Ấm lòng người dân vùng lũ (xem video)

(ANTĐ) - Trong những ngày qua, Đoàn công tác xã hội Báo An ninh Thủ đô đã khẩn cấp cứu trợ người dân miền Trung bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ. Những phần quà cứu trợ của một số đơn vị, doanh nghiệp và Báo ANTĐ không chỉ có ý nghĩa về vật chất mà cao hơn cả là nghĩa tình của Báo ANTĐ cũng như tấm lòng của người dân Thủ đô với “khúc ruột” miền Trung quanh năm đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt. Trong cái lạnh và mênh mông nước ngập, hàng nghìn hộ gia đình vùng lũ đã thực sự ấm lòng...

Ấm lòng người dân vùng lũ (xem video)

(ANTĐ) - Trong những ngày qua, Đoàn công tác xã hội Báo An ninh Thủ đô đã khẩn cấp cứu trợ người dân miền Trung bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ. Những phần quà cứu trợ của một số đơn vị, doanh nghiệp và Báo ANTĐ không chỉ có ý nghĩa về vật chất mà cao hơn cả là nghĩa tình của Báo ANTĐ cũng như tấm lòng của người dân Thủ đô với “khúc ruột” miền Trung quanh năm đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt. Trong cái lạnh và mênh mông nước ngập, hàng nghìn hộ gia đình vùng lũ đã thực sự ấm lòng...

Đoàn Công tác xã hội Báo An ninh Thủ đô khẩn cấp cứu trợ người dân miền Trung bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ

Lên đường!

Sáng 13-11, quyết định đến với người dân bị thiên tai ở miền Trung được đưa ra và được thực hiện ngay. Có 3 đơn vị thông qua Báo An ninh Thủ đô ủng hộ bà con miền Trung 70 triệu đồng. Ban Biên tập quyết định trích thêm tiền từ Quỹ xã hội từ thiện “Bầu ơi, thương lấy bí cùng” và số tiền do cán bộ, chiến sĩ Báo An ninh Thủ đô ủng hộ để mua 10 nghìn cơ số thuốc, phương tiện khám chữa bệnh các loại, 8 tấn gạo, có doanh nghiệp tặng 120 chăn bông, 1.000 hộp sữa...

Đến 22 giờ, mọi vật dụng, hàng hóa đã được xếp đầy 2 chiếc xe tải lớn. Đích thân Tổng Biên tập Đào Lê Bình, người dẫn đầu đoàn cứu trợ phát lệnh khởi hành.

Đoàn xe gấp rút lên đường hướng về miền Trung. Con đường  như bị cuốn vào gầm xe. Xe chạy suốt đêm khi ngoài trời lúc mưa, lúc tạnh. Trên đài phát thanh, những con số thiệt hại, thông tin về các khu dân cư bị cô lập liên tục được cập nhật.

Những thành viên trong đoàn ai cũng mong đến  thật nhanh với bà con. Dù vậy, do đường nhiều đoạn bị sạt lở, lại mưa trơn nên phải đến 15 giờ chiều 14-11, đoàn mới tới được thị xã Đông Hà, thủ phủ của tỉnh Quảng Trị.

Làm vệ sinh môi trường sau khi lũ rút ở thành phố Huế

Làm vệ sinh môi trường sau khi lũ rút ở thành phố Huế

Vào vùng rốn lũ...

Đại tá Ngô Quận, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, diễn biến lũ vẫn “rất căng”. Lực lượng công an đã làm hết sức, cùng các lực lượng khác trong việc giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. “Trong cơn hoạn nạn, sự quan tâm của Báo ANTĐ là rất kịp thời và vô cùng đáng quý, đáng trân trọng. Nhưng cao hơn cả là việc làm này thể hiện nghĩa tình, tấm lòng của người dân Thủ đô đối với Quảng Trị” - Đại tá Ngô Quận nhấn mạnh.

Sau khi chuyển quà cứu trợ cho bà con xã Hải Trường, huyện Hải Lăng, chúng tôi được hướng dẫn về xã Hải Thọ. Đường về các xã vùng ven biển thật khó khăn. Thi thoảng lại có đoạn bị chìm trong nước. Xe bị sa lầy, có lúc phải tìm đường khác. Đường từ Diên Xanh đi các xã Hải Thiện, Hải Thành, Hải Quế, Hải Dương, Hải Khê, Hải Ba, Hải An... bị cắt đứt.

Lũ đã rút từng phần nhưng nhiều đoạn vẫn ngập sâu hàng mét, xe không thể bò qua. Trời gần tối, đoàn mới tới được xã Hải Thọ. Huyện Hải Lăng là vùng rốn lũ bởi lẽ có cốt âm 0,8m so với mực nước biển. Nước biển bị ngăn lại bởi các cồn cát trắng ở ven bờ.

Khoát tay chỉ vùng sóng nước mênh mông, một lão nông ở xã Hải Thọ buồn rầu: “Đây là vùng rốn lũ. Hầu như năm nào cũng bị ngập. Năm nay, đã có 4 trận mưa lũ chồng lên nhau ở vùng đất này”.

Chưa biết khi nào nước ở đây rút hết. Bởi nơi đây là đầu nguồn đổ ra phá Tam Giang ở Huế, nên chỉ khi nào nước các sông ở Huế hạ xuống thì nước ở Hải Thọ, Hải Lăng mới giảm theo.

Đón nhận chăn ấm của đồng bào Thủ đô
Đón nhận chăn ấm của đồng bào Thủ đô

Ông Nguyễn Dư Thụy, Chủ tịch UBND xã Hải Thọ cung cấp thông tin, toàn xã có 1.347 hộ (6.476 khẩu) thì 40% số đó bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ. Hàng trăm hộ dân bị cô lập hoàn toàn. Tình trạng thiếu lương thực, nước sạch rất nghiêm trọng.

Rất nhiều gia đình phải cầm cự với lũ bằng cách ăn mì tôm sống. Hết gạo đã đành, nhiều nhà còn gạo cũng không có nước, có củi khô để nấu. Môi trường có dấu hiệu rất xấu khi muỗi và những con thiêu thân cứ trạt kín vào đầu xe.

Một trong những hộ bị thiệt hại nặng nề nhất xã là gia đình anh Nguyễn Trí Dũng ở thôn 4, xã Hải Thọ. Mới 37 tuổi nhưng vợ chồng anh đã có tới 8 mụn con nheo nhóc.

Căn nhà xiêu vẹo chứa 10 con người đã bị sập vì mưa lũ. Cái đói, cái rét cứ rình rập hàng ngày. Thế nên, khi được chia tới 50kg gạo, cùng chăn ấm và mì tôm, anh như không tin được vào mắt mình. Anh luôn miệng: “Cảm ơn Báo An ninh Thủ đô, cảm ơn người Hà Nội”.

Nhìn cảnh sông nước trắng trời, ông Trần Ngọc ánh, Bí thư Huyện ủy Hải Lăng bần thần: “Mưa lũ còn diễn biến phức tạp lắm. Dân gian ở đây có câu: “Ông tha nhưng bà chẳng tha, gây ra cái lụt 23 tháng 10” (lịch âm - PV). Nước chưa biết khi nào rút hết, nếu năm nay “bà chẳng tha” thật, thì hậu họa thật khôn lường”.

Thương về cố đô...

Chúng tôi có mặt tại Huế lúc 10 giờ ngày 15-11. Nước đã rút hết trên các tuyến phố nội đô, để lại những lớp bùn đặc quánh. Các đơn vị vệ sinh môi trường đã làm việc suốt ngày đêm để thu dọn và rửa hè đường.

Cùng đi với Đoàn công tác xã hội Báo ANTĐ về xã Thủy Vân, huyện Hương Thủy và phường Hương Sơ, TP Huế, đồng chí Phạm Văn Đức, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế bày tỏ: “Báo ANTĐ như có duyên nợ với miền Trung, với Huế. Năm nay, Huế bị thiệt hại rất nặng nề về vật chất, nhưng nhờ triển khai “5 tại chỗ”, bổ sung thêm “quản lý tại chỗ” sau mưa lũ nên chỉ có 2 người bị thiệt mạng. Kinh nghiệm này của Huế đã được Chính phủ  nhân rộng ra các địa phương khác nhằm hạn chế thiệt hại về người sau lũ”.

Tại 2 nơi này, Đoàn công tác xã hội Báo ANTĐ đã chuyển đến bà con 4 tấn gạo, 3.000 cơ số thuốc... Cùng lúc, đồng chí Tổng Biên tập Đào Lê Bình nhận được điện thoại của bà Nguyễn Thị Minh Huệ, Phó Trưởng phòng Thi đua tuyên truyền, Công ty Điện lực Hà Nội gọi điện thoại đề nghị ủng hộ 1 triệu đồng để mua mì tôm giúp đỡ bà con vùng lũ. Đoàn công tác cảm ơn và nhanh chóng thực hiện việc làm đầy ý nghĩa của bà Huệ.

Đường về!

Lũ đang xuống nhưng những ảnh hưởng đến đời sống người dân chắc chắn còn kéo dài. Mà số lương thực, thuốc men... do Báo ANTĐ và các doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ không thấm vào đâu so với những thiệt hại liên tiếp ở miền Trung.

Hoàn thành việc chuyển quà cứu trợ, trên đường về Hà Nội, nhớ lại cảnh những mẹ ở Huế rơm rớm nước mắt khi nhận quà cứu trợ, chúng tôi rất muốn làm được nhiều hơn cho đồng bào mình.

Đường về, mưa vẫn lạnh, nhưng chúng tôi biết rằng, bà con vùng lũ nơi đoàn đi qua sẽ ấm lòng hơn bởi nghĩa tình của người dân Thủ đô luôn nồng ấm.

Hà Phương

Ảnh: Việt Anh