Ngày Tết của tử tù

ANTĐ - Trước khi gây ra tội ác và phải chịu sự trừng phạt của pháp luật, tử tù cũng đều là những con người bình thường. Dù ít hay nhiều, họ đã từng có những cái Tết đoàn viên, ấm cúng bên gia đình, người thân và bạn bè. Thế nên khi phải sống trong phòng biệt giam với đôi chân bị cùm chặt chờ đến ngày trả án, nhiều tử tù chỉ mong được nghe những lời chúc Tết của cán bộ quản giáo để gợi lại đôi chút ấm áp về những ký ức của một ngày Tết chưa xa.

Ngày Tết của tử tù ảnh 1Cán bộ Trại tạm giam số 1 - CATP Hà Nội tặng quà Tết cho phạm nhân

Lo từ bữa cỗ…

Trại tạm giam số 1 - Công an TP Hà Nội có một khu riêng giam giữ những tử tù chờ ngày thi hành án. Khu giam đó nằm cách biệt với khu giam có thời hạn qua 4, 5 lần cửa sắt và được canh gác nghiêm ngặt. Trái ngược với không khí nhộn nhịp, tất bật những ngày cuối năm ngoài xã hội, nơi đây thời gian dường như ngưng đọng lại. Không khí ngày Tết đối với tử tù dường như chỉ tồn tại trong ký ức, còn hiện thực ở đây chỉ là bốn bức tường lạnh lẽo và song sắt của buồng giam. Nếu như trong những ngày thường tâm trạng của tử tù đã có nhiều bất ổn thì trong những ngày Tết, tâm trạng của họ còn  phức tạp hơn rất nhiều. Đại úy Lê Duy Nhì, cán bộ Đội quản giáo số 1, người đã có nhiều năm làm công tác trông coi tử tù giải thích với chúng tôi: Mỗi tử tù mang một bản án khác nhau, song cùng chung một nghịch cảnh là phải đếm ngược thời gian cho quãng đời ngắn ngủi còn lại. Kể từ khi vào đây, khái niệm về không gian, thời gian của tử tù cũng chỉ bó hẹp trong 4 bức tường chật chội, bức bí, do vậy khi sắp đến Tết, nỗi nhớ gia đình, bạn bè, nhớ không khí ngày Tết khi còn ở ngoài xã hội lại càng tăng lên khiến cho tâm trạng của các tử tù khó đoán biết hơn. 

Có lẽ, trong những ngày Tết các tử tù thường hay dao động, xuất hiện tâm lý tiêu cực, bi quan, chán nản nên không ít tử tù có ý định tự thương, tự sát, muốn giải thoát bản thân. Cũng bởi vậy mà, đối với những cán bộ quản giáo làm công tác trông coi tử tù thì những ngày Tết lại là những ngày làm việc vất vả nhất trong năm. Không chỉ tìm hiểu, nắm bắt tâm tư để động viên các tử tù mà các cán bộ quản giáo còn phải tăng cường tuần tra, kiểm soát, nắm tình hình để đề phòng bất trắc có thể xảy ra bất kể lúc nào.

Ngoài việc đó ra, nỗi vất vả của các cán bộ quản giáo còn ở việc coi cho tử tù ăn Tết. Có nhiều chuyện bi hài, cười ra nước mắt. Vào dịp Tết, theo quy định của Nhà nước, chế độ ăn của bị án tử hình được tăng lên gấp 5 lần, cũng đầy đủ hương vị cổ truyền của dân tộc như bánh chưng, giò, kẹo mứt…

Quanh năm ngày tháng phải ăn uống kham khổ khi được bữa “hoành tráng” với những món đậm đà khẩu vị ngày Tết, không ít tử tù ăn nhiều đến mức… bội thực ôm bụng quằn quại gọi cán bộ. Lại cũng có tử tù do ăn nhiều chất bổ quá, trái dạ lại sinh ra đau bụng bị “Tào Tháo đuổi” khiến cho cán bộ quản giáo cũng một phen vất vả theo. Trong mấy ngày Tết, chỉ đến khi các tử tù ăn xong, trải chiếu ngủ rồi, thì lúc đó các cán bộ quản giáo mới có thời gian để dùng bữa. Nhưng trong bữa ăn, các anh vẫn phải vừa ăn, vừa… nghe ngóng xem có tử tù nào gặp phải vấn đề do ăn nhiều hay không để còn kịp thời xử lý.

