đồng/lượt”.

“Ngày Tết, xe nào chẳng thu thế. Thử đi xe khác xem họ có thu thế này không?”, chủ xe đáp gọn lỏn, khi biết chắc hành khách trên xe dù gì cũng phải chấp nhận, vì đang bị lèn chặt thế này, có cho xuống thì cũng chịu. Mà chủ xe nói cũng không phải không có lý, khi tất thảy các nhà xe đều nâng giá như vậy.

“Hồi năm ngoái cô em về quê dịp này, còn ngồi đúng xe bị nó "chém" cho hơn 200.000 đồng cơ”, vợ tôi lầm rầm nói nhỏ, ý như là thế này ưu đãi lắm rồi.

Tôi bỗng nhớ tới lời kêu gọi của một vị bộ trưởng, nói rằng hãy “tẩy chay” nhà xe nào không giảm giá trong dịp xăng dầu siêu rẻ này, cũng như nhồi nhét hành khách. Nhìn lại những người trên xe đang cố gắng chịu đựng o ép để được về quê mà vẫn phải chấp nhận mức giá đắt hơn ngày thường, tôi bỗng thấy việc tẩy chay đó quả là xa vời.

Xe tiếp tục phóng nhanh trên quốc lộ. Chị chủ xe vẫn liên tay nghe điện thoại của những hành khách mong được lên xe cho kịp thời gian về quê ăn Tết.

“Cái gì? Còn chỗ ngồi không á? Giờ này thì đứng cũng phải chiếu cố cho lên xe chứ lại còn hỏi ngồi”, chị chủ xe gắt gỏng qua điện thoại. Đoạn, chị tắt phụp máy, cằn nhằn với đám đông lố nhố đang đứng vật vã ở phía trên: “Đã đi xe về Tết mà còn hỏi có chỗ ngồi không thì mới ra bắt xe. Bó tay!”

Chiếc xe, hay đúng hơn là “cái khối sắt bọc một đống người và hàng hoá chật ních bên trong”, tiếp tuc phóng nhanh trên đường. Rồi bỗng xe lại dừng, lại tạt lề…

Trời ơi, nếu thế giới mở cuộc thi đút lượng người tối đa vào xe thì hẳn nước ta phải giành giải không nhất thì nhì. Xe đông tới vậy mà họ vẫn tiếp tục nhận thêm một ông bố với hai đứa trẻ nhỏ cắp nách, kèm một người đàn ông nữa xách theo 2 thùng bia.

Và đương nhiên, lại là màn sắp xếp chỗ đứng, nhồi nhét hàng hoá.

Một trong ba cậu thanh niên kể trên bị nhét tiếp vào trong, thành ra đứng luôn lên một chiếc ghế phụ ở giữa lối đi, tì mông vào ghế chính, đầu chạm trần xe, như thể làm xiếc. “Oài, đứng thế này còn dễ chịu hơn vừa nãy”, anh chàng sung sướng kêu lên.

Trong khi đó, những hành khách mới lên xe tiếp tục đánh vật với chỗ đứng và đống hàng hoá của họ. Chị chủ xe chuẩn bị nhét tiếp một thùng bia vào tay vị khách đang ngồi, thì ông này thét lên giận dữ: “Tao không ôm bia hộ thằng nào hết! Uống thì chả được uống, lại phải ôm!”

Phản ứng mạnh mẽ của vị khách này khiến chủ nhà xe chỉ còn biết nhét thùng bia lên khoang đồ ở trên, rồi ép thật chặt, đẩy lùi xuống phía sau, khiến các hàng người ở dưới nhốn nháo: “Ối trời ơi, nó mà rơi xuống thì vỡ đầu! Coi chừng!”

Xe lại tiếp tục chạy, cả người và hàng hoá rung lên cùng một nhịp khi đi qua chỗ xóc, nhưng dường như không gian chật chội làm độ rung giảm hẳn đi, vì người ép hàng, hàng ép lại người.

Được quãng dài, xe dừng lại. “Cho gửi nhờ 2 đứa nhỏ này về…”, chưa để người đứng dưới nói hết câu, cả nhà xe và hành khách đứng phía cửa cùng hô lên từ chối, “không có người lớn thì không dám nhét đâu”.

Thế là từ giờ, các vị khách ở cửa kiêm luôn nhiệm vụ hò hét từ chối khách lên.

Bắt đầu tới đoạn đường xóc hơn, “oẹ, ặc, oẹ, phì phì”… Một nữ hành khách có tuổi khởi động “màn” nôn dữ dội trên chiếc xe chật cứng.

“Ối trời ơi, kinh quá! Thế này bảo sao người khác không… Oẹ, ặc, oẹ!”, chưa nói hết câu, vị khách nữ ở dưới cũng bị nôn “dây chuyền” theo, khiến những người xung quanh co rúm, ngả nghiêng để tránh như một phản xạ, càng làm không gian chật chội thêm rung lắc.

Chứng kiến cảnh đó, vị khách nữ khó chịu ngồi cạnh vợ chồng tôi (mà vẫn ôm khư khư đôi dép sợ bị mọi người giẫm lên) luôn miệng rền rĩ: “Ôi ôi mọi người ơi, tôi bị ốm, mấy ngày nay tôi bị ốm đấy, đừng có mà ép tôi nữa, ối giời ơi!”

Thấy mấy khách nôn quá nhiều, hành khách nam lên muộn đang phải đứng bằng một chân vừa cười vừa… khuyên: “Cầm 2 cái quai túi nilông ấy, đeo vào tai như đeo khẩu trang ý, thế là có ngay công cụ chuyên dụng cho… nôn, đỡ phải cầm, mỏi tay”.

Cả đám đông đứng vật vờ phía trên xe cười ồ lên, kéo theo những nụ cười muộn của những hành khách đang ngồi phía sau – dù ngồi nhưng cũng bị hàng hoá chèn trên chèn dưới.

Tôi cũng cười, thấy thú vị. Hoá ra trong cái hoàn cảnh tưởng như kinh khủng nhất thế này, nhiều người vẫn rất vô tư. Nụ cười của họ làm cho không khí trong xe giãn bớt ra, người ta có lý do để tin rằng “thế này vẫn chưa phải là tận cùng khốn khổ”.

Rồi chính những người đang đứng ép chặt nhau như người ta vẫn nén bánh chưng cho rền vào Tết ấy, lại tiếp tục cười đùa, góp vui bằng dăm ba câu chuyện ngắn, giúp cho đường xa trở nên gần hơn.

Cứ đi rồi sẽ đến, rồi cũng tới lúc có người xuống xe, không gian được giãn ra. Họ chia tay nhau bằng những lời chúc năm mới tốt đẹp, họ bỏ quên rất nhanh cái ám ảnh chật chội vừa phải trải qua để hướng tới những điều ý nghĩa đang chờ đợi trước mắt.

Đấy! Xe có đông tới mấy, người ta vẫn chấp nhận, vì phía trước họ là cái Tết với sự chờ đợi, mong ngóng của cả một gia đình!

Dưới đây là clip ghi lại cảnh "đông mà vui" trên chuyến xe, sau khi đã có một số khách xuống xe để không gian bớt ngột ngạt: