Vì những đồng đội vẫn còn đâu đó

ANTĐ - Chiến tranh đã lùi vào quá khứ, nhưng vẫn còn đó những mất mát, đau thương, những nỗi trăn trở khôn nguôi. Theo thống kê trên toàn quốc khoảng hơn 1 triệu liệt sĩ đã hy sinh, đến nay dù đã nỗ lực tìm kiếm nhưng chúng ta cũng mới quy tập được khoảng hơn 900 nghìn hài cốt, 1/3 trong số đó chưa xác định được tên tuổi, quê quán, trong khi đó vẫn còn khoảng hơn 100 nghìn liệt sĩ còn nằm lại đâu đó nơi con suối, góc rừng chưa được quy tập vào nghĩa trang nào… Đó là nỗi trăn trở lớn nhất mà những người thành lập nên và hiện công tác tại Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam vẫn ngày đêm nỗ lực kiếm tìm để đưa các anh về với người thân…

Vì những đồng đội vẫn còn đâu đó ảnh 1Đại diện Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam thắp hương trong lễ truy điệu liệt sĩ 
được xác định danh tính

Nếu không nhanh sẽ không còn kịp

Vẫn biết thời gian và những trở ngại vô hình đôi khi sức người không cưỡng nổi, nhưng đối với những cán bộ công tác tại Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam thì còn hy vọng họ vẫn sẽ làm hết sức có thể để đưa các anh về trước khi quá muộn. Với họ, càng làm cẩn thận bao nhiêu thì càng cảm thấy mình còn thiếu sót nhiều, và lúc nào nỗi lo “không còn kịp” cũng thường trực, thôi thúc họ không được dừng bước. Có những hài cốt liệt sĩ còn nằm đâu đó ở nơi rừng xanh núi đỏ, ở những ngôi mộ chưa biết tên có khi đã trên dưới nửa thế kỷ, hy vọng đưa họ về với quê hương ngày càng mong manh. Trong khi đó ở quê hương, đã có những người mẹ, người vợ đã không chờ được ngày về của con, của chồng, có những Mẹ Việt Nam Anh hùng chỉ còn sức để ngóng trông, khắc khoải nhìn thấy xương cốt con một lần rồi nhắm mắt xuôi tay, có những người vợ cả đời sống trong day dứt khi chưa đưa được chồng về bên cạnh vợ con, có những người con khi cha hy sinh còn chưa biết gì, thậm chí chưa sinh ra nhưng vẫn mỏi mòn tìm…

Đa phần cán bộ công tác tại Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đều là cựu chiến binh, là con liệt sĩ hay những cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc các cơ quan Trung ương và địa phương đã từng trải qua các cuộc chiến tranh và hoạt động thực tiễn trên nhiều lĩnh vực, bởi vậy hơn ai hết họ hiểu nỗi đau của thân nhân liệt sĩ khi chưa đưa được người thân về quê hương. Đại tá Nguyễn Hùng Phong - Phó Chủ tịch Thường trực Hội chia sẻ, bản thân ông đã trải qua những trận chiến mà phần lớn đồng đội đã hy sinh, và chính gia đình ông cũng đang khắc khoải mong ngóng thông tin về hài cốt liệt sĩ gia đình mình nên ông coi công việc mình đang làm là trách nhiệm và sẽ làm đến khi không còn sức nữa.

 “Tôi 10 năm chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, chỉ tính riêng Trung đoàn tôi, số quân hy sinh cộng lại đã bằng… hai Trung đoàn (hơn 2.000 quân). Liệt sỹ Nguyễn Anh Cường, anh trai tôi là Tiểu đoàn trưởng 1 tiểu đoàn tên lửa mặt đất, trong trận đầu tiên ở Tây Nguyên đánh vào căn cứ Lệ Thanh dù đã tiêu diệt được nhiều giặc Mỹ nhưng sau đó bị địch phản pháo chiếm lại căn cứ, anh tôi đã hy sinh không tìm thấy xác. Dù đã tìm kiếm từ mọi nguồn thông tin, có khi đi hàng tháng trời, đào cả vạt rừng mà vẫn không thấy hài cốt của anh. Gia đình tôi đành phải chấp nhận khả năng sẽ mãi mãi không tìm thấy hài cốt anh tôi, vì có thể địch đã mang xác anh tiêu hủy ở đâu đó… Chiến tranh qua đi, có bao gia đình cũng như gia đình tôi, đó là thôi thúc lớn nhất để chúng tôi mong muốn tạo nên một cầu nối thiết thực nhất giúp gia đình liệt sĩ sớm tìm lại được hài cốt người thân” - Đại tá Nguyễn Hùng Phong tâm sự.

Trả lại tên cho các anh

Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam ra đời năm 2010 với tôn chỉ mục đích nhằm: Hỗ trợ các gia đình liệt sĩ tiếp cận, thực hiện các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước; Góp phần giúp các gia đình liệt sĩ thu nhập thông tin, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ còn thất lạc hoặc chưa xác định được danh tính; Tham gia nghiên cứu và đề xuất với các cơ quan quản lý Nhà nước về các giải pháp thực hiện chế độ chính sách tôn vinh và tri ân các Anh hùng liệt sĩ và gia đình liệt sĩ… Qua gần 5 năm hoạt động, Hội đã tư vấn thông tin giúp đỡ tìm kiếm liệt sỹ cho hàng trăm nghìn trường hợp, thực hiện nhiều hoạt động tri ân các gia đình liệt sỹ, hướng dẫn và hỗ trợ kinh phí giám định ADN để xác minh danh tính cho hàng trăm trường hợp gia đình liệt sĩ… Trung bình mỗi ngày có khoảng 20-30 thông tin (trực tiếp, qua thư bưu điện, điện thoại, thư điện tử…) được gửi đến Hội. 

Để xác định một cách chính xác nhất danh tính liệt sĩ, Hội đã ký với Viện Công nghệ Sinh học thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Pháp y quân đội “Hợp đồng giám định gen hài cốt liệt sĩ”, cùng thực hiện nghĩa cử đền ơn đáp nghĩa; cùng tiến hành công việc để định danh hài cốt liệt sĩ với phương châm miễn phí, đúng quy định pháp lý. Theo Trung tá Phan Sỹ Thao (Trưởng Ban Tuyên truyền của Hội) thì trong chiến tranh hầu hết các liệt sĩ khi hy sinh, đơn vị đều gửi giấy báo tử về nhà. Nhưng do việc bảo đảm tuyệt mật thông tin nên giấy báo tử thường chỉ ghi tên, còn tên đơn vị cũng như địa điểm trận đánh hoặc nơi chôn cất các anh đều được ghi bằng ký hiệu. Đó chính là khó khăn lớn của gia đình và xã hội trong quá trình tìm hiếm hài cốt liệt sĩ. Nhiều trường hợp nhận được giấy báo tử ghi bằng những ký hiệu, phiên hiệu nên dù cầm tờ giấy báo tử ấy đi hàng chục năm, qua nhiều nơi vẫn vô vọng… 

Chính vì vậy, nhiều gia đình đã phải “bấu víu” vào những niềm tin tâm linh, tin vào những phương pháp thiếu cơ sở việc “bốc nhầm” hài cốt liệt sĩ khác hay một mộ liệt sĩ có đến 3-4 gia đình cùng nhận. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến gia đình họ, mà còn khiến những gia đình liệt sĩ khác bớt dần cơ hội tìm thấy người thân (vì hài cốt người thân của họ đã bị gia đình khác mang về thờ cúng). Vì vậy, một trong những hoạt động quan trọng của Hội là giúp đỡ các gia đình liệt sĩ trong việc giám định ADN. Đến nay đã có trên 400 hài cốt liệt sĩ được xác định danh tính bằng phương pháp giám định ADN. Đây là phương pháp khoa học chính xác nhất để giúp gia đình liệt sĩ xác định đúng người thân của mình.

Cầu nối thiết thực

Từ khi ra đời đến nay, Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã trở thành cầu nối thiết thực, không chỉ kết nối gia đình liệt sĩ đến các kênh thông tin để tìm ra manh mối nơi chôn cất người thân mà Hội còn trở thành địa điểm quen thuộc của nhiều cựu chiến binh tâm huyết với công việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Đã có những người như cựu chiến binh Nguyễn Duy Quyết (Định Hóa, Thái Nguyên), người vẫn hàng ngày, hàng giờ viết thư gửi đến các cơ quan, đơn vị chức năng và thân nhân gia đình liệt sĩ để thông tin về nơi chôn cất hài cốt liệt sĩ, sau khi biết tin về Hội ông đã tìm đến đây để chia sẻ những thông tin về liệt sĩ mà mình có được và coi Hội như cầu nối để kết nối với các gia đình liệt sĩ và kiểm nghiệm chính xác hơn kết quả mình tìm kiếm. Đến nay ông đã tìm kiếm được trên 500 hài cốt liệt sĩ có đầy đủ danh tính và được quy tập về các Nghĩa trang Quốc gia cũng như nghĩa trang quê hương.

