Để mỗi người dân là một chiến sỹ phòng “giặc lửa”

ANTĐ - Với trách nhiệm quản lý địa bàn, Phòng Cảnh sát PCCC Bắc Thăng Long đã tham mưu cho UBND quận Tây Hồ có nhiều biện pháp khắc phục những tồn tại, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về công tác cứu nạn, cứu hộ, an toàn PCCC. 

Để mỗi người dân là một chiến sỹ phòng “giặc lửa” ảnh 1Cảnh sát PCCC Bắc Thăng Long tập huấn cứu nạn, cứu hộ

Ưu thế cũng là thách thức

Phòng Cảnh sát PCCC Bắc Thăng Long quản lý về công tác an toàn PCCC trên tổng diện tích mặt bằng 24km2, gồm 8 phường với 447 tổ dân phố; dân số khoảng 150.987 người. Những năm gần đây tốc độ phát triển kinh tế, tốc độ đô thị hóa phát triển nhanh đã hình thành nhiều khu đô thị mới trên địa bàn như: Khu đô thị mới Nam Thăng Long - Ciputra, Khu đô thị Vườn Đào… và các khu chung cư cao tầng tập trung như khu chung cư hỗn hợp Vườn Đào, khu nhà Veam Tây Hồ, Sirena…

Bên cạnh đó, mỗi năm địa bàn cũng đón hàng chục nghìn lượt du khách nghỉ tại hàng chục khách sạn, nhà nghỉ, trong đó có 3 khách sạn cao tầng được trang bị hiện đại. Tuy nhiên, sự phát triển này đã trở thành mối lo nếu như nhận thức cũng như công tác phòng ngừa về an toàn PCCC còn chưa thực sự “nằm lòng” với mỗi người. Ông Nguyễn Phúc Quang, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ đánh giá: “Thời gian gần đây cháy chủ yếu xảy ra tại chung cư, nhà cao tầng, kho tàng, xưởng sản xuất, nhà dân… mà nguyên nhân chính là do nhận thức của người dân về công tác an toàn PCCC chưa cao, nhiều cơ sở thực hiện chưa đầy đủ trách nhiệm của mình trong công tác PCCC”. 

Coi trọng lực lượng ở gần

Với trách nhiệm quản lý địa bàn, Phòng Cảnh sát PCCC Bắc Thăng Long đã tham mưu cho UBND quận nhiều biện pháp khắc phục những tồn tại. Thượng tá Nguyễn Hải Triều, Trưởng Phòng cảnh sát PC&CC Bắc Thăng Long cho biết: “Công tác tập huấn cứu nạn, cứu hộ được đưa lên hàng đầu nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản nếu xảy ra sự cố. Việc tập huấn không chỉ là cách thức tuyên truyền hiệu quả mà còn là cách “ôn bài” cho chính  người dân cơ sở”.

Do vậy, trong thời gian qua, công tác tập huấn cứu hộ, cứu nạn tại địa bàn quận Tây Hồ đã được lực lượng Cảnh sát PCCC thường xuyên tổ chức. Ngoài việc tập huấn cho người đứng đầu cơ sở trên địa bàn 8 phường, lực lượng Cảnh sát PCCC đã tập huấn cho hàng trăm cơ sở kinh doanh, trường học, khu dân cư… với hàng nghìn lượt người tham gia.

Với phương châm “nước xa không cứu được lửa gần”, lực lượng Cảnh sát PCCC đã tham mưu cho UBND quận chỉ đạo thành lập đội dân phòng và PCCC cơ sở, với hàng chục nghìn đội viên. Cùng với đó, lực lược Cảnh sát PCCC Bắc Thăng Long đã tham mưu cho UBND quận Tây Hồ tổ chức các cuộc thi vòng loại Hội thi thể thao nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn. Qua đó, lực lượng Cảnh sát PCCC chuyên nghiệp đã hướng dẫn, phối hợp nâng cao năng lực chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại cơ sở.  

Thượng tá Nguyễn Hải Triều nhấn mạnh: “Để công tác cứu nạn, cứu hộ, an toàn PCCC đạt kết quả tốt, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, điều đầu tiên phải trú trọng là công tác phòng ngừa, cùng với đó là sự đòi hỏi phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân. Đối với lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, ngoài việc cần trang bị bổ sung các phương tiện cứu nạn, cứu hộ thì chính quyền các địa phương, chủ các cơ quan, ban, ngành cần kiện toàn lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng và trang bị bổ sung các phương tiện cứu nạn, cứu hộ cần thiết mới có thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ trong tình hình hiện nay”.