Phục vụ dân từ những điều nhỏ nhất

ANTĐ - Có thể nói trong vô vàn những công việc hàng ngày của mà lực lượng Công an ở cơ sở phải giải quyết có một nhiệm vụ mà được coi là ngoài nghiệp vụ nhưng lại hết sức quan trọng và khẩn thiết. Đó là tìm lại người thân cho những người bị lạc đường hoặc bị cơ nhỡ. Bởi hơn ai hết các anh hiểu rằng chỉ thêm 1 giờ, 1 phút người bị lạc chưa trở về là cả gia đình người thân của họ thấp thỏm, lo lắng như ngồi trên đống lửa. Chưa có một thống kê cụ thể xem lực lượng Công an TP Hà Nội đã giúp cho bao nhiêu trường hợp những người bị lạc tìm lại được người thân của mình, nhưng tôi tin con số đó là rất nhiều.
Phục vụ dân từ những điều nhỏ nhất ảnh 1

Đầu tiên là gọi công an

Nếu đặt trường hợp có một người thân trong gia đình bị lạc, thì việc đầu tiên mà mọi gia đình đều nghĩ đến đó là đi báo công an. Còn đối với lực lượng công an, họ không chỉ coi đó là trách nhiệm mà còn là yêu cầu, là đòi hỏi xuất phát từ lương tâm, tình cảm của chính mình. Những vụ việc Công an TP Hà Nội giúp đỡ những người không may bị lạc trở về với gia đình đã được người dân ghi nhận rất nhiều trong thời gian qua.

Bởi đơn giản, với những người do vô tình đi lạc mà không biết đường về cách dễ dàng nhất là hỏi công an. Với những người tốt bụng nếu trên đường họ gặp trường hợp những người già, trẻ em đi lạc, muốn giúp đỡ không có gì tốt hơn là đưa đến trụ sở Công an phường nơi gần nhất. Còn với lực lượng Công an thì dù trong bất kỳ điều kiện hoàn cảnh nào nếu gặp những trường hợp cần phải có sự giúp đỡ thì nó sẽ trở thành trách nhiệm và cũng là yêu cầu đòi hỏi phải giúp đỡ người dân tận tụy. 

Chập tối ngày 9-12, Thiếu tá Cao Thanh Long - Phó trưởng Công an phường Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang trong ca trực thì nhận được thông tin từ CBCS của đơn vị báo, phường vừa tiếp nhận một cụ bà bị lạc đường. Cụ bà này được một người phụ nữ trung niên đang làm công nhân xây dựng đưa đến. Thông tin ban đầu từ người phụ nữ này rất ít ỏi, chị đang trên đường đi làm về thì nhìn thấy bà cụ đang có biểu hiện đi lạc nên đã dừng lại hỏi thăm. Cụ bà hầu như không nhớ được địa chỉ nơi cư trú và đang rất mệt mỏi. Người phụ nữ tốt bụng này đã lập tức đưa cụ đến công an phường để nhờ giúp đỡ. Ngay khi tiếp nhận thông tin, Thiếu tá Cao Thanh Long phân công chiến sĩ trong phường đi mua nước, sữa để bà cụ uống, còn anh thì tìm cách nói chuyện với cụ bà. Sau những lời trấn an và hỏi han nhẹ nhàng của người Phó Công an phường, bà cụ đã dần bình tĩnh trở lại. Tuy nhiên cụ chỉ nhớ tên mình chứ không thể nhớ địa chỉ nhà ở tại đâu. Hỏi thăm thêm một vài những thông tin khác, Thiếu tá Cao Thanh Long đã đủ thông tin để cập nhật, tra cứu trên hệ thống dữ liệu chung của CATP. Ngay lập tức, nhân thân cụ bà được xác định là Nguyễn Thị Bảo (SN 1942), trú tại ngõ 126, Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng. 

Cuộc điện thoại từ CAP Lê Đại Hành gọi đến nhà cụ Bảo vào buổi tối 9-12, có lẽ là cuộc điện thoại đáng nhớ nhất đối với gia đình cụ. Tất cả các người thân của cụ đã đôn đáo tỏa đi khắp nơi tìm cụ. Tiếng chuông điện thoại là điều mà cả gia đình chờ đợi vào lúc căng thẳng như thế này. Thông tin báo từ CAP Lê Đại Hành đã giải tỏa nỗi lo lắng bất an đang đè nặng lên gia đình cụ.

Chỉ ít đó trước ngày, vào đêm ngày 4-12, Đại úy Phạm Thế Anh - Phó trưởng CAP Thành Công cũng tiếp nhận trường hợp một nam thanh niên đưa một cụ bà vào trụ sở và nói: “Cụ bị lạc đường, tôi chả biết làm thế nào, chỉ biết nhờ các anh giúp đỡ!”. Tổ trực ban chưa kịp hỏi thêm thì người thanh niên cáo bận việc gấp, vội vàng giao cụ lại rồi ra về. Thấy cụ bà bị lạnh và đói, CBCS CAP Thành Công đã nấu mỳ mời cụ ăn. Nhưng do bị mắc bệnh đãng trí nên khó khăn lắm cụ mới nói ra được tên họ của mình là Đinh Thị Thìn, ở huyện Gia Lâm, có con gái tên là Thủy. Còn tất cả những thông tin về hành trình vì sao cụ có mặt ở đây và trước đó như thế nào cụ Thìn đều không nhớ. Ngay lúc đó, Đại úy Thế Anh đã nghĩ đến việc áp dụng phần mềm dữ liệu dân cư để tìm kiếm thông tin về cụ Thìn. Sau khi tra cứu, kết quả cho ra thông tin có người mang tên Đinh Thị Thìn, ở Phú Thị, Gia Lâm. Thông tin được trao đổi với Công an xã Phú Thị. Sau một hồi chờ đợi kết quả kiểm tra từ phía đơn vị bạn, cuối cùng cũng được xác nhận ở thôn Đại Bản, xã Phú Thị, huyện Gia Lâm có cụ Đinh Thị Thìn (SN 1941), bị lạc cách đây 2 ngày. Đại úy Phạm Thế Anh quyết định để cụ bà nghỉ tại trụ sở đơn vị và đến đầu giờ sáng hôm sau, đã cử một tổ công tác đưa cụ về tận nhà.  

Qua nhiều lần chứng kiến những chiến sĩ công an tận tụy tìm người thân cho những người bị lạc, chứng kiến các anh chăm sóc, ân cần, kiên trì hỏi han các cụ già, cháu bé trong khi những thông tin có được lại vô cùng ít ỏi, tôi đã hiểu được rằng những người chiến sĩ công an đã thực hiện trách nhiệm đó với cái tâm của mình. Các anh đã đặt nhiệm vụ của người chiến sĩ công an vào tâm thế của những gia đình đi tìm người thân bị lạc. Tôi hiểu được công việc của chiến sỹ công an không đơn giản chỉ là truy bắt tội phạm trên những mặt trận nóng bỏng để giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân mà nó còn là những việc làm rất giản dị. Trung tá Phạm Doãn Đoàn, Trưởng CAP Điện Biên tâm sự: “Tôi luôn tâm niệm một điều giản dị, nghề Công an là nghề phục vụ nhân dân. Mình phải cố gắng lấy tâm của mình mang vào nghề phục vụ giúp được người dân từ những điều nhỏ nhất. Có được như thế người dân mới tin tưởng, quý trọng mình”. 

“Mạng dữ liệu dân cư của công an đã mang đến niềm vui cho gia đình tôi!”

Câu chuyện kể trên chỉ là 2 trường hợp mới nhất trong vô số những trường hợp gần đây mà các đơn vị công an cơ sở từ công an phường, lực lượng cảnh sát giao thông đã giúp cho những người chẳng may bị lạc đường tìm được người thân và gia đình của mình. Có một điểm chung ở cả hai trường hợp này, đó là mặc dù thông tin có được từ những người bị lạc đều rất ít ỏi nhưng lực lượng công an đều rất nhanh chóng tìm được địa chỉ gia đình người thân và đưa người bị lạc trở về trong niềm vui sướng bất ngờ của gia đình.

Sự chính xác này chính là nhờ việc áp dụng  tra cứu thông trên hệ thống dữ liệu dùng chung của Công an thành phố Hà Nội, từ đó khoanh vùng và trao đổi, phối hợp cùng công an địa phương nghi là nơi người bị lạc sinh sống để xác mình thông tin. Có thể nói Hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của CATP Hà Nội trên Hệ thống  máy tính, không chỉ góp phần quản lý Nhà nước về ANTT và phòng chống TNXH trên địa bàn Thủ đô, mà còn có một ý nghĩa tác dụng rất thiết thực và cụ thể.

