Thượng tá Lê Đức Đoàn - Công dân Thủ đô ưu tú:

“Tôi đã sống một cuộc đời đáng sống!”

ANTĐ - Hơn 30 năm công tác trong ngành CAND, khoác lên mình bộ quân phục tươi màu nắng, anh đã có thâm niên gác cầu Chương Dương với thời gian 19 năm. Chừng đó thời gian, biết bao thay đổi, biết bao phận người đi qua trên cây cầu bắc ngang  sông Hồng đỏ nặng phù sa. 

“Tôi đã sống một cuộc đời đáng sống!” ảnh 1Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt CATP Hà Nội tặng hoa đồng chí Thượng tá Lê Đức Đoàn trong ngày làm việc cuối cùng trước khi nghỉ hưu

Nhớ về miền Bạch Dương xa ngái

“Việc đầu tiên tôi làm sau ngày nghỉ hưu là về quê thắp hương, báo cáo với tổ tiên, ông bà là con đã hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, ngành, đơn vị giao” - anh nói. Kể từ ngày anh nhận quyết định nghỉ hưu theo chế độ, sớm nào cũng vậy, anh cùng người bạn đời đã mấy chục năm đầu gối tay ấp, dậy sớm đi tập thể dục cùng vài người bạn già quanh khu phố. Sau bữa sáng, anh lại tìm về một nơi có những người bạn đang ngóng đợi sẵn - một quán cà phê nằm nghiêng mình nhìn ra những tán lá bằng lăng cạnh Nhà thờ Lớn. Ở đó, đám “lính già” như cách gọi của anh, thoải mái thả hồn vào những câu chuyện không đầu, không cuối và tưởng chừng dài vô tận. Quán cũng rất nhiều thanh niên. Song chẳng mấy ai hiểu được những câu chuyện của các anh, bởi ở cái góc khiêm nhường đó, đám “lính già” cứ bắn tiếng Nga tằng tằng. Nỗi nhớ về những tháng ngày ăn học trên đất nước xứ sở Bạch Dương cứ ngập tràn trong anh. Đã bao năm rồi, anh vẫn chưa bao giờ cho phép mình được quên bất cứ thứ gì, điều gì từ đất nước xa xôi mà tưởng chừng như vô cùng gần gũi, thân thương ấy...

Đến xứ sở Bạch Dương khi đã khoác trên mình bộ cảnh phục CAND, anh cùng chúng bạn vào học tại trường Đại học Nội vụ Liên Xô. Dù cuộc sống quân kỷ rất nghiêm, song trong tâm hồn của những chàng trai tuổi hai mươi ấy vẫn căng đầy hoài bão, với bao mộng mơ. Sau hơn 30 năm, anh vẫn nhớ những giờ học căng thẳng, nhớ những chiều hè đỏ au, nhớ cả những con đường dát vàng lá khi mùa thu đến. Rồi nhớ cả những ngày hè, những chuyến đi về nông trang giúp những nông dân Nga hái táo, thu hoạch nông sản. Yêu sao tính cách của con người Nga anh em hồn hậu, chân tình. “Chừng 4 năm học tập, chúng tôi đã được dạy không chỉ công việc mà còn được dạy làm người chiến sĩ cộng sản đúng nghĩa” - anh nói với tấm lòng trân trọng. Chưa một lần được trở lại nơi đã từng sống, học tập, nhưng anh, vẫn hằng khoắc khoải: “Tôi còn nợ nước Nga một món nợ ân tình”.

“Được tuyển, chọn và cử đi học tại nước Nga, trở về và sau bao nhiêu năm, cho đến những ngày làm việc cuối cùng vẫn đứng gác ở cây cầu Chương Dương, tâm trạng của anh thế nào?”. Anh cười khà sảng khoái: “Lịch sử đã chọn tôi là lính. Ở vị trí nào không quan trọng, quan trọng là làm được những việc gì có ích. Chẳng có gì hạnh phúc và vinh quang hơn khi hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ, đem lại nhiều niềm vui, hạnh phúc cho người khác...”.

Người nối những nhịp bờ vui

Hơn 30 năm công tác trong ngành CAND, khoác lên mình bộ quân phục tươi màu nắng, anh đã có thâm niên gác cầu Chương Dương lâu nhất với thời gian 19 năm. Chừng đó thời gian, biết bao thay đổi, biết bao phận người đi qua trên cây cầu bắc ngang sông Hồng đỏ nặng phù sa. Ngày qua tháng, tháng nối tiếp năm, anh vẫn đứng đó ở đầu Nam cầu Chương Dương, tạo thành một điểm nhấn lặng thầm nối những nhịp bờ vui.

