Truy tìm tội phạm từ những mẫu vật giám định

ANTĐ - Có lẽ không thể thống kê được bao nhiêu vụ án mà chỉ từ một vài dấu vết rất nhỏ, hung thủ cẩn thận đeo găng tay khi gây án, xóa dấu vết hiện trường, tạo hiện trường giả, xóa dấu vết, thủ tiêu chứng cứ… nhưng bằng kiến thức và phương pháp điều tra khoa học, các chiến sĩ khoa học hình sự đã vạch mặt bọn tội phạm, buộc hung thủ phải cúi đầu nhận tội. Họ được mệnh danh là những người “giải mã” tội phạm và đã góp phần vào thành công của những chuyên án, đem đến sự bình yên cho nhân dân.
Truy tìm tội phạm từ những mẫu vật giám định  ảnh 1

Địa điểm “gửi vàng”  

Mỗi khi có vụ án hình sự xảy ra, khi được trình báo, lượng lượng Công an đều tổ chức khám nghiệm hiện trường và thu thập tất cả các tình tiết dù là nhỏ nhất có liên quan. Những chứng cứ này đều được CQĐT gửi về Trung tâm Giám định sinh học pháp lý (GĐSHPL), Viện Khoa học hình sự (KHHS), Bộ Công an để giám định gen (AND). Trước năm 1999, Trung tâm có tên Giám định pháp y sinh vật. Nhiệm vụ của các CBCS là giám định các dấu vết của các CQĐT gửi đến có nguồn gốc từ cơ thể người như lông, tóc, chất bài tiết, dịch tiết… kết quả cuối cùng được truy nguyên ra nhóm máu. Từ kết luận này, CQĐT có thể loại trừ đối tượng có hay không tham gia vụ án. Tuy nhiên, để xác định đúng đối tượng nghi vấn của vụ án thì phương pháp này còn bộc lộ nhiều hạn chế bởi người có cùng nhóm máu rất nhiều và đối tượng nghi vấn của một vụ án không hề ít. 

Tháng 4-1999, Trung tâm GĐSHPL được thành lập, cũng từ đây, rất nhiều các mẫu giám định của các vụ án đã được gửi đến để nhờ hỗ trợ. Số lượng giám định cứ tăng dần lên theo năm tháng. Tính trung bình một năm, lực lượng CBCS của Trung tâm đã giám định khoảng trên 500 vụ với hơn 1.000 mẫu. Với hệ thống phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế, công nghệ giám định gen tự động, hệ thống giải trình tự gen, phân tích gen… các kết quả phân tích đạt độ chính xác tới 99,97% - 99,98%. 

Xác định hung thủ 30 vụ án hiếp dâm

Có thể nói, các kết quả phân tích gen của Trung tâm nói riêng, của Viện KHHS nói chung đã đáp ứng kịp thời, hiệu quả, cung cấp chứng cứ khách quan, chính xác giúp CQĐT xử lý đúng người, đúng tội, rút ngắn thời gian điều tra và đưa hung thủ ra trước ánh sáng của công lý. Nhiều vụ án giết người, xâm hại tình dục, tai nạn giao thông, nhận diện nạn nhân chết trong các vụ hỏa hoạn, thiên tai… đã nhanh chóng được xác định. 

Hầu hết CBCS, các giám định viên Trung tâm đều nhớ vụ án hiếp dâm xảy ra tại huyện Kim Động, Hưng Yên. Chỉ trong vòng 2 năm mà trên địa bàn của huyện này xảy ra tới gần 30 vụ hiếp dâm, cướp tài sản. Đối tượng là 1 người đàn ông tầm thước, thường đội mũ len che kín mặt chỉ để hở 2 mắt. Không chỉ rình rập ngoài đường bắt các nạn nhân rồi đe dọa, khống chế đưa vào sâu trong các cánh đồng ngô, nghĩa trang vắng người để trộm cắp và hãm hiếp, hắn còn đột nhập vào các nhà riêng, chỉ có phụ nữ ở nhà để giở trò đồi bại. Khi khống chế nạn nhân, hắn dùng đèn pin chiếu thẳng vào mặt và dùng dao đe dọa để cướp tài sản. Khi giở trò đồi bại, hắn cũng rất tinh vi dùng quần áo che mặt nạn nhân để tránh nhận dạng… Công an tỉnh Hưng Yên đã lập chuyên án điều tra, tung vào cuộc hàng chục các mũi trinh sát để xác định tung tích tên tội phạm nguy hiểm. Tuy nhiên, tên “yêu râu xanh” này rất tinh vi xảo quyệt và vẫn ở ngoài vòng pháp luật.