 Cái thiết thực cụ thể ấy không phải là những điều to tát mà chính là từ những việc tưởng chừng như rất đơn giản đó là giúp xác minh, tìm kiếm gia đình, người thân cho những người không may bị lạc đường. Nói một cách đơn giản như trong bức thư của gia đình cụ Nguyễn Thị Bảo (SN 1942) gửi đến thì: “Tôi không nghĩ rằng mạng dữ liệu thông tin dùng chung của CATP lại có hiệu quả như vậy. Nó thật có ý nghĩa và mang lại niềm vui, hạnh phúc cho người dân chúng tôi”.

 Trung tá Phạm Doãn Đoàn, Trưởng Công an phường Điện Biên kể cho tôi nghe về chuyện tìm người nhà cho 2 cháu bé bị lạc trên địa bàn của phường. Thời điểm 2 cháu bé bị lạc xảy ra vào tháng 10 và tháng 11. Trung tá Phạm Doãn Đoàn cho biết: “Khi thấy hai cháu bé này chỉ có một mình trong tình trạng hoảng loạn, mệt mỏi, đoán biết các cháu đã bị lạc người thân tổ công tác đã dừng lại đã hỏi han, động viên đồng thời cử người đưa các cháu về trụ sở cơ quan để bố trí đồ ăn, thức uống chăm sóc cho các cháu và sau đó tìm cách liên lạc với người thân”.

Có một điều đặc biệt là cả 2 trường hợp này thì một cháu bị mắc bệnh tự kỷ còn một cháu thì bị mắc bệnh hay quên. Các cháu chỉ nhớ được tên của mình và không thể nhớ được địa chỉ hay tên bố, mẹ. Trung tá Đoàn cho biết: “Nếu đặt trong điều kiện bình thường thì thực sự rất khó và phải mất rất nhiều thời gian để có thể xác định được nhân thân của hai cháu bé này. Tuy nhiên sau khi động viên các cháu nói ra được tên của mình điều đầu tiên chúng tôi nghĩ đến là sử hệ thống quản lý dữ liệu dân cư trên địa bàn thành phố. Và sau khi tra cứu trên hệ thống quản lý dữ liệu đã giúp chúng tôi rút ngắn được khoảng cách trong việc đưa các cháu trở về với gia đình”.

 Cũng chung một quan điểm như Trung tá Phạm Doãn Đoàn, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Hà, Phó trưởng CAP Gia Thụy (Long Biên) cũng cho rằng sau một thời gian triển khai Hệ thống quản lý dữ liệu dùng chung của Công an TP phố Hà Nội đã phát huy tác dụng không chỉ trong công tác nghiệp vụ mà còn trực tiếp với tất cả người dân. Vào thời điểm đầu tháng 10, cũng từ việc sử dụng hệ thống dữ liệu này mà Thiếu tá Hà đã giúp cho 2 anh em một cháu 5 tuổi và một cháu 3 tuổi tìm được bố mẹ của mình. Theo Thiếu tá Nguyễn Ngọc Hà, người dân chính là người được hưởng lợi nhiều nhất từ những việc làm của Công an TP Hà Nội. Bố mẹ cháu bé bị lạc khi được lực lượng công an phường đưa 2 cháu về đến tận nhà đã phải thốt lên rằng: “Khi kê khai dữ liệu dân cư, chúng tôi không nghĩ rằng có lúc nó lại hữu ích đến như vậy”.

Những điều nhỏ nhất như Trung tá Đoàn tâm sự cũng xuất phát ngay từ chính những công việc hàng ngày của người công an cấp cơ sở. Việc thu thập dữ liệu dân cư là một chủ trương lớn của Công an TP Hà Nội. Nó không chỉ thiết thực phục vụ cho công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, quản lý đối tượng của ngành công an, góp phần triển khai quản lý dữ liệu về hộ khẩu, nhân khẩu của Công an TP Hà Nội trên hệ thống máy tính phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện nay, mà còn rất có ý nghĩa đối với người dân.