Nói như Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng Phòng CSGT CATP Hà Nội, từ khi xây dựng cho đến ngày nay, cầu Chương Dương vẫn luôn được xem là vị trí đặc biệt quan trọng, là huyết mạch giao thông. Làm nhiệm vụ ở đây không phải là “tay mơ”, bởi chỉ cần xảy ra một sự cố nhỏ trên cầu, hầu như toàn bộ tuyến giao thông ở hai bên đường Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư và ở tuyến đường Nguyễn Văn Cừ, Long Biên... sẽ tê liệt. Ngoài sự hiểu biết, kinh nghiệm, kỹ năng xử lý tình huống, người lính làm nhiệm vụ ở vị trí này phải là người có sự nhạy cảm và giác quan tuyệt vời trong việc nhận định tình hình, điều tiết, phân luồng và giải quyết sự việc đạt hiệu quả cao nhất. 

Ngày nắng cũng như ngày mưa, mùa đông cũng như mùa hè, người dân tham gia giao thông trên hai hướng cầu vẫn thấy một người lính già, cần mẫn, tận tụy, trách nhiệm và tự hào trong từng động tác điều khiển, chỉ huy giao thông. Chẳng nói nhiều đến hơn 40 vụ việc giải cứu người lên cầu Chương Dương để... tự tử, anh nói, đó là trách nhiệm, là việc làm mà bất cứ người nào khi nhìn thấy, phát hiện ra cũng phải làm. Huống hồ là anh, người chiến sĩ CAND, thì trách nhiệm đó càng nặng nề, chỉ được phép làm, chứ không có quyền từ chối, quay lưng, dù có nguy hiểm đến tính mạng, miễn sao người được cứu giúp an toàn. Bởi vậy, có những vụ tự tử, khi người đó đã buông tay khỏi thành cầu, chẳng một giây suy nghĩ, anh quăng mình lao theo. “Chẳng biết rơi xuống tôi sống hay chết, song trách nhiệm, nghĩa vụ của mình là phải cứu họ...”.

Anh - bình dị, chẳng nghĩ nhiều về mình. Song tôi nghĩ, những niềm vui bất ngờ, hàng ngày anh nhận được, thì chẳng mấy ai có được. Đôi khi chỉ là vài củ khoai thơm nức mùi đất mới; lúc lại là mớ rau còn vương cuống dạ đồng chiều của những người coi anh là ân nhân gửi tặng; hay chỉ là câu chào thân thương “bố Đoàn” của đám thanh niên quậy phá ngày trước được anh giáo huấn đã ý thức được việc phải chấp hành Luật Giao thông; hoặc những người dân chẳng hề quen biết ở khắp nơi nghe tiếng anh... khi đi qua cây cầu Chương Dương, trìu mến cất lời chào. Anh cũng vinh dự là CBCS đầu tiên của CATP Hà Nội được trao tặng danh hiệu cao quý “Công dân Thủ đô ưu tú” và cũng là người CSGT duy nhất của  lực lượng CSGT Thủ đô nhận được danh hiệu ấy cho đến thời điểm này.

Tuy nhiên, giữa nắng mưa, gió lạnh, chẳng mấy ai biết, đôi lúc, anh phải loạng choạng ôm đầu vào trong chốt vì vết thương cũ tái phát. Vết thương trong một lần cứu giúp một cô gái bị bọn cướp tài sản có vũ khí gây ra đã tác động không nhỏ. Sau 3 tháng nằm viện, anh được xếp vào hạng thương binh ¾. Nhắc lại chuyện này, anh thở phào, cũng may là cô gái đó không sao, rồi lại cất tiếng cười khà khà đầy sảng khoái quen thuộc.

Từ khi nghỉ, anh chưa lên chốt trực cũ trên cầu Chương Dương. “Với người CSGT, chỗ nào cũng quan trọng, chốt trực nào cũng cần những con người, những CBCS đầy tâm huyết, nhiệt thành và trách nhiệm. Tôi có một niềm tin tuyệt đối vào lớp trẻ. Dưới sự dìu dắt, chỉ đạo sát sao của các cấp chỉ huy, chính họ sẽ là người tiếp bước, chắp nối, bồi đắp thêm dầy hơn, hào hùng hơn truyền thống của đơn vị, của lực lượng...” - anh tin tưởng, tự hào. “Năm mới đến, anh mong ước điều gì”, tôi hỏi. “Mong cho tất cả người dân tham gia giao thông được bình an, vui trên những cung đường xuân an toàn. Mong cho các đồng chí, đồng đội, chỉ huy sức khỏe, say nghề; mong rằng mỗi người ra đường hãy luôn ý thức được việc chấp hành Luật Giao thông để giúp cho CSGT hoàn thành nhiệm vụ....” - anh nói ngắn gọn. 

Rồi anh tâm tư: “Cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn như lẽ vốn có của nó. Xong nhiệm vụ, tôi lại trở về nhà, hạnh phúc với người bạn đời đã cùng nhau chia ngọt sẻ bùi trong suốt những ngày tơ liễu xanh rờn đến khi tóc hoa râm mà lòng vẫn không phai nhạt; trở về với hai đứa con chưa một ngày quên lời bố dặn về lẽ sống, về làm người; trở về với đứa cháu nội, đang bi bô, tập nói mỗi lần mình bước vào nhà: “Ông, ông nội đã về... Tôi đã sống một cuộc đời đáng sống!”.