Kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/30-4-2015)

Phóng viên chiến trường: Mỗi nhà báo là một người lính

ANTĐ - Dấn thân vào những điểm nóng, hiểm nguy để phản ánh diễn biến của cuộc chiến, phóng viên chiến trường không chỉ tham gia vào chiến tranh như những nhân chứng lịch sử mà còn tái hiện lịch sử bằng vũ khí của riêng mình.

Qua lời kể của những phóng viên chiến trường trực tiếp tham gia vào những cuộc chiến tại Hội thảo “Báo chí về đề tài chiến tranh: Lý luận và thực tiễn” được tổ chức sáng 24-4 tại Hà Nội, công việc của những người làm báo trong thời chiến được khắc họa một cách chân thực, cảm động.

Phóng viên chiến trường: Mỗi nhà báo là một người lính ảnh 1

Công việc của một phóng viên chiến trường luôn đòi hỏi họ phải quên đi mọi nỗi hiểm nguy 

Hơn 1.000 phóng viên tham gia chiến trường

Trong những cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, Việt Nam đã có hơn 1.000 nhà báo tham gia đưa tin, chụp ảnh và viết bài. Có thể nói, đội ngũ các nhà báo cách mạng không quản ngại hiểm nguy phản ánh kịp thời những diễn biến của cuộc chiến, giúp dư luận có cái nhìn đúng đắn về cuộc chiến đó. Trong quá trình thực hiện sứ mệnh cao cả của mình, hàng trăm nhà báo đã bỏ mạng nơi chiến trường. Nhiều cây bút bằng tài năng và sự cống hiến của mình đã trở thành những cái tên đáng tự hào của làng báo chí thời kỳ cách mạng như Trần Kim Xuyến, Đinh Thúy, Trần Đăng, Hồng Hà, Thép Mới, Lưu Quý Kỳ, Phan Quang, Phạm Phú Bằng, Đoàn Công Tính…

Phóng viên chiến trường: Mỗi nhà báo là một người lính ảnh 2

Bức ảnh để đời của nhà báo Đậu Ngọc Đản chụp nữ chiến sỹ biệt động Cao Thị Nhíp
dẫn xe tăng tiến vào Sài Gòn

Là một trong hai nhà báo miền Bắc đầu tiên có mặt tại Dinh Độc lập trưa 30-4-1975, từng lăn lộn khắp các chiến trường Quảng Trị, chiến trường miền Nam, theo đoàn quân lên biên giới phía Bắc, giải phóng Campuchia, có mặt tại Trường Sa để đưa tin việc Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma năm 1988, đối với nhà báo Đậu Ngọc Đản, cuộc đời 40 năm làm báo có những thời khắc không thể nào quên. Với ông, là nhà báo quân sự hay dân sự, khi đã là phóng viên chiến trường đều phải là người chiến sỹ. Ông kể: “Lớp phóng viên tiền phương của Tổng cục Chính trị vào mặt trận B5 năm 1972 mỗi người phải đeo ba lô nặng hơn 30kg, hành quân mấy ngày đêm trèo đèo lội suối, vượt bom đạn. Trong những cánh rừng bị bom đạn cày xới, trời oi nực, chúng tôi mang vác như vậy thở dốc sức không ra hơi. Bỏ bớt đi cái cúc áo, vứt đi cái hộp đựng phim ảnh, đôi vai của mình thấy nhẹ, dễ chịu hơn”.

 Rồi còn chuyện ăn uống, đôi khi lấy nhầm cây, trái rừng độc hại, ăn xong chỉ biết nôn tháo. Nhà báo Khánh Toàn, đồng nghiệp của ông từng thuật lại, trên đường hành quân, những nhà báo ăn lương khô mốc, gạo sấy mốc là chuyện bình thường. Ăn nghẹn cứng ở cổ họng, phải dùng mũ cối lọc nước bẩn, bùn nhão nhoẹt để uống. May mắn không bị thương vì bom đạn, bị bệnh tật là “hạnh phúc lắm rồi”. Nhưng kể cả những lúc đó, họ vẫn không một phút giây nào rời “báu vật” của mình là khẩu súng ngắn, sổ tay, bút ghi chép, máy móc, phim ảnh. 

Sống và làm việc với hai tiếng “sẵn sàng”

Tham gia vào chiến trường, lực lượng nhà báo hoạt động ở nhiều loại hình từ báo in, phát thanh, nhiếp ảnh tới quay phim. Với nhà báo Vĩnh Trà, nguyên Trưởng ban Thư ký biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam thì vật bất ly thân là chiếc máy ghi âm. Trước khi vào chiến trường, ông được trang bị chiếc máy R5 nặng đến 5kg và 1 chiếc máy thu thanh Orionton do Hungari sản xuất rất cồng kềnh. Công việc của ông là thu được “tiếng động của hiện trường”, “tiếng nói của nhân chứng”. Sau khi Hiệp định Paris có hiệu lực năm 1973, ông được lệnh từ Đài Giải phóng A theo đoàn quân về phía Phong Điền, Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế. Ông đã thu được tiếng súng máy, tiếng hò hét của đối phương, kịp thời chuyển ra Đài Giải phóng A ở 56 Quán Sứ, Hà Nội. 

Suốt những năm tháng làm phóng viên phát thanh, nhà báo Vĩnh Trà nhiều lần suy nghĩ nhưng chưa hề đắn đo. Đó là suy nghĩ về gia đình, về tổ ấm của mình. Ngày ấy, vợ ông, cũng công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam, mang thai đứa con đầu lòng 6 tháng, một mình đạp xe xuống hiện trường máy bay Mỹ vừa dội bom để viết phóng sự kịp thu phát sóng. Ông trải lòng: “Đến kỳ sinh nở mà không có người thân bên cạnh. Tôi đi chiến trường, vợ tôi có nỗi lo lớn nhất là tôi hy sinh. Con sinh ra không biết mặt cha”. Lao vào nơi hiểm nguy, cái chết rình rập để trở thành “người thư ký trung thành của thời đại” mỗi nhà báo như Vĩnh Trà không còn nghĩ đến bản thân, mà xác định luôn sẵn sàng có mặt tại chiến tuyến. Bởi nhiệm vụ của họ không chỉ là phản ánh thông tin, mà qua thông tin đó phơi bày sự khốc liệt, phi nghĩa của chiến tranh từ đó thức tỉnh các quốc gia, dân tộc cùng đứng lên phản đối chiến tranh, bảo vệ hòa bình.