Ngày Tết của tử tù ảnh 2Phạm nhân Trại tạm giam số 1 - CATP Hà Nội gói bánh chưng chuẩn bị đón Tết

Đến đời sống tinh thần

Với những người phạm pháp phải chịu án tử hình, dẫu biết rằng tội lỗi họ gây ra là quá lớn, song là con người ai cũng có tình cảm, nên khi Tết đến, tử tù cũng nghĩ tới gia đình. Tâm sự với cán bộ quản giáo, có những tử tù thèm tiếc những bữa nhậu say túy lúy song cũng nhiều tử tù thèm muốn được một lần cuối cùng trong đời về thắp nén hương cuối năm để tạ tội trên ban thờ tổ tiên... Do là khu biệt giam nên mọi điều kiện tiếp xúc với bên ngoài gần như bị hạn chế một cách tuyệt đối. Tuy nhiên theo quy định của pháp luật, nếu như chấp hành tốt nội quy, kỷ luật, hàng tháng tử tù vẫn có cơ hội được gặp gỡ gia đình 1 lần. Những ngày sát Tết là những ngày tử tù mong ngóng được gặp gỡ gia đình nhiều nhất. Thế nhưng cũng nhiều tử tù từ ngày vào trại đã trải qua vài năm sống trong khu biệt giam nhưng chưa từng một lần được gia đến thăm nuôi. Với những trường hợp này, mỗi lần đến Tết, các cán bộ quản giáo thường phải dành nhiều thời gian cho họ hơn để chia sẻ, động viên giúp họ vơi bớt đi nỗi cô đơn và sự mặc cảm. 

Đại úy Phan Thị Hằng Nga, cán bộ Đội quản giáo số 3 - Trại tạm giam số 1 Công an Hà Nội cho biết, khác với nam tử tù, trong những ngày Tết các nữ tử tù thường mở lòng với cán bộ quản giáo hơn. Họ thường muốn được chia sẻ về con cái, gia đình, và băn khoăn không biết trong những ngày cuối năm gia đình chuẩn bị Tết thế nào. Có những câu chuyện của nữ tử tù khiến cho ngay cả những cán bộ quản giáo cũng phải xúc động. Đó là chuyện một nữ tử tù người dân tộc bị án tử hình vì tội buôn bán ma túy khi được ăn bữa ăn ngày Tết, đã khóc vì thương con ở nhà không được ai chăm sóc, thiếu thốn từ cái ăn. Rồi có những tử tù bình thường vẫn mong ngóng nhận quà từ gia đình là vậy, thế nhưng ngày Tết khi gia đình đến thăm nuôi họ dứt khoát không nhận quà tiếp tế vì muốn dành số tiền đó để lo cho con cái có được một cái Tết tươm tất hơn.

Nếu như trong những ngày giáp Tết, tử tù thường có những tâm trạng xáo động, thậm chí có trường hợp trầm cảm, không nói năng gì, thì trong những ngày đầu năm mới, đặc biệt là trong đêm 30 Tết họ lại có một tâm trạng hoàn toàn khác. Khi có các cán bộ quản giáo hoặc Ban giám thị xuống chúc Tết, có khi họ còn hát dù theo quy định của trại giam, việc hát hò gây mất trật tự thường bị cấm. Tuy nhiên, trong ngày Tết các cán bộ quản giáo vẫn thường linh động cho các tử tù được tổ chức văn nghệ, giao lưu cho vui vẻ. Đại úy Lê Duy Nhì, cán bộ quản giáo cho biết, trong buổi sáng đầu tiên của năm mới, nhiều tử tù cũng bồi hồi xúc động. Nhiều tử tù ngày thường có thể tỏ ra xấc xược, chống đối nhưng trong buổi sáng đầu tiên của năm mới lại rất nhũn nhặn, thậm chí còn chúc Tết cán bộ quản giáo. 

Giống như hầu hết các cán bộ làm công tác quản lý phạm nhân, đối với các cán bộ quản giáo trông coi tử tù, việc ăn Tết ở Trại đã trở thành một… thói quen. Điều này cũng đồng nghĩa với việc họ chấp nhận phải hy sinh những giây phút được quây quần bên người thân trong năm mới và không có nhiều thời gian để chăm lo cho gia đình trong ngày Tết. Vượt qua hết những trở ngại, khó khăn, họ luôn tâm niệm một điều: mang lại cho các tử tù một chút hơi ấm tình người trong những ngày Tết có thể sẽ là Tết cuối cùng.