Sau khi thu thập các chứng cứ có tại hiện trường, đặc biệt là các mẫu tinh trùng mà đối tượng nghi vấn để lại, CQĐT Công an tỉnh Hưng yên đã gửi các mẫu giám định thu thập được lên Viện KHHS, Bộ Công an. Nhận được quyết định trưng cầu giám định gửi đến, các giám định viên của Trung tâm GĐSHPL đã tập trung phân tích các dấu vết. Phân tích các dấu vết tinh dịch của thủ phạm để lại sau khi cưỡng hiếp nạn nhân tất cả các vụ án đã xảy ra trước đó, kết quả giám định ADN cho thấy: Các vụ án đều do cùng 1 đối tượng gây ra. Đây là chứng cứ cực kỳ quan trọng giúp CQĐT có những định hướng chính xác trong việc truy tìm đối tượng. 

Trong khi các biện pháp nghiệp vụ đang được triển khai thì vào 1 đêm, tại nhà chị Nguyễn Thị C., ở Kim Động, Hưng Yên xảy ra một vụ cướp. Đối tượng là 1 người đàn ông trùm mũ len kín mặt chỉ để hở 2 mắt, dùng dao nhọn khống chế chị C. cướp tài sản. Sau khi đe dọa, khống chế đòi quan hệ với chị C. không thành, y đã nhảy qua cửa sau biến mất. Qua những dấu vết mà y để lại, chân dung đối tượng được xác định, Phạm Văn Tắng (SN 1960), ở Song Mai, Kim Động, Hưng Yên. Tắng bị bắt giữ ngay sau đó.

Trước những chứng cứ không thể chối cãi, hắn đã khai nhận toàn bộ quá trình đột nhập vào đe dọa, cướp tài sản tại nhà chị C. So quy luật hoạt động, thủ đoạn, phương thức gây án của các vụ án đã xảy ra trên địa bàn trước đó với thủ đoạn gây án của Tắng, CQĐT nhận định nhiều khả năng Tắng chính là kẻ gây ra hàng loạt các vụ án trong thời gian qua. Tuy nhiên, với bản tính lì lợm, ngoan cố, đã từng có 3 tiền án nên Tắng rất khôn ngoan trong việc trốn tránh lời khai báo hòng thoát tội. Tắng chỉ nhận những vụ trộm cắp mà CQĐT đã có đủ chứng cứ, còn lại hắn khăng khăng cho rằng mình vô tội. Công an tỉnh Hưng Yên đã quyết định lấy mẫu của Tắng để giám định ADN. Kết quả phân tích mẫu gen của Tắng hoàn toàn trùng khớp với mẫu gen trong các dấu vết tinh dịch thu được trong các vụ án cướp, hiếp đã xảy ra trước đó. Với những bằng chứng rõ ràng, không thể chối cãi, Phạm Văn Tắng đã phải nhận tội. 

Từ 1 vết máu để lại 

Trong tất cả những trường hợp chết người, người Cảnh sát kỹ thuật hình sự đều phải nhanh chóng có mặt tại hiện trường, lật tìm từng thông tin dù là nhỏ nhất của vụ việc để giải đáp và tìm ra chân tướng của vụ việc, lý giải sự công bằng cho người xấu số. Với các CBCS ở Trung tâm GĐSHPL cũng không nằm ngoài quy luật đó. Vào một buổi chiều, điện thoại tại Trung tâm GĐSHPL reo liên hồi. Sau khi tiếp nhận điện thoại, các giám định viên của 3 đội khám nghiệm hiện trường gồm Đội vân tay, Đội pháp y và Đội dấu vết máu lập tức lên đường hướng về tỉnh Vĩnh Phúc khám nghiệm 1 vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Vụ án xảy ra tại nhà bà Lăng Thị Thủ, ở khu dân cư số 1, phường Liên Bảo, TP Vĩnh Yên. Có mặt tại hiện trường, các giám định viên phát hiện trên két sắt có 1 dấu máu còn tươi. Dấu máu và dấu vân tay có trên két sắt lập tức được thu thập, đồng thời tiếp tục khám nghiệm hiện trường không để sót bất kỳ chi tiết nào mà hung thủ để lại. Từ nền nhà phòng khách đi vào bếp, dấu máu nhỏ giọt nhưng rất nhỏ và bị dấu giày đè lên. Liệu chỉ có 1 hay nhiều đối tượng tham gia vụ án? Do thời điểm gây án là mùa đông nên việc bà Thủ mặc nhiều áo, tuy vậy, do lớp áo có nỉ nên khi bị đâm, máu thấm vào lớp nỉ này chứ không bị chảy ra ngoài... 

