Những tín hiệu vui ở một địa bàn “nóng”

ANTĐ - Không chỉ dịp Tết, bến xe phía Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội luôn được xác định là địa bàn có nhiều tiềm ẩn khá phức tạp về TTGT, trật tự công cộng và tội phạm hình sự. Song nhiều năm nay và đặc biệt dịp Tết Nguyên đán 2015, những nguy cơ ấy đã không có cơ hội “phát lộ”.

Những tín hiệu vui ở một địa bàn “nóng” ảnh 1Lực lượng Công an Trạm Cảnh sát Bến xe phía Nam, CAQ Hoàng Mai hướng dẫn, xách đồ hộ người cao tuổi vào tận xe

“Địa bàn bến xe không xảy ra phạm pháp hình sự suốt dịp trước, trong và sau Tết”, Trung tá Hoàng Đăng Phong - Trạm trưởng Trạm cảnh sát bến xe phía Nam thông tin ngắn gọn. Vẻn vẹn mấy chữ vậy thôi, nhưng nó là kết quả của những chỉ đạo thống nhất và triển khai quyết liệt, từ CATP đến CAQ Hoàng Mai và trạm cảnh sát bến xe phía Nam; từ Tổng công ty Vận tải Hà Nội đến Công ty CP Quản lý bến xe Hà Nội và đơn vị quản lý bến xe phía Nam.

Nếu như đơn vị quản lý bến xe “đau đầu” về việc bố trí, tăng cường giờ chạy, đầu xe; thì lực lượng Công an lại đau đáu công tác đảm bảo tuyệt đối an toàn cho hành khách, trật tự khu vực bên trong cũng như xung quanh bến. Trung tá Hoàng Đăng Phong chia sẻ, bất kỳ thông tin liên quan đến bến xe được đăng tải qua phương tiện đại chúng, hay phản ánh của hành khách, đều được đơn vị xác minh, giải quyết kịp thời.

“Không xảy ra phạm pháp hình sự” ở bến xe phía Nam, bắt nguồn từ những động thái quyết liệt, có tính cơ bản, chiều sâu. Đầu tiên là công tác tuyên truyền, cam kết giữa đơn vị quản lý bến, Công an trạm với các nhà xe, không để xảy ra hiện tường “cò mồi”, chèo kéo khách đi xe trong và ngoài khu vực bến. Khoảng 3 tháng trở lại đây, bến xe phía Nam có sự thay đổi tích cực: hành khách đến bến, lên xe, trước đó phải mua vé. Điều tưởng như tất nhiên này, để thực hiện và duy trì được không hề đơn giản. Và khi thực hiện được, nó đã giúp hình thành sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà xe. 

Bước tiếp theo, trước Tết cả tháng, lực lượng nghiệp vụ CATP đã tăng cường cùng các lực lượng CSKT, CSHS CAQ Hoàng Mai, xuống “nằm vùng” ở bến phía Nam, cùng Công an trạm và đơn vị quản lý bến xe, rà soát, dựng toàn bộ những đối tượng có biểu hiện hoạt động “nổi”, gọi hỏi, răn đe, phòng ngừa. 

Một biện pháp phát huy hiệu quả khác là phát động kênh tố giác, phản ánh các hành vi vi phạm, thông tin, hiện tượng bất thường, từ hành khách và đội ngũ “xe ôm” hoạt động trong bến xe. Dẫn chứng về hiệu quả của kênh thông tin này là trưa mùng 7 Tết, tức ngày 25-2, Trạm Cảnh sát bến xe phía Nam đã kịp thời nắm bắt, giúp đỡ chị Trần Thị Quỳnh Anh, 38 tuổi, quê quán Hưng Yên, khi người phụ nữ này đến bến xe nhưng không về được quê vì… không có tiền. Hình ảnh người phụ nữ đáng thương ngồi khóc ở khu vực sân bến đã được cán bộ Công an Trạm cảnh sát bến xe phía Nam trông thấy, và mời vào trụ sở hỏi thăm. Chị Quỳnh Anh tường trình, làm công nhân ở khu công nghiệp Tân Tạo, TP. HCM; nhưng khi đi xe ra đến Hà Nội thì hết tiền. Nghĩ đến chặng đường mấy chục kilomet để về quê, tủi thân, chị chỉ biết ngồi khóc. Lập tức, chỉ huy  trạm đã huy động CBCS trong ca trực quyên góp, mua vé xe và tặng quà để chị Quỳnh Anh về quê.

Trật tự, bình yên ở bến xe phía Nam những ngày qua không thể thiếu sự chủ động của đơn vị quản lý bến xe. Ông Nguyễn Tất Thành – Giám đốc Xí nghiệp quản lý bến xe phía Nam cho biết, trước Tết, đã có nhiều cuộc họp với các doanh nghiệp vận tải, yêu cầu đảm bảo lượng phương tiện phục vụ hành khách; bổ sung phương tiện vận tải dự phòng để giải tỏa lượng khách tại bến xe, tránh tình trạng ùn ứ cục bộ. Các nhà xe phải đảm bảo số lượng vé, có cách thức ngăn chặn việc lái, phụ xe tranh giành khách, ép khách, hoặc thu tiền cao hơn giá vé quy định. Bên cạnh đó, đơn vị quản lý bến mở những điểm hỗ trợ, hướng dẫn người dân mua vé tại các quầy bán vé trước khi lên xe. Giao thông trong bến được tổ chức khá khoa học, với các lối đi, đường dẫn gọn gàng và đội ngũ nhân viên an ninh thường xuyên túc trực. Những tín hiệu vui ở một địa bàn “nóng”, cửa ngõ, đã góp chung vào kết quả bình yên toàn thành phố, những ngày đầu năm mới Ất Mùi.