Ông Quyết kể rằng, anh ruột ông, liệt sỹ Nguyễn Văn Cao đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước năm 1972, đến nay dù đã bỏ nhiều công sức tìm kiếm nhưng vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Thấu hiểu nỗi đau ấy, và cả chứng kiến nỗi khắc khoải mong con của những người mẹ, và cũng từng là một người lính, ông đã quyết định đi tìm đồng đội. Ông tâm sự: “Là cán bộ làm công tác Quân lực, tôi thường xuyên phải ghi số cán bộ, chiến sĩ hy sinh, mỗi lần quân số đơn vị thấp xuống, tim tôi lại nhói đau. Tôi đã chiến đấu cùng họ, đã chính tay mình chôn cất nhiều đồng đội, vì vậy tôi cảm thấy có lỗi với đồng đội nếu không cùng gia đình đi tìm họ về…”.

Ngoài việc tìm lại tài liệu mà mình còn giữ được, ông Quyết còn trực tiếp đến các phòng chính sách các Quân khu 5,7,9 và các đơn vị để lấy tư liệu. Điều quan trọng là phải tìm và đối chiếu từng danh sách liệt sĩ với bản sơ đồ mộ chí của từng trận đánh, của từng đơn vị tiếp đó đi khảo sát tại các địa điểm theo sơ đồ mai táng ở các vùng chiến sự năm xưa.

Ông Quyết kể một số trường hợp điển hình: “Như trường hợp danh sách 14 liệt sĩ hy sinh tại cao điểm 201 (núi Hòn Chông) thuộc xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, sau khi viết thư cung cấp thông tin về liệt sĩ cho gia đình như: họ tên liệt sĩ, ngày tháng nhập ngũ, đơn vị nhập ngũ, quê quán liệt sĩ, trường hợp hy sinh,  nơi hy sinh và địa điểm mai táng liệt sĩ sau trận chiến đấu. Khi các gia đình nhận được thư, tôi mời các gia đình cùng đi vào tận nơi và đào theo sơ đồ tìm được đủ 14 hài cốt liệt sĩ được chôn cất theo đúng số thứ tự theo sơ đồ và số thứ tự danh sách liệt sĩ. Khi tìm thấy, các gia đình rất phấn khởi nhận hài cốt chuyển về mai táng tại nghĩa trang quê hương. Hay có lần tôi cung cấp danh sách 9 liệt sĩ hy sinh ở đồi Bãi Ớt,  xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương tỉnh Kiên Giang để Đội quy tập K92 Kiên Giang  cùng các gia đình vào tìm, khi đào lên chỉ tìm thấy 8 hài cốt còn một hài cốt không tìm thấy. Vì vậy các gia đình đề nghị Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam gửi đi giám định ADN, kết quả tìm được danh tính cả 8 liệt sĩ. Tháng 4 năm 2012 tôi cũng thông tin giúp 8 gia đình liệt sĩ tìm được hài cốt và đã được  Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam giám định ADN, kết quả đúng danh tính 8 liệt sĩ mà Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam tổ chức trao cho các gia đình”.

Từ những thông tin có được và sự hỗ trợ của mình Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã mang đến niềm xúc động cho hàng trăm gia đình. Có trường hợp, như gia đình chị Trương Thị Phượng (quê Văn Khê, Mê Linh, Vĩnh Phúc) sau nhiều năm lặn lội tìm mộ liệt sĩ Đinh Văn Động mà không thấy. Đầu năm 2011, gia đình chị được một nhà ngoại cảm ở Hà Nam hướng dẫn đến một bìa rừng thuộc tỉnh Tây Ninh để… bốc một nắm đất đen đem về nghĩa trang liệt sĩ của quê nhà. Đến tháng 10-2011, biết tin Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, chị đã tìm đến hội và được Hội hướng dẫn, tra cứu. Thật may mắn vì thông tin về bác chị đã có, liệt sĩ Đinh Văn Động hy sinh ngày 25-8-1968 đã được quy tập về Nghĩa trang Trảng Bàng - Tây Ninh. Hay có bà Mẹ Việt Nam Anh hùng hơn 90 tuổi rưng rưng xúc động, vì đã trên 30 năm tìm hài cốt hai con là liệt sĩ mà không thấy, đến khi có được sự hỗ trợ thông tin từ Hội đã đưa được các con về quê hương. Có người con trai có cha hy sinh khi còn đỏ hỏn, khi nhận được cuộc điện thoại từ Hội về kết quả xét nghiệm ADN đã vứt cuốc, vứt cày phóng một mạch xe máy từ Thái Bình lên Hà Nội để nói lời cảm ơn đến các cán bộ Hội. Những câu chuyện xúc động như thế, vẫn đang được các cán bộ Hội ngày đêm viết tiếp.