Mô hình giúp đỡ người lầm lỡ hoàn lương tại thị xã Sơn Tây

ANTĐ - Với những người từng một thời lầm lỡ, việc vượt qua mặc cảm, trở thành người có ích cho xã hội là cả một quá trình phấn đấu, đối mặt với vô vàn khó khăn. Thấu hiểu và mong muốn được giúp đỡ những trường hợp đặc biệt này tái hòa nhập cộng đồng, từng hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Quang Trung (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) đã không quản ngày đêm cảm hóa họ bằng tình thương và trách nhiệm.

Mô hình giúp đỡ người lầm lỡ hoàn lương tại thị xã Sơn Tây ảnh 1Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Quang Trung sát cánh cùng lực lượng công an quản lý, giúp đỡ người lầm lỡ

Mưa dầm thấm lâu

3 năm nay, hình ảnh những hội viên phụ nữ phường Quang Trung sát cánh cùng lực lượng công an giúp đỡ người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng đã không còn lạ lẫm với người dân địa phương. Bất kể thời gian, các chị đều đặn đến nhà gặp gỡ, giúp đỡ từng trường hợp chấp hành xong án phạt tù. Vì thế mọi ngõ ngách, xóm làng có người lầm lỡ đều thường xuyên có bóng dáng hội viên phụ nữ. 

Việc cảm hóa, giúp đỡ người lầm lỡ chưa bao giờ dễ dàng, đặc biệt với những nữ cán bộ vừa gánh vác việc nhà, vừa đảm đương công việc đoàn thể. Gặp gỡ người lầm lỡ đã khó, để trở nên thân thiết, cởi mở chia sẻ về cuộc sống lại càng lắm gian truân. Tâm lý mặc cảm, né tránh của người chấp hành xong án phạt tù khiến họ ngại tiếp xúc.

Như đánh giá của bà Khuất Thị La – Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường thì đây là thử thách lớn nhất mà những người làm công tác cảm hóa, giáo dục người lầm lỡ phải vượt qua. Nhớ lại trường hợp một nam thanh niên nghiện ma túy ở phố Bùi Thị Xuân, phải mất gần 1 năm ròng rã, các hội viên phụ nữ mới có thể tiếp cận, trò chuyện. Thời gian đầu, hễ thấy các hội viên phụ nữ đến cổng là người này lại chốt cửa hoặc trèo tưởng bỏ ra ngoài. Cho rằng “bị làm phiền”, nam thanh niên từng một thời nghiện hút tỏ ra bất hợp tác, thậm chí còn xua đuổi, nổi đóa với các hội viên. Không chấp nhận thất bại, suốt nhiều tháng ròng rã, các chị vẫn qua lại, gặp gỡ gia đình. Bằng tình cảm chân thành của những người chị, người mẹ, các hội viên đã từng bước cảm hóa, giáo dục thành công trường hợp này. Giờ đây, rũ bỏ tâm lý tự ti và quên đi quá khứ, chàng trai hư hỏng ngày nào đã tu chí làm ăn, trở thành chỗ dựa vững chắc của cả gia đình.

3 năm gắn bó với công việc cảm hóa, giúp đỡ các trường hợp tù tha, các hội viên phụ nữ phường Quang Trung còn phải “chinh phục” cả những ông bố, bà mẹ khó tính. Vì nhiều lý do khác nhau, nhiều gia đình “không thích“ sự có mặt của các cán bộ đoàn thể, ngay cả khi con em họ mong muốn được giúp đỡ, giới thiệu việc làm. Vẫn với suy nghĩ “mưa dầm thấm lâu”, các hội viên Hội Phụ nữ bằng mọi cách đã làm thay đổi suy nghĩ của những bậc phụ huynh này. Cùng với thời gian, sự tiến bộ tích cực của những người có quá khứ lầm lỡ đã khiến những người xung quanh có thêm niềm tin vào công tác giáo dục, cảm hóa được những hội viên phụ nữ triển khai.

Lấy niềm vui làm động lực

Khó có thể đong đếm hết công sức cũng như vất vả mà mỗi cán bộ phụ nữ phải đối mặt khi tự nguyện đứng ra kèm cặp, giúp đỡ các trường hợp tù tha. Đã có lúc, có người hoài nghi về hiệu quả công việc các chị đang làm. Thậm chí có người còn cho rằng những hội viên phụ nữ làm công tác cảm hóa người lầm lỡ chỉ làm chạy theo “phong trào”. Tuy nhiên, nếu trực tiếp gặp gỡ, tận mắt chứng kiến sự đổi thay và khát khao hướng thiện của người lầm lỡ sẽ hiểu hết ý nghĩa của việc làm này. “Ngoài tư vấn pháp lý, giới thiệu việc làm, cho vay vốn sản xuất, Hội Phụ nữ phường còn tích cực phối hợp quản lý, giáo dục người lầm lỡ, phòng ngừa tái phạm. Nhiều trường hợp tù tha được giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng, được xóa án tích trong thời gian qua có công lớn của các hội viên phụ nữ” - Trung tá Hà Văn Cung – Trưởng CAP Quang Trung nhận xét.

Trong số những trường hợp đã cảm hóa thành công, những hội viên phụ nữ vẫn ấn tượng đặc biệt về quá trình giúp đỡ anh Bùi Hồng Q. (ở đường Hoàng Diệu, phường Quang Trung) quay về với nẻo thiện. Thời điểm đó, không ai nghĩ một người không có nghề nghiệp, bị bắt về tội mua bán trái phép ma túy lại có thể khép lại quá khứ lầm lỗi, tu chí làm ăn. Nhưng sau hơn 1 năm ròng rã, với sự giúp đỡ nhiệt tình của các cán bộ đoàn thể, anh Q. đã vượt qua mặc cảm và hoàn cảnh gia đình, rồi được giới thiệu vào làm việc tại một công ty tư nhân với mức thu nhập ổn định. Từ thời điểm đó, căn nhà nhỏ nằm sâu trong ngõ của gia đình anh Q. luôn rộn rã tiếng cười. Còn những hội viên phụ nữ, họ cũng chung niềm vui vì đã trở thành điểm tựa tinh thần, sát cánh cùng gia đình giúp đỡ người lầm lỡ trở thành công dân có ích.