Lật tẩy... “lòng tốt”

ANTĐ - Hiện đang có xu hướng kinh doanh không bình thường diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội: gà được vặt lông, sơ chế, rửa ráy và ủ đá lạnh đem từ nơi giết mổ về thẳng các chợ đầu mối, chợ dân sinh tiêu thụ. Nói không bình thường là bởi, không người tiêu dùng nào biết đích xác nơi giết mổ, sơ chế gà ở đâu; gà bị tẩm ướp thứ hóa chất gì mà không bị hỏng trên đường vận chuyển; và ai dám quả quyết người ta không “cài” gà bệnh, gà loại thải vào những xe gà ướp lạnh này, nhất là khi về đến chợ dân sinh, nó được bày bán như gà vừa mổ tại chỗ.

Trong vòng chưa đầy 1 tuần đầu tháng 1-2013, lực lượng Cảnh sát môi trường CAQ Long Biên bắt liên tiếp 2 vụ vận chuyển, tích trữ gà và nội tạng đã qua sơ chế, ướp lạnh. Người vận chuyển khai loanh quanh về nguồn gốc của những xe gà này, song lực lượng công an nắm được, đa phần nó từ các tỉnh biên giới tràn vào nội địa. Vì không có nguồn gốc, không đủ giấy tờ, nên toàn bộ số gà trên đều bị tịch thu để tiêu hủy. Điều này là đúng và cần thiết, nhưng dường như vẫn thiếu, bởi chắc chắn, những xe gà qua sơ chế bị bắt chỉ là phần nổi của xu hướng kinh doanh mới này. Bắt và tiêu hủy xe gà này, sẽ có những chuyến xe khác về nội địa trót lọt. Trước khi tiêu hủy, nên chăng, lực lượng chức năng thu thập mẫu gửi đến cơ quan Y tế, Thú y làm xét nghiệm, xem những chú gà đã qua sơ chế được tẩm ướp bằng hóa chất gì, có hại cho sức khỏe người tiêu dùng ra sao, từ đó phát thông điệp cảnh báo. Thế nhưng, đến nay chưa địa bàn nào thực hiện động thái này.

Buôn bán hàng lậu luôn xuất hiện các phương thức thủ đoạn mới đối phó tinh vi; và gà qua sơ chế là một minh chứng. Thay vì chở cả xe gà sống như trước kia, đối tượng nhập lậu, buôn lậu gà hiện nay đã dùng thủ đoạn “gia công” thêm khâu giết mổ gà, và tẩm ướp. Nếu như gà sống, nhưng có dấu hiệu bệnh, ốm, người tiêu dùng còn có thể nhận biết, không mua. Nhưng gà đã qua sơ chế, thì người tiêu dùng bó tay. Vô tình ăn phải gà ốm, gà loại thải đã đủ ốm người, lại thêm hóa chất ngâm tẩm, mức độ nguy hại ắt gia tăng. Phải làm rõ “lòng tốt” của những người sơ chế gà, xem họ ướp tẩm bằng hóa chất gì, đó là yêu cầu quan trọng trong công tác đấu tranh, ngăn chặn thực phẩm, gia cầm “bẩn” sẽ bắt đầu sôi động từ nay đến trước Tết.