Qua công tác giám định ADN và xác định dấu vân tay mà hung thủ để lại trên két sắt kết luận tất cả các dấu vết để lại tại hiện trường do 1 hung thủ gây ra. Vết máu trên két sắt là của hung thủ chứ không phải là những vết máu để lại trên sàn nhà. Rất có thể, trong lúc cậy két sắt khiến hung thủ chảy máu mà không biết. Kết quả này đã “dựng” lên nghi vấn số 1 của vụ án là Phạm Thế Thuần (SN 1986), ở xã Điêu Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Thuần là công nhân hợp đồng Xí nghiệp Quản lý đường bộ I Vĩnh Yên, thuộc Sở Giao thông Vận tải Vĩnh Phúc (chồng bà Thủ là Giám đốc Sở GTVT Vĩnh Phúc). Do không hoàn thành công việc, có biểu hiện chây lười và chểnh mảng trong lao động nên y bị sa thải. Sau khi bị bắt, Thuần thú nhận nghĩ mình bị ông Thuận sa thải một cách vô cớ nên nảy ra ý định trả thù. Và chính vết máu mà y để lại trên két sắt cùng với các tang vật khác mà các giám định viên, trinh sát thu thập được đã trở thành những bằng chứng mà y không thể chối cãi… 

Vì sự bình yên của nhân dân

Đi qua rất nhiều những vụ án, đến khi kết thúc, tội phạm phải trả giá là không ít những kỷ niệm khó quên trong cuộc đời làm nghề của các giám định viên Viện KHHS, Bộ Công an. Theo tâm sự của một đồng chí lãnh đạo Trung tâm GĐSHPL: “Đã là lính khoa học hình sự, nhiều khi công việc làm đêm, làm ngày mà vẫn chưa ra được kết quả. Anh em điều tra cũng túc trực mong chờ kết quả nên mình vừa phải hoàn thành sớm, vừa phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình giám định, tuyệt đối không thể xảy ra bất kỳ sai sót nào. Có lẽ hiểu được điều đó nên anh em trong trung tâm không chỉ kiên trì, nhẫn nại mà còn phải quyết tâm với công việc đang gắn bó”. 

Thực tế khi các CQĐT gửi mẫu giám định đến, việc đầu tiên là của các anh là tiếp nhận mẫu. Thao tác này phải đặc biệt lưu ý đến phiếu trưng cầu giám định của đơn vị có yêu cầu. Tiếp theo, cán bộ giám định kiểm tra các mẫu có đúng như trong phiếu trưng cầu giám định gửi đến hay không; kiểm tra nội dung giám định của CQĐT là gì. Sau đó, tùy theo từng loại mẫu sẽ được đưa vào môi trường không bị biến tính và bắt đầu được tách chiết. Giám định gen (ADN) gồm 2 loại: Giám định ADN trong nhân tế bào và giám định ADN trong tế bào chất (giám định ADN ti thể). Để truy nguyên cá thể và xác định huyết thống, người ta thường dùng phương pháp phân tích ADN trong nhân tế bào. Lợi thế của phương pháp này là ưu thế về độ chính xác cao, các mẫu giám định có thể là lông, tóc (còn tế bào gốc), máu, mô cơ, tinh dịch… chưa bị thối rữa, phân hủy.

Trong những trường hợp mẫu cần giám định chỉ còn xương hoặc răng thì dùng đến phương pháp phân tích ADN ti thể. Mỗi mẫu giám định có 1 lượng thời gian nhất định và phải tuân theo quy trình nghiêm ngặt. Có mẫu mất khoảng vài giờ, có mẫu phải tới vài ngày, chính vì thế, nếu không tìm ra kết quả hay sai sót kỹ thuật là phải làm lại từ đầu. Khó khăn, vất vả là vậy nhưng công việc truy tìm dấu vết tội phạm vẫn luôn được các anh âm thầm thực hiện với sự tỉ mỉ, quyết tâm cao nhất. Trên chặng đường tìm ra hung thủ mỗi vụ án của CQĐT đều có một phần không nhỏ công lao của các anh - tất cả vì sự bình yên của nhân dân.