Phòng “giặc lửa” trên đỉnh Tản Viên

ANTĐ - Vườn quốc gia Ba Vì, Hà Nội có diện tích gần 11.000 ha rừng đặc dụng, giáp ranh với một số xã thuộc tỉnh Hòa Bình. Với vai trò và vị trí địa lý tự nhiên quan trọng, công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng luôn được chú trọng, đảm bảo tuyệt đối an toàn. Một trong những đơn vị đang ngày đêm đảm đương trọng trách ấy là tập thể Phòng Cảnh sát PC&CC số 10 - Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội.

Phòng “giặc lửa” trên đỉnh Tản Viên ảnh 1Cán bộ Phòng CS PC&CC số 10 hướng dẫn người dân 
sử dụng phương tiện chữa cháy

Nguy cơ tiềm ẩn

Mỗi khi vào mùa hanh khô, gánh nặng càng đè thêm lên vai những chiến sỹ Phòng Cảnh sát PC&CC số 10 - đơn vị đảm nhiệm việc bảo vệ tuyệt đối an toàn khu rừng quốc gia.  Đại tá Bùi Xuân Kha, Trưởng phòng Cảnh sát PC&CC số 10 tâm sự: “Người dân nơi đây vẫn có thói quen lạc hậu, đốt nương bãi sau vụ thu hái. Điều này khiến lực lượng chức năng canh cánh nỗi lo”. 

Ở nơi được coi như “nóc nhà của Thủ đô”, địa bàn có 3 dân tộc Kinh, Mường, Dao sinh sống. “Tuyên truyền, đảm bảo phòng cháy, chữa cháy đối với bà con vừa phải đúng pháp luật, lại vừa phải có cái tình”. Đại tá Bùi Xuân Kha chia sẻ và cho biết, chính những sinh hoạt thường nhật của bà con như hút thuốc, hoặc dùng lửa sưởi ấm trong lúc đi rừng, nghỉ ngơi… tiềm ẩn nguy cơ cao xảy cháy rừng. 

Trước tình hình trên, Phòng Cảnh sát PC&CC số 10 đã tham mưu cho UBND huyện Ba Vì đưa ra những giải pháp tối ưu, hạn chế tới mức thấp nhất nguy cơ hỏa hoạn trên đỉnh Tản Viên. Trung tuần tháng 9-2011, Vườn quốc gia Ba Vì phối hợp với Phòng Cảnh sát PC&CC số 10 thành lập Cụm liên kết an toàn phòng cháy, chữa cháy. Ban chỉ huy Cụm liên kết thường xuyên phối hợp với chính quyền các xã vùng đệm tổ chức các buổi họp thôn, giáo dục bảo vệ môi trường kết hợp phổ biến kiến thức PCCC rừng cho các trường học. Cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức và phối hợp với các đài truyền thanh các xã, thôn vùng đệm phát tin bài về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng; công tác phòng cháy, chữa cháy. Các đơn vị thành viên trong Cụm chủ động tổ chức giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao với các đoàn thể của các xã vùng đệm, qua đó đã trao đổi, tuyên truyền công tác bảo vệ rừng – PCCC rừng. 

Dựa vào sức dân để bảo vệ rừng

Với “kim chỉ nam” lấy sức dân và dựa vào sức dân để bảo vệ rừng, chỉ huy Phòng Cảnh sát PC&CC số 10 đã tham mưu chính quyền các xã thành lập các tổ, đội xung kích gồm những người thông thổ từng khu vực, địa hình để nắm tình hình cũng như kịp thời giải quyết sự cố xảy ra. Cùng với đó, lực lượng chức năng phối kết hợp chặt chẽ với chính quyền các huyện, xã vùng đệm xây dựng quy chế phối hợp bảo vệ rừng giữa Hạt kiểm lâm Vườn và Hạt kiểm lâm huyện Ba Vì; xây dựng kế hoạch phối hợp tuần tra, bảo vệ và xử lý vi phạm với Đồn công an Tản Viên, Ba Vì. Công tác tuần tra, kiểm soát được thực hiện liên tục, chú trọng xử lý nghiêm các hành vi đào đánh cây rừng, mua bán vận chuyển trái phép cây rừng và các hành vi làm nương rẫy trái phép…

 Đối với những khu vực có hoạt động du lịch, người đứng đầu cơ sở phải lập các tổ bảo vệ rừng và PCCC rừng, sau đó đơn vị PC&CC tập huấn và có báo cáo kết quả thường xuyên. Bằng cách làm ấy, các khu du lịch Ao Vua; Hồ Tiên Sa; Thiên Sơn – Suối Ngà; Khoang Xanh – Suối Tiên; Thanh Long; Suối Mơ; Bản Cốc; Thành Thắng; Suối Ngọc Vua Bà… nhiều năm qua luôn an toàn trước “giặc lửa”. Còn với lực lượng Cảnh sát PC&CC số 10, qua hơn 3 năm duy trì hoạt động mô hình Cụm liên kết an toàn PCCC, đã nhận được hàng nghìn thông tin hữu ích; qua đó ngăn chặn, giải quyết kịp thời nhiều vụ sử dụng lửa và đốt nương rẫy, góp phần quan trọng trong công tác PCCC và bảo vệ rừng.